Dân Việt

Giá gia cầm giảm, nông hộ treo chuồng, nguy cơ thiếu gà dịp tết

Trần Khánh 22/10/2021 19:22 GMT+7
Đã có rất nhiều nông hộ bỏ trống chuồng, không tái đàn gia cầm phục vụ Tết Nguyên đán 2022.

Giá gia cầm giảm, không tái đàn gia cầm dịp tết

Chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là đến tết Nguyên đán. Đây là thời điểm người chăn nuôi trên địa bàn huyện Long Thành (Đồng Nai) tập trung chăn nuôi gà thả vườn để cung ứng cho thị trường lễ, tết cuối năm.  

Tuy nhiên, dịch Covid-19 những tháng vừa qua khiến giá gà bán tại trại liên tục giảm mạnh.

Trong khi các khoản chi phí đầu vào tăng cao khiến nhiều hộ nông phải ngừng nuôi, những hộ còn nuôi gà thì ráng giữ đàn cầm cự, một số hộ dân khác vẫn chưa thể tái đàn.

Xã Bình Sơn là địa phương trọng điểm chăn nuôi gà của huyện Long Thành. Ảnh: Trần Khánh

Xã Bình Sơn là địa phương trọng điểm chăn nuôi gà của huyện Long Thành. Ảnh: Trần Khánh

Xã Bình Sơn là địa phương trọng điểm chăn nuôi gà của huyện Long Thành.

Theo các hộ chăn nuôi ở xã Bình Sơn, đầu năm, gà lông màu được thương lái thu mua từ 50.000 đồng/kg với gà trống và 60.000 đồng/kg với gà mái. Với giá này, hộ nào xuất bán 1.000 con có thể thu từ 20-30 triệu đồng.

Từ khi dịch bùng phát, giá gà các loại bắt đầu giảm mạnh.

Ông Trần Kiếm Phi, nông dân chăn nuôi gà lông màu ở ấp 7 (xã Bình Sơn) kể, năm ngoái, giá cám là 250.000 đồng/bao.

Nhưng cùng kỳ năm nay, giá cám đã lên 310.000-320.000 đồng/bao. Các khoản chi phí vaccine, thuốc để chống chọi các đợt dịch gia cầm cũng tăng lên.

Ông Phi tính toán, nuôi 1.000 con gà từ lúc nhập chuồng đến khi xuất bán, chủ trại phải bỏ ra tổng chi phí hơn 100 triệu đồng.

Sau nhiều đợt trồi sụt, giá gà hiện nay chỉ còn 45.000 đồng/kg với gà trống và 55.000 đồng/kg với gà mái. Cân đối lại các khoản thì nông dân bị lỗ vốn.

Hiện tại, dịch Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng lớn đến sức mua thị trường nên nhiều hộ dân đã cắt giảm đàn hoặc treo chuồng để cắt lỗ.

Thống kê từ Phòng NNPTNT huyện Long Thành, tổng đàn gà thả vườn toàn huyện có thời điểm lên hơn 1 triệu con.

Riêng địa bàn ấp 7, xã Bình Sơn có khoảng 120 hộ nuôi, với hơn 500.000 con. Thế nhưng hiện nay, toàn ấp chỉ còn chưa đến 1/3 số hộ còn giữ lại đàn gà. 

Một trại chăn nuôi gà ở xã Bình Sơn, huyện Long Thành đã treo chuồng. Ảnh: Trần Khánh.

Một trại chăn nuôi gà ở xã Bình Sơn, huyện Long Thành đã treo chuồng. Ảnh: Trần Khánh.

Ông Trần Anh Tùng, cán bộ Hội Nông dân ấp 7, xã Bình Sơn kể, nông dân vốn quen cảnh "tay làm hàm nhai".

Nuôi gà tiếp thì lỗ vốn, mà không nuôi thì chẳng lẽ ăn rồi nằm không. "Nhưng thực tế là đã có rất nhiều nông hộ bỏ trống chuồng, không tái đàn gia cầm dịp tết", ông Tùng nói. 

Đàn gà càng gần tới lứa xuất chuồng càng ăn nhiều. Nếu giữ lại, mức đầu tư sẽ lớn hơn rất nhiều so với đàn gà lúc còn nhỏ. "Đấy cũng là cớ mà không ít thương lái nhân cơ hội ép giá nông dân", ông Tùng chia sẻ thêm.

Sẽ thiếu cục bộ thịt gà dịp tết

Ông Nguyễn Minh Lý ở xã Tóc Tiên, TX.Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng cho biết, thời điểm này ông thường thả nuôi hơn 3.000 con gà để phục vụ cho thị trường Tết.

Những năm gần đây, dịch bệnh trên gia cầm bùng phát mạnh và kéo dài, ảnh hưởng nặng nề đến người chăn nuôi.

Nay nay lại thêm dịch Covid-19 hoành hành. Giá thức ăn và phí vận chuyển cùng tăng, buộc ông Lý phải cân nhắc. Hiện tại ông chỉ thả nuôi khoảng 2.000 con giống.

Một hộ chăn nuôi gà ở TX.Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Phúc Hiếu

Một hộ chăn nuôi gà ở TX.Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Phúc Hiếu

Ông Lý kể, mình lấy nguồn cám trực tiếp từ công ty Japfa và chăn nuôi với số lượng lớn nên còn tạm cầm cự.

Trong mùa dịch Covid-19, tất cả các đại lý cám đều mua bán bằng tiền mặt chứ không cho thiếu nợ nữa.

Chỉ những hộ nuôi từ 9.000-10.000 con gà trở lên, vừa là đại lý cấp 1 trong việc phân phối thức ăn chăn nuôi mới có thể mạnh dạn tái đàn.

"Còn các nông hộ nhỏ lẻ, ít vốn sẽ khó trụ được lâu dài", ông Lý nói.

Theo Sở NNPTNT Bà Rịa - Vũng Tàu, toàn tỉnh có tổng đàn gia cầm khoảng 6,5 triệu con. Đây là nguồn cung cho thời điểm hiện tại.

Còn với nguồn cung cho thị trường vụ Tết thì thống kê bước đầu, đã có hơn 20% nông hộ trong tỉnh không tái đàn gia cầm.

Một trang trại chăn nuôi gà trên địa bàn huyện Tân Biên, Tây Ninh. Ảnh: Vũ Nguyệt

Một trang trại chăn nuôi gà trên địa bàn huyện Tân Biên, Tây Ninh. Ảnh: Vũ Nguyệt

Với mức chênh lệch quá lớn giữa giá bán và chi phí đầu vào hiện nay thì người chăn nuôi bỏ trống chuồng trại là tất yếu. Nguy cơ thiếu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, thiếu nguồn cung cục bộ cho thị trường thịt gia cầm cuối năm là khó tránh khỏi.

Ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở NNPTNT Tây Ninh cho biết, trong lúc cao điểm dịch bùng phát, đàn gà công nghiệp trên địa bàn rớt giá kỷ lục, chỉ còn 8.000 đồng/kg.

Trong khi đó, chi phí chăn nuôi gà công nghiệp ước khoảng 30.000 đồng/kg. Nhiều nông hộ, trang trại phải bán đổ bán tháo với giá rẻ để thu hồi vốn.

Thẩm chí, một số doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi phải tiêu huỷ phần lớn đàn gà vì không tiêu thụ được. Ngay cả trứng ấp con giống cũng phải bán với giá trứng thực phẩm.

"Việc xuất bán trứng gà ấp con giống sẽ làm giảm quy mô đàn nuôi, và có thể dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung khi thị trường mở cửa trở lại", ông Xuân cho biết.