Sáng 24/10, phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Công Long đã đề cập tới công tác phòng, chống tội phạm. Ông nói: Báo cáo của Chính phủ về tình hình phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021 có nêu tình trạng hoạt động khai thác trái phép cát sỏi diễn ra ở nhiều địa phương. Thế nhưng tình hình thực tiễn vi phạm pháp luật diễn ra trên khắp cả nước. Mới đây VTV có đưa phóng sự sâu sắc về tình trạng này, khai thác cát lòng sông tại sông Đà, sông Hồng, sông Lô ở phía Bắc.
"Qua phóng sự truyền hình thấy xót xa hình ảnh những người dân quay mặt đi không dám nhìn thẳng vào ống kính và than thở rằng "không biết kêu ai về tình trạng này". Những thiệt hại rất lớn do khai thác cát sỏi gây ra, những hệ lụy của nó chúng ta đều biết. Thực tế cho thấy hoạt động vi phạm pháp luật này mang lại lợi nhuận khổng lồ", ĐB Long nói và đưa ra dẫn chứng, mới đây nhất có doanh nghiệp đấu giá bỏ ra gần 3.000 tỷ để có thể trúng thầu mỏ cát ở sông Tiền trong khi giá chỉ 7,2 tỷ.
Vị ĐBQH Đoàn Đồng Nai nhìn nhận, lợi nhuận khổng lồ là nguyên nhân để các tổ chức cá nhân vi phạm bất chấp mọi quy định của pháp luật, bất chấp chính quyền địa phương, bất chấp dịch bệnh để vi phạm, hệ quả gây ra tác hại rất lớn về môi trường, không chỉ thất thoát lượng lớn về tài nguyên, thất thoát thu ngân sách mà còn biến dạng hệ thống sông ngòi, gây sạt lở nghiêm trọng đất đai đe dọa các công trình thủy lợi cũng như hệ thống đê điều làm ảnh hưởng lớn tới mưu sinh sinh kế của hàng triệu người dân khu vực sông.
"Câu hỏi đặt ra là tại sao tình trạng kéo dài như vậy, nghiêm trọng như vậy, còn hiệu quả đấu tranh lại không hiệu quả", ĐB Long nói và cho rằng trong báo cáo Chính phủ thừa nhận hiệu quả đấu tranh với tội phạm vi phạm này chưa cao do đó đề nghị Chính phủ cần phân tích rõ.
Về việc này, trước đây trong thời gian dài chúng ta có nêu lý do do thiếu cơ chế, chế tài. Nhưng đến nay theo ĐB Long, hệ thống pháp luật của chúng ta đã đầy đủ và hoàn thiện. Ngoài Luật khoáng sản còn có Luật Tài nguyên nước và các luật có liên quan. Chính phủ cũng có ban hành Nghị định 23/2020 quy định cụ thể về quản lý cát sỏi lòng sông và bảo vệ bờ, bãi sông, lòng sông, xác định rõ trách nhiệm từng bộ ngành và UBND địa phương. Tuy nhiên, với hệ thống pháp luật như vậy nhưng công tác đấu tranh với sai phạm này vẫn không hiệu quả.
"Phải chăng có sự lơ là, buông lỏng, bỏ qua của chính quyền các cấp trong việc quản lý đối với hoạt động này. Khai thác cát sỏi trái phép mang lại lợi nhuận cao như vậy thì dư luận và cử tri có quyền đặt ra câu hỏi: Có tiêu cực hay không trong quản lý này. Thực tiễn đấu tranh với loại tội phạm này cho thấy, khi chúng ta cương quyết đều có thể làm được. Bằng chứng mới đây nhất Bộ Công an đã có các đơn vị nghiệp vụ xuống Hải Phòng để truy bắt hàng chục tàu cát khai thác cát trái phép.
Câu hỏi đặt ra là tại sao những sai phạm của địa phương mà trên Bộ xuống mới xử lý được?. Trách nhiệm của chính quyền địa phương đến đâu?. Trong thời gian tới Chính phủ cần tập trung các biện pháp chỉ đạo, quyết liệt trong việc lập lại trật tự trong khai thác cát, sỏi ở các lòng sông trên khắp cả nước, xử lý tất cả các tổ chức cá nhân vi phạm. Cùng với việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm trong khai thác cát, sỏi thì phải xử lý trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý công tác này", ĐBQH Nguyễn Công Long đề nghị.