Theo Tareq Muhmood, Giám đốc Tập đoàn Visa của Khu vực Đông Nam Á thì trong những năm gần đây, công nghệ đã giúp định hình lại việc áp dụng thanh toán và thương mại. Nghiên cứu về thái độ thanh toán của người tiêu dùng của Visa năm 2021 cho thấy, 85% người tiêu dùng trên khắp Đông Nam Á chấp nhận một số phương thức thanh toán kỹ thuật số bao gồm thẻ, thẻ không tiếp xúc, thanh toán di động, ví điện tử và thanh toán bằng mã QR. Gần 2/3 người tiêu dùng ở Đông Nam Á (64%) cũng đã cố gắng không dùng tiền mặt, đặc biệt là người tiêu dùng ở Việt Nam (84%), Thái Lan (82%) và Philippines (79%).
Nhìn chung, sự thay đổi đối với thanh toán không dùng tiền mặt được thúc đẩy bởi sự gia tăng của người tiêu dùng đối với thanh toán không tiếp xúc (63%) và thanh toán bằng thẻ (46%). Khi trải nghiệm thanh toán mới tiếp tục xuất hiện trên toàn khu vực thì người tiêu dùng ngày càng có khả năng tiếp cận nhiều loại hình thanh toán kỹ thuật số khác nhau, họ có khả năng chọn các cách thanh toán sáng tạo hơn.
Tăng trưởng thương mại điện tử cũng được đẩy nhanh ở Đông Nam Á, khi người tiêu dùng hình thành thói quen mới về thương mại do đại dịch. COVID-19 đã giúp nhiều người tiêu dùng Đông Nam Á lần đầu tiên mua sắm trực tuyến qua các trang web (43%) hoặc các kênh truyền thông xã hội (35%). Mua sắm trực tuyến đã bùng nổ, đặc biệt là ở Thái Lan, với gần 2/3 người tiêu dùng Thái Lan (65%) lần đầu tiên mua sắm trực tuyến qua ứng dụng hoặc trang web.
Hơn một nửa người tiêu dùng ở Indonesia (56%) và Philippines (52%) cũng là những người mua sắm trực tuyến lần đầu. Mua sắm qua mạng xã hội cũng đã chứng kiến sự phổ biến ngày càng tăng ở Philippines (45%), Thái Lan (44%) và Việt Nam (44%), với gần một nửa người tiêu dùng ở mỗi thị trường là những người mua sắm trực tuyến lần đầu trên các kênh mạng xã hội.
Khi thương mại điện tử tiếp tục phát triển nhanh chóng, hơn hai phần năm người tiêu dùng Đông Nam Á cũng mua sắm thường xuyên hơn tại các chợ lớn trực tuyến (44%). Đồng thời, người tiêu dùng trong khu vực cũng mua sắm thường xuyên hơn từ các doanh nghiệp tại gia (40%) và các doanh nghiệp địa phương (29%). Với việc người tiêu dùng ngày càng quen với việc mua hàng trên điện thoại thông minh và máy tính của họ, thương mại điện tử đang sẵn sàng phát triển hơn nữa trong thời kỳ đại dịch và hơn thế nữa.
Trên khắp thế giới, COVID-19 đã đẩy nhanh việc áp dụng các dịch vụ tài chính số, đặc biệt là Mobile Money. Thanh toán kỹ thuật số đã tăng mạnh trên quy mô toàn cầu, do đại dịch đòi hỏi các bộ phận dân số còn do dự trước đây phải thích ứng với các khuôn khổ thanh toán kỹ thuật số mới.
Bên cạnh đó, sự thâm nhập ngày càng rộng của internet và mạng di động trong ASEAN đã tạo điều kiện cho sự bùng nổ thương mại điện tử ở cả thị trường trong nước và xuyên biên giới. Khu vực này cũng tự hào là thị trường internet phát triển nhanh nhất trên thế giới, với khoảng 125.000 người dùng mới tham gia sử dụng internet hàng ngày.
Mobile Money mang lại những lợi ích to lớn cho người dùng và các nhà cung cấp dịch vụ tài chính, cũng như cho toàn bộ nền kinh tế các quốc gia thuộc toàn khối. Đối với người dùng, Mobile Money cho phép các bộ phận dân số trước đây chưa sử dụng ngân hàng có thể truy cập các dịch vụ tài chính một cách an toàn, chính xác và kịp thời. Các nhà cung cấp dịch vụ tài chính có thể thu được lợi nhuận khi họ thâm nhập vào các thị trường và nhóm khách hàng chưa được nhắm đến trước đây.
Thực tế mà nói, ASEAN là một tổ hợp các nền văn hóa và các dân tộc, và tương tự như vậy nó cũng bao gồm các quốc gia có mức độ phát triển tài chính điện tử khác nhau. Cụ thể, Malaysia đứng đầu khi so sánh với các quốc gia khác ở Đông Nam Á về mức độ sử dụng riêng dịch vụ Mobile Money trong khu vực, theo một nghiên cứu gần đây do tổ chức Mastercard thực hiện. Malaysia đứng đầu bảng với khoảng 40% tổng lượng sử dụng, tiếp theo là Philippines với 36%, Thái Lan với 27% và Singapore với 26%.
Nghiên cứu tác động của Mastercard cho biết, các hoạt động trực tuyến đã tăng mạnh trong khu vực do hậu quả của đại dịch Covid-19 khiến mọi người phải ở trong nhà nhiều hơn vì giãn cách xã hội. Công trình nghiên cứu này được khảo sát và thu thập từ 10.000 người tiêu dùng và / hoặc các chuyên gia kinh doanh trên 10 tổ chức, thị trường Mobile Money trọng điểm ở các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á.
Nghiên cứu tiếp tục cho thấy sự thay đổi trên toàn khu vực trong phương thức thanh toán, với phần lớn người tiêu dùng ở tất cả các thị trường Đông Nam Á được khảo sát báo cáo mức sử dụng tiền mặt giảm đáng kể, giảm 67% ở Singapore, 64% ở Malaysia và Philippines, và 59% ở Thái Lan kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Safdar Khan, Chủ tịch bộ phận Quản lý các thị trường Mobile Money mới nổi Đông Nam Á nói với giới truyền thông rằng: "COVID-19 đã tác động đến mọi người và mọi quốc gia theo cách này hay cách khác. Nhiều người tiêu dùng và doanh nghiệp đã nhanh chóng thích ứng với thế giới kỹ thuật số và thanh toán không dùng tiền mặt để giữ an toàn. Ngay cả khi các tổ chức và thị trường chuẩn bị cho sự phục hồi, mối quan tâm của người tiêu dùng về sự an toàn đã được đặt lên hàng đầu trong bất kỳ chiến lược nào, và điều này thể hiện rõ ràng trong cách mà người tiêu dùng ở Đông Nam Á hiện đang mua sắm và giao dịch".
Riêng tại Malaysia, cả các ngân hàng đương nhiệm và các đối thủ phi ngân hàng đã nhanh chóng giải quyết một số trở ngại trong thị trường tài chính kỹ thuật số, nhanh chóng đạt được bước nhảy vọt tiếp theo về quy mô phát triển và áp dụng Mobile Money.
Thậm chí, Quỹ Đầu tư Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNCDF) chi nhánh tại Malaysia trong vài tháng qua cũng đã làm việc với 18 công ty khởi nghiệp đang tạo ra và hoàn thiện các sản phẩm và dịch vụ Mobile Money giúp những người có thu nhập thấp và trung bình cải thiện khả năng giao dịch tài chính của mình.
Còn các chuyên gia tại tổ chức Mastercard đồng nhận định: "Trong những thời điểm đầy thách thức này, Mastercard cam kết sử dụng sức mạnh của dữ liệu để cho phép các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô có thể nhận thấy rõ tiềm năng Mobile Money để thích ứng và phát triển cùng với nhu cầu, sở thích và hành vi đang thay đổi của người tiêu dùng thông qua các công cụ thương mại điện tử, tăng giới hạn thanh toán không tiếp xúc và dẫn đầu việc chuyển đổi sang thanh toán không tiếp xúc trên vùng miền, quốc gia.
Bằng cách đặt tâm lý và mối quan tâm của người tiêu dùng vào cốt lõi của mọi quyết định, các doanh nghiệp và chính phủ sẽ có thể tự tin hơn trước tình hình hiện tại này, và giảm thiểu tác động tiêu cực của các cuộc khủng hoảng tài chính trong tương lai. "