Cũng vào thời gian này năm ngoái, người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị chịu thiệt hại nặng nề vì nước lũ cuốn trôi tất cả vốn liếng, tài sản đầu tư vào hồ tôm. Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa mưa lũ là người nuôi tôm nơm nớp nỗi lo trắng tay.
Một ngày sau khi trận mưa lớn kéo dài vừa dứt, ông Nguyễn Duy Bình (49 tuổi) và ông Lê Xuân Thọ (48 tuổi) ở thôn Hoàng Hà, xã Gio Việt lại đi ra hồ tôm của mình.
Hướng ánh mắt về phía cánh đồng nước mênh mông, ông Bình nói: “Chỉ còn vài ngày nữa là chúng tôi thu hoạch tôm. Các chủ hồ tôm trong xã ai cũng hy vọng cuối tháng này thu hoạch để có tiền trang trải nợ nần, vậy mà giờ lại trắng tay. Hàng chục tấn tôm trôi theo dòng nước bạc. Tiếc của đứt ruột nhưng không biết làm sao bây giờ”.
Ông Bình nuôi tôm hơn 20 năm nay. Trên diện tích 3 ha thuê của nhà nước, ông Bình cải tạo hồ để nuôi thủy sản; trong đó 2 hồ nuôi tôm sú - cua, 1 hồ nuôi tôm thẻ chân trắng và 1 hồ nuôi cá vược. Dự kiến cuối tháng 10 này, ông Bình sẽ thu hoạch tôm, cua và cuối năm sẽ thu hoạch cá.
Tuy nhiên, mưa lớn kéo dài đã làm ngập toàn bộ diện tích nuôi thủy sản của gia đình ông, ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 400 triệu đồng.
Cùng chung cảnh ngộ, ông Lê Xuân Thọ cũng trắng tay sau trận mưa lớn kéo dài. Ông Thọ có 3,5 ha nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua và cá kình.
Ông Thọ kể: “Trước đây, tôi nuôi tôm với diện tích nhỏ nên thu chẳng bù chi. Năm 2020, tôi dùng sổ đỏ của gia đình và mượn thêm sổ đỏ của người thân thế chấp vay vốn ngân hàng để thuê đất, mua con giống và thức ăn nuôi thủy sản với hy vọng cuộc sống sẽ khấm khá hơn. Tuy nhiên năm ngoái, tôi thất thu vì mưa lũ. Năm nay lại trắng tay...".
"Trận mưa vừa rồi làm ngập toàn bộ 3 hồ tôm, cua, cá của tôi, ước tính thiệt hại khoảng 500 triệu đồng. Chưa kể số tiền nợ ngân hàng khoảng 800 triệu đồng không biết bao giờ mới trả hết”, ông Thọ ngao ngán.
Trưởng thôn Hoàng Hà Trần Văn Diệp cho hay, toàn thôn có 7 hộ nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng với diện tích trên 8 ha. Tính đến ngày 18/10, mưa lớn đã làm ngập toàn bộ diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn.
“Những năm trước đây, khu vực nuôi thủy sản của người dân trong thôn không bị ngập lụt. 2 năm nay thì bị ngập nặng. Riêng những ngày giữa tháng 10 vừa qua, nước lũ từ sông Hiếu dâng lên quá nhanh, người nuôi tôm không kịp trở tay. Tôm, cá nước lợ mà gặp nước lũ về là chết hết. Nhiều hộ trong thôn thiệt hại hàng trăm triệu đồng”.
Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Gio Linh cho biết, mưa lớn kéo dài trong những ngày giữa tháng 10 đã làm thiệt hại nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện.
Đặc biệt có 12,05 ha nuôi tôm các loại tại 2 xã Gio Việt và Trung Hải bị ngập nước; trong đó xã Gio Việt 8,93 ha, xã Trung Hải 3,12 ha. Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Võ Đắc Hóa thông tin: “Trước mắt, huyện đã chỉ đạo các địa phương kiểm tra tình hình thiệt hại và hướng dẫn các hộ nuôi làm thủ tục cần thiết để được hỗ trợ theo đúng quy định”.
Còn nhớ cũng vào quãng thời gian này năm ngoái, mưa lớn kéo dài làm mực nước dâng cao, vượt mức đỉnh lũ lịch sử năm 1999 nhận chìm hàng trăm héc ta tôm sắp cho thu hoạch ở Quảng Trị. Nước lũ rút, hàng trăm hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh bỗng chốc trở thành trắng tay.
Sau khi lũ rút, chúng tôi đã đi dọc các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong... để khảo sát tình hình thiệt hại. Đi đến đâu, chúng tôi cũng nhận thấy sự mất mát đã làm cho người nông dân điêu đứng, khiến cuộc sống của họ luôn bấp bênh bởi công việc nuôi tôm chủ yếu vẫn theo kiểu... nhờ trời.
Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp và ngành chức năng đã có sự quan tâm, hỗ trợ người dân trong việc đầu tư, phát triển nghề nuôi tôm. Ngày 23/5/2017, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐND về hỗ trợ phát triển một số cây trồng, con nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025. Trong đó, con tôm được xác định là một trong hai con nuôi chủ lực của tỉnh Quảng Trị.
Mặc dù vậy, trong thực tế việc nuôi tôm vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập về cơ sở hạ tầng, con giống, việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và khâu quy hoạch.
Để nghề nuôi tôm phát triển bền vững và người dân yên tâm sản xuất, ngành nông nghiệp cần đồng hành, hỗ trợ người dân nhiều hơn nữa về xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng; khuyến khích các cơ sở nuôi tôm trên địa bàn sản xuất tôm giống, ươm tôm giống đạt tiêu chuẩn...
Ngành nông nghiệp cần kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo cung cấp đủ nguồn giống cho các cơ sở nuôi tôm trong tỉnh; đồng thời làm tốt công tác quy hoạch diện tích, thời vụ nuôi phù hợp để việc nuôi tôm đem lại hiệu quả cao.