Được biết, AstraZeneca là một công ty công nghệ sinh học và dược phẩm đa quốc gia của Anh-Thụy Điển, có trụ sở chính ở Cambridge, Anh. Thực tế, đây là một công ty dược phẩm sinh học toàn cầu tập trung phát minh, phát triển các loại thuốc đặc trị trong các lĩnh vực: ung thư, tim mạch, thận & chuyển hóa và hô hấp & miễn dịch. Trụ sở của AstraZeneca được đặt tại Anh, hoạt động trên 100 quốc gia và các loại thuốc của hãng này hiện đang được sử dụng bởi hàng triệu người trên thế giới.
Với vaccine Covid-19 của AstraZeneca, đây là một trong những loại vaccine hàng đầu thế giới nhờ AstraZeneca đã hợp tác với Đại học Oxford, và loại vaccine này đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch tiêm chủng nhanh chóng của Anh, giúp nền kinh tế nước này mở cửa trở lại hoàn toàn trong suốt những tháng vừa qua.
Mặc dù các thử nghiệm lâm sàng cho thấy vắc-xin Oxford-AstraZeneca có tỷ lệ hiệu quả thấp hơn so với một số ít đối thủ, nhưng thực tế là nó rẻ hơn, dễ bảo quản và vận chuyển hơn. Vì thế, việc triển khai nhanh chóng vắc-xin này được coi là rất quan trọng đối với việc mở cửa trở lại các nền kinh tế bị tổn hại nghiêm trọng do đóng cửa và mất việc làm bởi đại dịch Covid-19.
Mọi thứ bắt đầu vào đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, thế giới rút ra một bài học cay đắng rắng, không quốc gia nào có thể loại bỏ hoàn toàn loại vi-rút SARS-COV-2. Và dĩ nhiên, lựa chọn duy nhất để giữ an toàn cho người dân khi đó là sản xuất vắc xin chống lại loại vi-rút này.
Ngay lập tức, AstraZeneca trở thành công ty dược phẩm được nhắc đến nhiều nhất trên thế giới khi vắc xin của chính họ nổi lên như một ứng cử viên hàng đầu. Vắc xin AZD1222 được phát minh bởi Đại học Oxford và công ty sản xuất con là Vaccitech, sau đó được AstraZeneca cấp phép.
Vắc xin của AstraZeneca đã đạt được thử nghiệm giai đoạn 3 với tốc độ chưa từng có và được phê duyệt lần đầu tiên ở Anh vào ngày 30/10/2020. Thực tế, loại vắc xin này từng bị đánh bại bởi sản phẩm của Pfizer và BioNTech's shot với những hiệu quả cao hơn trong các thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, điểm khác biệt quan trọng: sản phẩm của Pfizer và BioNTech's shot phải đối mặt với nhiều rào cản phân phối hơn do phải đi kèm với các yêu cầu lưu trữ nghiêm ngặt hơn.
Trong hành trình đó, AstraZeneca đã lặng lẽ duy trì trọng tâm chiến lược của mình trong lĩnh vực ung thư, trong khi cũng phải đối mặt với một loạt trở ngại đáng chú ý bao gồm lỗi thử nghiệm, sự cố truyền thông và tranh chấp pháp lý đa phương vướng vào Brexit. Từ đó mà vốn hóa thị trường của công ty có lúc đã giảm xuống và rồi tăng trở lại trong bối cảnh hỗn loạn, vì công ty phải đối mặt với áp lực dữ dội từ giới truyền thông, cũng như từ các chính trị gia và cơ quan quản lý trên toàn cầu.
Nhưng mọi chuyện chưa chỉ dừng tại đó, AstraZeneca còn từng dính vào rắc rối lớn khi gây ra phản ứng phụ cho những người tiêm chủng là triệu chứng máu đông. Tại Anh, sau cái chết của 19/79 trường hợp được xác định bị chứng máu đông, Ủy ban khoa học giám sát chiến dịch tiêm chủng của quốc gia này đã khuyến cáo thanh niên dưới 30 tuổi nên tiêm các loại vắc xin khác như Pfizer hoặc Moderna, thay vì dùng AstraZeneca. Nhiều nước châu Âu ngay sau đó cũng tạm ngưng sử dụng vaccine AstraZeneca sau khi phát hiện nhiều trường hợp bị đông máu sau khi tiêm.
Dù vậy, Cơ quan dược phẩm châu Âu – EMA vẫn tiếp tục "bật đèn xanh" cho việc tiếp tục sử dụng loại vaccine này. Và các tranh cãi khiến uy tín của vaccine AstraZeneca bị ảnh hưởng nặng nề, dù đây là loại vaccine được sử dụng nhiều nhất tại châu Âu hiện nay. Tại một số nước, đặc biệt là Pháp, rất nhiều lô vaccine AstraZeneca đã không được sử dụng do người dân không tin tưởng tiêm loại vaccine này. Thậm chí, một số nước như Đức tiếp tục quyết định không tiêm vaccine này cho những người dưới 50 tuổi
Cuối cùng, sau nhiều cuộc tranh luận và thử nghiệm, vắc-xin AstraZeneca vẫn được Tổ chức Y tế thế giới WHO cho phép sử dụng bởi các lợi ích mà vaccine này mang lại vẫn cao hơn so với rủi ro. Tiếp đó, trong bản báo cáo nửa đầu năm 2021 được công bố vào ngày 29/7/2021, AstraZeneca cho biết vaccine ngừa COVID-19 do công ty này phát triển đã mang lại lợi nhuận lên đến 1,2 tỷ USD. Báo cáo cho biết AstraZeneca đã xuất xưởng khoảng 319 triệu liều vaccine trên toàn thế giới trong khoảng thời gian nửa đầu năm 2021. Trong sáu tháng, AstraZeneca đã cung cấp hơn 80 triệu liều vaccine cho hơn 125 quốc gia thông qua Sáng kiến Tiếp cận Toàn cầu Covax, chiếm hơn 90% nguồn cung ứng Covax.
Tập đoàn này còn cho biết thêm, lợi nhuận ròng tăng 40% lên 2,1 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021 trong khi tổng doanh thu tăng gần 25% lên 15,54 tỷ USD. Không tính mảng vaccine COVID-19, tổng doanh thu của AstraZeneca tăng 9% lên khoảng 14,4 tỷ USD.
Giám đốc điều hành Pascal Soriot cho biết thành công này "đánh dấu một bước tiến quan trọng của AstraZeneca. Bất chấp tác động đáng kể từ đại dịch, chúng tôi đã mang lại mức tăng trưởng doanh thu hai con số".
Ông nói thêm trong một tuyên bố: "Những thành tựu nhất quán trong quá trình phát triển, việc tăng tốc hoạt động kinh doanh của chúng tôi và sự phát triển của vắc-xin COVID-19 đã chứng minh những gì chúng tôi có thể đạt được".
Không chỉ dừng tại đó, bất chấp những thách thức về luật pháp và quy định xung quanh vắc-xin Covid-19, AstraZeneca cũng đang bắt đầu gặt hái những thành quả từ một chiến lược dài hạn, táo bạo nhằm đầu tư đáng kể hơn nhiều vào hạng mục Nghiên cứu và Phát Triển. Điển hình nhất là gần đây AstraZeneca bỏ ra 39 tỷ đô la để mua Alexion, một trung tâm nghiên cứu về về các bệnh hiếm có trụ sở tại Hoa Kỳ, dẫn đến việc thành lập một bộ phận kinh doanh hoàn toàn mới trong công ty.
Mặc dù động thái này sẽ tiếp tục thúc đẩy triển vọng tăng trưởng dài hạn của công ty, nhưng nó cũng sẽ cung cấp một động lực cho doanh số bán hàng trong ngắn hạn, với doanh thu từ các chất ức chế C5 của Alexion sở hữu là Soliris (eculizumab) và Ultomiris (ravulizumab-cwvz) dự kiến sẽ làm tăng doanh thu đáng kể cho AstraZeneca.
Việc mua lại Alexion xuất phát từ một dự án lâu dài của giám đốc điều hành người Pháp Pascal Soriot, người đã tiếp quản công ty vào năm 2012 với mục tiêu thay thế doanh thu bị mất do các bằng sáng chế hết hạn. Thậm chí, các khoản đầu tư mới vào nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là thuốc chữa bệnh ung thư đã chứng tỏ giá trị của chúng, với doanh thu tăng 9% vào năm 2020 lên 27 tỷ USD.
Trong số này, thuốc điều trị ung thư mục tiêu Tagrisso (osimertinib) được phê duyệt lần đầu vào năm 2015 và liệu pháp ung thư miễn dịch Imfinzi (durvalumab) được phê duyệt vào năm 2017 tiếp tục dẫn đầu với doanh thu lần lượt là 1,3 tỷ USD và 604 triệu USD trong quý II/2021. Cả hai sản phẩm đều cải thiện doanh thu so với cùng quý năm 2020. Trong khi đó, vẫn có tiềm năng to lớn đối với một loại thuốc ung thư khác - thuốc chẹn PARP hàng đầu Lynparza (olaparib), đạt doanh số 588 triệu đô la trong quý II/2021 được báo cáo gần đây nhất.
Ở những lĩnh vực sản xuất khác, thuốc điều trị tiểu đường Farxiga (dapagliflozin) đã tăng vọt 65%, đạt 734 triệu USD, trong khi thuốc hen suyễn Symbicort (budesonide / formoterol) thu về 680 triệu USD. Dựa trên tiềm năng tăng trưởng cho các khoản đầu tư và mua lại của mình, AstraZeneca hiện kỳ vọng năm 2021 sẽ có tổng doanh thu tăng hơn 1/5 so với năm trước đó.