Dân Việt

Chi tiền hỗ trợ Covid-19 sai cho 22.000 người ở Bình Dương, xử lý thế nào?

Quang Minh 28/10/2021 09:57 GMT+7
Qua rà soát cơ quan chức năng đã phát hiện việc hỗ trợ nhầm cho 22.000 người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 xảy ra tại Bình Dương. Dưới góc độ pháp lý, những người dân có phải trả lại tiền không; trách nhiệm của chính quyền địa phương ra sao?

Bình Dương phản hồi về việc chi trùng cho gần 23.000 người bị ảnh hưởng dịch Covid-19

Bình Dương chi tiền hỗ trợ Covid-19 sai cho người dân

Liên quan đến vụ việc cơ quan chức năng phát hiện việc chi hỗ trợ nhầm cho 22.000 người xảy ra ở thị xã Tân Uyên, Bình Dương, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người thuê trọ là trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Để xảy ra việc chi tiền hỗ trợ Covid-19 sai cho người dân nêu trên đã thể hiện một phần năng lực làm việc của các cán bộ thực thi nhiệm vụ. Việc thu hồi số tiền chi nhầm và tiến hành rà soát lại là điều cần thiết và phải thực hiện nhanh chóng, kịp thời.

Đối với những người dân đã được nhận hỗ trợ nhưng không thuộc tiêu chí được hưởng thì chính quyền địa phương có trách nhiệm rà soát, ra thông báo hoặc quyết định thu hồi về số tiền này. Đồng thời, lập danh sách cụ thể đối với những người bị thu hồi lại và thông báo đến tận từng người để thực hiện thu hồi sớm nhất.

Chi tiền hỗ trợ Covid-19 sai cho 22.000 người ở Bình Dương, xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Tỉnh Bình Dương đã phản hồi thông tin về việc chi trùng cho gần 23.000 người lao động được hưởng gói hỗ trợ 800.000 đồng/người. Ảnh: Văn Dũng

Còn đối với những trường hợp cố tình không nộp lại tiền, cơ quan chức năng có thể ra văn bản hướng dẫn các biện pháp cưỡng chế để thu hồi ngân sách hoặc có thể tiến hành khởi kiện để đòi lại khoản tiền này. 

"Trong vụ việc này, trách nhiệm lớn nhất thuộc về chính quyền địa phương, thuộc về cán bộ thực thi nhiệm vụ chi trả khoản tiền hỗ trợ Covid-19 cho người dân ở Bình Dương. Việc để ra sai xót lớn nêu trên cần phải được xử lý nghiêm khắc, trường hợp phát hiện có hành vi vi phạm, cần chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xác minh, xử lý hình sự nếu có", luật sư Tùng nói. 

Người cố tình chiếm đoạt số tiền chi hỗ trợ Covid-19 có thể bị khởi tố hình sự

Liên quan đến trách nhiệm của địa phương trong vụ việc này, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn Phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho hay, sau sự việc Bình Dương chi sai tiền hỗ trợ Covid-19 cho người dân, cơ quan chức năng sẽ xác minh, rà soát lại quy trình chi tiền hỗ trợ ở Bình Dương. Đối với các trường hợp cá nhân không nằm trong danh sách được hỗ trợ nên liên hệ với chính quyền địa phương để trả lại tiền.

Còn đối với chính quyền địa phương, nếu như xác định các cán bộ, cá nhân tham gia chi trả có hành vi sơ suất, lơ là trong việc rà soát hồ sơ, thiếu trách nhiệm trong công tác kiểm tra, đánh giá thì tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả gây ra, cơ quan chức năng sẽ xử lý theo nội quy của cơ quan, đơn vị. Họ có thể bị xem xét xử lý bằng các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức, giáng chức, hạ bậc lương, hoặc buộc thôi việc...

Chi tiền hỗ trợ Covid-19 sai cho 22.000 người ở Bình Dương, xử lý thế nào? - Ảnh 3.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn Phòng Luật sư Tinh Thông Luật.

Còn trường hợp cán bộ không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao theo quy định mà gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 360 Bộ luật hình sự 2015. Với tội danh này, người gây ra vụ việc có thể bị phạt cải tạo giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến cao nhất là 12 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Theo luật sư Bình, cùng với việc khắc phục hậu quả, thu hồi tiền chi sai, chính quyền địa phương ở Bình Dương cần rà soát lại các trường hợp thật sự khó khăn nhưng chưa nhận được hỗ trợ tại địa phương để giải quyết kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho người dân.