Nhắc đến Triệu Xuân, độc giả nhớ đến con người nhiệt thành trong văn chương và trong quan hệ với bạn bè, đồng nghiệp. Tấm gương lao động không mệt mỏi, kể cả những ngày đau yếu trên giường bệnh và tinh thần lạc quan chiến thắng bệnh tật của ông khiến nhiều người nể phục.
Nhưng trên hết, ông từng là cây bút gây nhiều tranh luận trên văn đàn với những tác phẩm đi vào hiện thực, cùng thế hệ với nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn. Ông viết nhiều, nhưng nói đến Triệu Xuân là nói đến Trả giá, Bụi đời, Giấy trắng, Sóng lừng, Nổi chìm trong dòng xoáy, Những người mở đất, Cõi mê, Lấp lánh tình đời…
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, lý giải: "Mỗi trang viết của Triệu Xuân là tiếng nói lương tâm của một con người chân chính. Tác phẩm của ông chính là một cuộc chiến đấu bền bỉ và không khoan nhượng để chống lại sự giá lạnh và cái ác của con người.
Ông dựng lên trong từng trang viết của mình số phận con người, giá trị đích thực của đời sống cũng như lẽ sống của mọi con người được sinh ra dưới bầu trời này.
Văn chương của ông là sự chia sẻ và cảm thông sâu sắc với những số phận bất hạnh trong đời sống, là sự lý giải những vấn đề của xã hội một cách biện chứng và là tiếng nói mạnh mẽ bênh vực vào bảo vệ lẽ phải.
Nhiều tác phẩm của ông mang tính dự báo và cảnh báo về cái ác. Bởi thế, cho đến lúc này, không ít những dự báo của ông trong nhiều tác phẩm viết cách đây hàng chục năm đã trở thành sự thật".
Đặc biệt, tiểu thuyết "Sóng lừng" của Triệu Xuân đã dự báo tình hình xã hội Việt Nam 10 năm sau đó mà có thể xem "hình mẫu" về sau đúng với vụ án Năm Cam nổi tiếng Sài Gòn một thời. Cuốn tiểu thuyết này gặp khó ở các nhà xuất bản, mãi sau này nhà văn Triệu Xuân đã xin gặp Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh để trình bày ưu tư của mình. Sau đó, một hội đồng thẩm định quốc gia được thành lập và tiểu thuyết "Sóng lừng" mới được ra mắt vào năm 1991.
Sau này, "Cõi mê" cũng là tác phẩm tiếp nối về sự xói mòn niềm tin và tha hóa của con người ở mạch sâu hơn. Được dịp đi đây đó với tư cách nhà báo, Triệu Xuân phát hiện ra nhiều khía cạnh khó lên tiếng trên mặt báo, cảm nhận được thân phận của những con người ở đường cùng, phải vượt biên hay bị tịch thu tài sản trong công cuộc cải tạo tư sản. Từ đó, ông chọn một lối đi riêng để phản ánh hiện thực đa chiều thay vì một chiều.
Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, nhìn nhận: "Với những tác phẩm như Giấy trắng, Trả giá…, có thể thấy, là người làm báo nên Triệu Xuân nhanh chóng nắm bắt vấn đề thời sự, cũng có phần nào dự báo được những gì có thể xảy ra, đặc biệt là sự xói mòn nhân cách con người.
Ông cùng với Nguyễn Mạnh Tuấn có sách bán chạy lên tới 20 ngàn bản, rất có tác động đối với xã hội thời bấy giờ. Tuy nhiên, khi thời gian lắng đi, đọng lại trong những trang viết vẫn là giá trị báo chí nổi trội hơn cả. Ông viết khỏe, sách bán chạy, là một nhà báo xung kích phản ánh phần nào hiện thực chưa rõ đen trắng như thời bây giờ".
Còn nhà thơ Lê Thiếu Nhơn phân tích: "Tác phẩm của Triệu Xuân thuộc tiểu thuyết thời sự. Người viết tiểu thuyết thường cặm cụi với từng trang sách, nhưng ông có cái lạ là rất phóng khoáng, giao du rộng rãi với bạn bè, đồng nghiệp mà vẫn ra đều đều tác phẩm. Ngày chơi đêm về viết. Ông là típ người sống hết mình.
Còn giá trị tác phẩm lớn nhất của Triệu Xuân vẫn là Sóng lừng. Ông nhìn nhận ra được cách quản lý của xã hội sẽ hình thành trong bóng tối một kiểu tập đoàn Mafia. Những gì ông viết trong cuốn tiểu thuyết đó hơn 1 thập niên sau có thể thấy trong vụ án Năm Cam, kể cả sự tha hóa của quan chức lẫn những người âm thầm chống tội phạm. Đó là đóng góp lớn nhất của ông trong văn xuôi Việt Nam".
Và nhiều cuốn tiểu thuyết khiến Triệu Xuân phải "trả giá" – như tên một tác phẩm của ông – nhưng nhà văn đã vượt qua được những khó khăn trong đánh giá của dư luận và từng chia sẻ rằng "chỉ có nhân cách mới bảo vệ được người cầm bút".
Và cho dù mô tả hiện thực đen tối đến đâu, ông vẫn lóe lên niềm tin vào điều tốt đẹp của con người.
Sống hết mình, tri ân bạn bè, ngay trong thời gian cuối đời ông vẫn lo điều hành Nhóm Văn chương hồn Việt cùng Nguyệt san văn chương và trang web Triệu Xuân.info chuyên về văn học.
Nói như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, cùng với những trang sách của mình, nhà văn Triệu Xuân đã viết lên một cuốn sách lớn khác và cuốn sách đó đã để lại trong lòng độc giả sự tiếc thương, kính trọng. Đó là cuốn sách cuộc đời ông.
"Nhà văn Triệu Xuân đã sống một cuộc sống giản dị, trách nhiệm, trung thực, quả cảm và ngập tràn khát vọng. Trong những năm tháng mang trọng bệnh, ông vẫn sống trong bình thản cho tới phút cuối cùng bởi ông đã sống không uổng phí trong suốt cuộc đời mình. Ông vẫn dấn thân cho văn chương đến phút cuối cùng và văn chương chính là tinh thần sống kỳ diệu nhất của ông".
Nhà văn Triệu Xuân sinh ngày 4/9/1952 tại xã An Đức, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, mất ngày 26/10/2021 tại TP.HCM. Ông tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1973, rồi tình nguyện vào chiến trường miền Nam làm phóng viên chiến trường của Đài Phát thanh Giải phóng, thường trú tại khu V - Trung Trung Bộ. Trong thời gian này, ông vừa sống và chiến đấu như một người lính và như một nhà báo, nhà văn vì sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước.
Sau ngày đất nước thống nhất, nhà văn Triệu Xuân là phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam tại TP.HCM, là Trưởng ban biên tập chương trình phát thanh dành cho Nam Bộ của Đài Tiếng nói Việt Nam, là Trưởng chi nhánh NXB Văn học tại TP.HCM và là Ủy viên ban chấp hành Hội Nhà văn TP.HCM... Ông tham gia sáng lập và là Chủ tịch nhóm Văn chương Hồn Việt, làm chủ biên nguyệt san Văn chương ngày nay, hợp tuyển Văn thơ chọn lọc.