Ngày 27/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến đối với dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế.
Phát biểu góp ý, các ĐBQH đều bày tỏ sự nhất trí với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành trên.
Đề cập đến nội dung cụ thể trong dự thảo nghị quyết, liên quan đến việc thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, theo ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai), hiện nay trong 4 dự thảo nghị quyết dành cho 4 địa phương thì có Hải Phòng nêu nội dung này. Trước đó khi Quốc hội đã ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM, việc tăng thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức cũng được nêu.
"Tôi nghĩ đây là việc làm cũng rất chính đáng. Tuy nhiên việc tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức cần phải có sự rà soát và mang tính phổ quát hơn nữa cho các địa phương khác. Không phải tự nhiên mà một cán bộ công chức của một tỉnh bên cạnh TP.HCM, ví dụ như Đồng Nai, hoặc Bình Dương lại có thu nhập thấp hơn. Thế rồi cán bộ công chức, viên chức của Hải Phòng tại sao lại thu nhập cao hơn của Hải Dương?", ĐBQH Trịnh Xuân An nói và cho rằng, việc này cần phải đánh giá thật kỹ.
Theo ông, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức phụ thuộc vào khả năng của địa phương, nhưng xuất phát từ việc chúng ta dành sự quan tâm cho con người thì vấn đề phải đánh giá rộng ra và cần phổ quát hơn cho các địa phương khác, không chỉ cho các địa phương đang làm thí điểm.
Trước đó, trong phát biểu góp ý, ĐBQH Lê Văn Dũng (Quảng Nam), cũng đề cập về cơ chế thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức TP.Hải Phòng khi triển khai thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù.
"Tôi không đồng ý với cơ chế này vì thực hiện cơ chế này sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong thu nhập với các bộ, công chức, viên chức các địa phương khác. Dẫu biết rằng Quốc hội khóa trước đồng ý với TP.HCM và Hà Nội khi ban hành nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù. Tôi thấy rằng cũng là cán bộ, công chức, viên chức nhưng tại sao ở địa phương này được mà địa phương khác không được", ĐB Dũng nói.
Vị ĐBQH tỉnh Quảng Nam này cho rằng, nếu đặt vấn đề các địa phương, thành phố có giá cả đắt đỏ nên cần có cơ chế thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên thì đối với thành phố trực thuộc tỉnh cũng phải được hưởng cơ chế trên. Trường hợp cho rằng, TP.Hải Phòng đông dân, nhiều đơn vị hành chính nên khó quản lý, bên cạnh đó có cơ chế thu nhập tăng thêm nhằm thu hút nhân tài, thì đề nghị tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An cũng phải được hưởng để đảm bảo sự đồng bộ.
Điều 6. Thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức
TP. Hải Phòng thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định. Sau khi ngân sách Thành phố bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền, Hội đồng nhân dân TP.Hải Phòng được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách Thành phố và cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan chính quyền, Đảng, đoàn thể do thành phố quản lý theo hiệu quả công việc với mức không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý. Mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt của Thành phố do Hội đồng nhân dân Thành phố quy định. (Trích dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng