Dân Việt

Bình Phước: Hội "cầm tay chỉ việc" giúp nông dân làm giàu nhờ trồng mít theo hướng an toàn sinh học

Thu Hà 30/10/2021 18:38 GMT+7
10 hộ nông dân ở xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước vừa được T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) hỗ trợ cây giống, phân bón, chế phẩm vi sinh và được “cầm tay chỉ việc” tập huấn kỹ thuật để thực hiện mô hình trồng mít theo hướng an toàn sinh học.

Mô hình trồng mít theo hướng an toàn sinh học nhằm hỗ trợ nông dân phát triển các hình thức kinh tế hợp tác theo hướng bền vững; tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn; từ đó nâng cao thu nhập cho nông dân.

Bỏ cây hồ tiêu chuyển sang trồng mít 

Anh Nguyễn Văn Tiến là 1 trong 10 nông dân được chọn tham gia mô hình trồng mít theo hướng an toàn sinh học. Anh Tiến cho biết: Gia đình anh có 2,5ha đất nông nghiệp trồng tiêu, cây ăn trái. Từ năm 2018, diện tích tiêu chết nhiều, gia đình anh chuyển 1ha tiêu sang trồng giống mít nghệ Thanh Sơn. Đến nay vườn mít đã cho thu hoạch, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trao đổi với PV Báo NTNN/Báo Điện tử Dân Việt, anh Tiến cho biết: "Đây là giống mít siêu sớm, nếu được chăm sóc tốt thì sau 18 tháng trồng có thể cho thu hoạch. Năm đầu tiên thu bói, mỗi cây tôi chỉ để nuôi 1 quả, từ năm thứ 2 trở đi có thể để cây nuôi quả nhiều hơn. Mít nghệ có trọng lượng bình từ 10 -20kg/quả. Đặc điểm của giống mít này là quả sai, múi to, cơm dày, lúc chín ăn giòn, ngọt. Ngoài ra, loại mít này còn có ưu điểm nữa là từ lúc hái cho tới lúc chín có thể kéo dài từ 7 - 10 ngày. Do vậy, sản phẩm có thể vận chuyển đi xa rất thuận lợi. Bên cạnh đó, mấy năm nay, giá mít khá cao, từ 10.000 - 12.000 đồng/kg".

Anh Tiến phấn khởi cho biết thêm: Tham gia dự án trồng mít ứng dụng chế phẩm vi sinh do T.Ư Hội và Hội ND tỉnh xây dựng, gia đình anh được hỗ trợ 252 cây mít giống, cấp phân bón vi sinh, phân gà Nhật Bản, chế phẩm sinh học để trồng mới 0,6ha mít. "Tôi hy vọng, tới đây chúng tôi sẽ có vụ mít bội thu hơn" - anh Tiến nói.

Tháng 8/2021 vừa qua, Hội ND tỉnh Bình Phước đã tiến hành kiểm tra và bàn giao 2.520 cây mít giống cho 10 nông dân thuộc Tổ hội nghề nghiệp trồng mít xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp. Số mít giống này nằm trong dự án "Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong thâm canh cây mít nghệ Thanh Sơn theo hướng an toàn sinh học" do T.Ư Hội NDVN đầu tư. 

Các hộ trồng mít còn được hỗ trợ phân bón, chế phẩm vi sinh và được tập huấn kỹ thuật để thực hiện mô hình trồng mít theo hướng an toàn sinh học. Tổng kinh phí thực hiện dự án hơn 490 triệu đồng, do T.Ư Hội ND hỗ trợ.

Trồng mít nghệ Thanh Sơn ứng dụng chế phẩm vi sinh: Nâng giá trị nông sản, nông dân tăng thu nhập - Ảnh 1.

Bà Đào Thị Lanh – Chủ tịch Hội ND tỉnh Bình Phước kiểm tra mô hình trồng mít ứng dụng chế phẩm vi sinh của các hộ nông dân xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp. Ảnh: Khắc Khánh

"Bước đầu trồng mít, tôi thấy cây phát triển rất tốt, không có sâu bệnh, lớn đồng đều, lá xanh tốt. Từ khi xuống giống, hiện cây đã cao hơn 1m".

Anh Nguyễn Văn Tiến

(nông dân xã Tân Tiến)

Ông Phạm Đức Ánh - Chủ tịch Hội ND xã Tân Tiến cho biết: Tân Tiến là xã biên giới, vùng sâu, vùng xa của huyện Bù Đốp. Hội ND xã có 1.094 hội viên nông dân sinh hoạt ở 8 chi hội nông dân. Nông dân trong xã chủ yếu trồng trọt, chăn nuôi; trong đó tập trung trồng các loại cây lâu năm như hồ tiêu, cao su, cây ăn trái như chôm chôm, mít, bưởi...

Tuy nhiên, những năm gần đây, diện tích cây hồ tiêu chết nhiều làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của nông dân trong xã. Trước thực trạng đó, một số hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang các loại cây ăn trái trong đó có cây mít nghệ và đã cho thu nhập ổn định hơn. Đến nay, diện tích trồng mít ở xã là hơn 20ha.

Nhằm hỗ trợ nông dân chuyển đổi cây trồng theo hướng an toàn, bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp, tháng 4/2021, Hội ND xã đã thành lập tổ hội nghề nghiệp trồng mít xã Tân Tiến với sự tham gia của 10 thành viên. Ông Ánh cho biết thêm: Cùng với tổ hội nghề nghiệp trồng mít, trong những năm qua, Hội ND xã còn duy trì 5 tổ hội nghề nghiệp trồng rau sạch, trồng thiên lý, trồng tiêu sạch VietGAP, nuôi dê và nuôi trâu.

Nâng cao giá trị nông sản

Trồng mít nghệ Thanh Sơn ứng dụng chế phẩm vi sinh: Nâng giá trị nông sản, nông dân tăng thu nhập - Ảnh 3.

Các hộ dân xã Tân Tiến phấn khởi nhận mít giống. Ảnh: Khắc Khánh

Bà Đào Thị Lanh - Chủ tịch Hội ND tỉnh Bình Phước cho biết, sau khi triển khai mô hình thành công, các cấp Hội ND tỉnh Bình Phước sẽ tiếp tục tuyên truyền nhân rộng tại một số địa phương khác trong tỉnh. Qua đó, góp phần phát triển, thu hút hội viên nông dân tham gia tổ chức Hội, thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế hợp tác như chi, tổ hội nghề nghiệp, hợp tác xã sản xuất...

Qua đánh giá bước đầu của Hội ND xã Tân Tiến, các mô hình tổ hội nghề nghiệp được thành lập theo tiêu chí các thành viên "5 cùng" (cùng lĩnh vực lao động, cùng ngành nghề sản xuất, cùng mối quan tâm, cùng có sự chia sẻ trách nhiệm và cùng hưởng lợi) đều mang lại hiệu quả cho nông dân.

Theo ông Ánh, để các mô hình tổ hội nghề nghiệp hoạt động có hiệu quả, Hội ND đã gắn việc vận động, hướng dẫn thành lập với hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển kinh tế. 

Đơn cử như mô hình tổ hội nghề nghiệp trồng mít Tân Tiến đã được T.Ư Hội NDVN hỗ trợ xây dựng mô hình chế phẩm vi sinh vật trong thâm canh cây mít nghệ Thanh Sơn theo hướng an toàn sinh học với diện tích 6ha.

Theo đó, 10/10 thành viên tổ hội nghề nghiệp trồng mít xã Tân Tiến được dự án hỗ trợ 2.520 cây mít giống (mỗi hộ được cấp 252 cây mít) cho 6ha trồng mới. Bên cạnh đó, các hộ còn được hỗ trợ 20,4 tấn phân gồm NPK và phân vi sinh, 7kg chế phẩm vi sinh để trồng mít nghệ theo hướng sinh học.

Nông dân trồng mít tham gia mô hình được cán bộ kỹ thuật tập huấn thực hành cụ thể về cách trồng, chăm sóc mít nghệ Thanh Sơn trong thời kỳ kiến thiết cơ bản và thời kỳ kinh doanh. Bên cạnh đó, nông dân còn được hướng dẫn cách sử dụng, giới thiệu về lợi ích của các sản phẩm phân bón, chế phẩm vi sinh để trồng giống mít hiệu quả.

"Việc Hội ND tỉnh phối hợp T.Ư Hội NDVN triển khai thực hiện mô hình trồng mít ứng dụng chế phẩm vi sinh vật không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất cho hội viên nông dân, nhất là nông dân xã miền núi, vùng sâu vùng xa như ở Tân Tiến" - ông Ánh khẳng định.

Anh Ngô Khắc Khánh - cán bộ hội nông dân tỉnh Bình Phước phụ trách mô hình cho biết: Tham gia mô hình, được hỗ trợ từ giống, phân bón, chế phẩm, đến tập huấn khoa học, kỹ thuật bài bản nên các hộ rất phấn khởi. Trong suốt quá trình triển khai mô hình, cán bộ hội nông dân tỉnh Bình Phước luôn theo sát đồng hành, cũng như đôn đốc, kiểm tra việc triển khai, thực hiện, tư vấn hỗ trợ các hộ nông dân xây dựng mô hình sao cho hiệu quả nhất.

Bà Đào Thị Lanh - Chủ tịch Hội ND tỉnh Bình Phước cho biết: Việc ứng dụng chế phẩm vi sinh trong trồng mít nhằm góp phần gia tăng giá trị nông sản Việt, tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường và an toàn, đáp ứng mong mỏi an toàn thực phẩm của người dân.