Những ai đã từng đọc qua "Tam quốc diễn nghĩa" chắc hẳn đều biết, Quan Vũ thất bại ở Mạch Thành, một cuộc đời đầy tính truyền kỳ của ông chấm dứt theo đầy đáng tiếc. Nhiều người tiếc than cho Quan Nhị Gia, rằng ông từng lập được nhiều chiến công hiển hách tại Kinh Châu nhưng đến cuối cùng vẫn nhận kết cục thất bại quá thảm hại tại chính nơi này.
Vậy mới thấy Kinh Châu - nơi ba thế lực giao nhau quả thực không dễ trấn thủ cỡ nào. Về vấn đề này, trang Sohu đưa ra một câu hỏi giả thiết: Nếu như năm xưa Nguỵ Diên trấn thủ Kinh Châu, Quan Vũ đến Hán Trung thì liệu Nguỵ Diên có thể trấn thủ được không, cục diện Tam quốc sẽ thay đổi như thế nào?
Chuyện Quan Vũ tự đại đánh mất Kinh Châu có rất nhiều ý kiến tranh cãi. Có người cho rằng đây là lỗi của Quan Vũ vì tính cách của ông không thích hợp để trấn thủ thành trì như Kinh Châu.
Quan Vũ giao tranh với quân Tào Nguỵ nhưng lại không xử lý được mối quan hệ với Đông Ngô, khiến bản thân rơi vào cảnh bị vây công hai phía, kết cục bại trận mất mạng. Nếu như Lưu Bị đổi một người khác trấn thủ Kinh Châu thì kết cục có lẽ đã khác!
Nếu không phải là Quan Vũ thì nên giao cho ai trấn thủ Kinh Châu? Nhiều ý kiến cho rằng Nguỵ Diên có thể đảm nhận trọng trách này.
Sau khi Nguỵ Diên Tây tiến, trấn thủ Hán Trung nhiều năm, quân Tào Nguỵ không thể đột kích nơi đây. Từ việc này có thể thấy Nguỵ Diên là một tướng thủ thành rất giỏi. Nếu để Nguỵ Diên trấn thủ Kinh Châu, ông có thể phát huy được tác dụng như ở Hán Trung? Thục Hán liệu có khả năng bảo vệ được vùng đất trọng yếu Kinh Châu hay không?
Ở phía trên, chúng ta đã đề cập đến giả thiết Nguỵ Diên đến trấn thủ Kinh Châu còn Quan Vũ sẽ trấn thủ Hán Trung. Quan Vũ không thủ được Kinh Châu vậy liệu có thủ được Hán Trung hay không?
Thực tế, Quan Vũ cũng rất giỏi về phòng thủ. Ông đã xây dựng một hệ thống phòng ngự tại Kinh Châu, tạo cơ sở giúp Giang Đông sau lại chống lại Tào Nguỵ, cho nên khả năng phòng thủ của Quan Vũ không hề kém.
Trong Long Trung đối sách, cả Hán Trung và Kinh Châu đều là vùng đất chiến lược được Gia Cát Lượng đề cập tới. Song Hán Trung tuy quan trọng nhưng lại không khó thủ như Kinh Châu, ở Hán Trung chỉ cần đề phòng quân Tào Nguỵ là đủ chứ không rơi vào vị trí phức tạp giữa cả ba thế lực như Kinh Châu. Vậy nên Quan Vũ hoàn toàn có thể trấn thủ tốt Hán Trung.
Đổi ngược lại, Nguỵ Diên có thể giữ được Kinh Châu không? Điều này vẫn còn chưa chắc. Nếu trấn thủ Kinh Châu, Ngụy Diên có một số ưu thế: Ông vốn là người nơi đây, quen thuộc địa hình và có biểu hiện tốt khi trấn thủ Hán Trung.
Tuy nhiên, cái khó nằm ở chỗ Kinh Châu là vùng đất tranh chấp giữa ba thế lực, Quan Vũ cũng vì xử lý không tốt mối quan hệ ba bên mà mất mạng. Nếu là Ngụy Diên liệu có xử lý tốt hơn Quan Vũ hay không?
Để trả lời cho câu hỏi này, cần phải xét đến tính cách của Nguỵ Diên. Khi Nguỵ Diên cùng Gia Cát Lượng dẫn quân Bắc phạt ông từng đề xuất kế hoạch tập kích thung lũng Tử Ngọ nhưng bị Gia Cát Lượng bác bỏ.
Nguỵ Diên vì chuyện này mà trong lòng không phục, cho rằng Thừa tướng sợ mạo hiểm, không dám đánh. Hơn nữa trong triều đình Thục Hán có không ít quan viên e sợ ông.
Từ đó có thể thấy tính cách Nguỵ Diên và Quan Vũ có điểm tương đồng, đều có tính kiêu ngạo, bởi dù sao cả hai người họ đều là những võ tướng rất mạnh.
Nếu để Nguỵ Diên trấn thủ Kinh Châu thì cũng khó mà chắc chắn có thể thành công. Mặt khác, nhìn vào việc Nguỵ Diên về sau phản lại Thục Hán, ai biết rồi sẽ còn có chuyện gì.
Vậy nên, Quan Vũ hay Ngụy Diên, dù là ai trấn thủ Kinh Châu thì kết quả cũng sẽ chẳng thay đổi, thất thủ vẫn sẽ là thất thủ. Tất nhiên lịch sử vốn chẳng có cái gọi là giả thiết, nhưng với những bạn đọc yêu thích Tam quốc thì đây vẫn là một đề tài thú vị để cùng thảo luận.