Ngày 1/11, UBND TP.Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi trên địa bàn thành phố.
Theo kế hoạch, việc tiêm chủng vaccine phòng Covidd-19 ở trẻ em trên địa bàn Hà Nội sẽ được tiến hành trong khoảng thời gian từ quý IV năm 2021 đến quý I năm 2022. Thời gian cụ thể sẽ dựa theo các đợt phân bổ vaccine của Bộ Y tế.
Đối tượng triển khai là toàn bộ trẻ em trong độ tuổi từ 12-17 tuổi, bao gồm cả trẻ đi học hoặc không đi học, song nằm trong chỉ định sử dụng vaccine theo khuyến cáo của nhà sản xuất và Bộ Y tế.
Lộ trình tiêm theo lứa tuổi từ cao đến thấp, tiêm trước cho tuổi 16-17, hạ dần độ tuổi và tiêm theo tiến độ cung ứng vaccine, tình hình dịch bệnh, ưu tiên các khu vực đang có Covid-19. Địa điểm tiêm tại cộng đồng hoặc trường học tùy thuộc vào tình hình dịch và thời điểm học sinh quay lại trường học.
Cũng theo kế hoạch này, trong trường hợp nguồn vaccine chưa đủ, TP.Hà Nội sẽ tiến hành phân bổ số lượng vaccine cho các quận, huyện, thị xã theo thứ tự ưu tiên: Có ca F0 mới, có mật độ dân cư cao, có nhiều địa điểm thường tập trung đông người, nhiều ngành nghề dịch vụ, nhiều trường học, giáp ranh các tỉnh có dịch bệnh diễn biến phức tạp, cửa ngõ giao thông đi lại, có khu cách ly tập trung...
Ngoài ra căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh thực tế tại thời điểm triển khai chiến dịch sẽ có điều chỉnh, ưu tiên cụ thể cho từng địa phương nhằm đảm bảo tối ưu nhất cho công tác phòng chống dịch bệnh với nguyên tắc: Ưu tiên tiêm trước cho các nhóm đối tượng trẻ em ở các quận, huyện đang có dịch.
Bộ Y tế phê duyệt hai loại vaccine sử dụng cho trẻ gồm Comirnaty của Pfizer và Spikevax của Moderna, kỳ vọng trong quý 4 tiêm ít nhất một mũi vaccine cho tất cả trẻ em 12-17 tuổi. Hiện mới có TPHCM, Ninh Bình và Bình Dương bắt đầu tiêm vaccine cho trẻ em 12-17 tuổi.
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) cho biết, nếu đủ vaccine, Hà Nội sẽ tiêm diện rộng ngay, có thể tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi. Vaccine được phân bổ theo thứ tự ưu tiên gồm quận huyện có F0 mới, có mật độ dân cư cao, có nhiều địa điểm thường tập trung đông người, nhiều ngành nghề dịch vụ.
Bên cạnh đó, việc tiêm vaccine cho trẻ em cũng được ưu tiên cho các trường học, giáp ranh các tỉnh có dịch bệnh diễn biến phức tạp, cửa ngõ giao thông đi lại, có khu cách ly tập trung... Nếu vaccine không đủ, thành phố sẽ tiêm theo thứ tự từ độ tuổi cao xuống độ tuổi thấp.
Hiện CDC Hà Nội đã lên danh sách khoảng 700.000 - 850.000 trẻ trong diện cần tiêm chủng. Có hai phương án triển khai tiêm. Nếu học sinh đi học đầy đủ, Hà Nội sẽ tiêm cho trẻ tại trường học do ngành y tế và giáo dục thủ đô đã có kinh nghiệm phối hợp tiêm chủng. Trường hợp khác khi dịch diễn biến phức tạp, thành phố sẽ triển khai tiêm tại cộng đồng, phương châm bảo đảm an toàn nhất cho trẻ em.
Theo Phó Giám đốc CDC Hà Nội, dự kiến việc tiêm chủng cho trẻ sẽ ít thuận lợi hơn so với người lớn do trẻ thường sợ bác sĩ, có hiệu ứng dây chuyền, cần người nhà đi cùng chăm sóc dẫn tới tăng số lượng người đến địa điểm tiêm chủng...
Vì vậy, để chủng ngừa hiệu quả và bảo đảm an toàn, ông Tuấn cho rằng cơ sở tiêm chủng cần chuẩn bị cơ sở vật chất đầy đủ để đáp ứng nhu cầu của trẻ và người giám hộ, các phương án để tiêm cho trẻ an toàn ngay tại các trường học... Trẻ cần được chuẩn bị tâm lý trước và trong khi tiêm, phụ huynh nên động viên, trấn an các trẻ để tránh tâm lý lo sợ, cách thực hiện tương tự khi tiêm vaccine khác.
Bên cạnh đó, trẻ còn nhỏ, chưa có khả năng tự theo dõi và thông báo kịp thời các phản ứng sau tiêm. Do đó, gia đình cần theo dõi sát phản ứng sau tiêm của trẻ trong ít nhất 7 ngày đầu. Phụ huynh và trẻ nên ở lại điểm tiêm chủng để được cán bộ y tế theo dõi sát sao trong vòng 30 phút sau khi tiêm.