Cả nước có gần 8.600 chợ dân sinh, truyền thống
Thưa ông, trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 vừa qua, để phòng chống dịch, TP. HCM và một số địa phương đã cho đóng cửa các chợ đầu mối và chợ truyền thống dẫn đến khan hiếm nông sản, thực phẩm cung ứng cho người dân thành phố. Qua đây, xin ông cho biết, vai trò của chợ truyền thống trong việc cung ứng nông sản cho người dân?
- Chợ truyền thống có lịch sử phát triển lâu đời, đặc biệt tại các khu vực thành thị. Trải qua thời gian dài hình thành và phát triển, ngoài ý nghĩa về kinh tế, chợ còn mang tính văn hóa, lịch sử gắn với quá trình phát triển kinh tế xã hội. Chợ là nơi kết nối giữa nông thôn và thành thị, chợ cũng vẫn là nơi được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn mua sắm, đặc biệt là hàng thực phẩm do sự tươi mới và tiện lợi.
Tính đến cuối năm 2020, cả nước có 8.581 chợ, đa phần các chợ thiên về chức năng bán lẻ. Số lượng chợ đầu mối, chợ tổng hợp quy mô lớn có chức năng bán buôn, thu gom, phát luồng hàng hóa không nhiều. Mạng lưới chợ tiếp tục duy trì và cạnh tranh với các kênh phân phối hiện đại với lưu lượng hàng hóa qua chợ khoảng 40% (qua hệ thống phân phối hiện đại trung bình từ 22%-25%).
Mạng lưới chợ vẫn giữ được vị trí, vai trò quan trọng, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Thị phần hàng hóa lưu thông qua chợ tại địa bàn nông thôn chiếm khoảng từ 50%-70%, cao hơn mức lưu thông qua chợ bình quân của cả nước. Tùy vào điều kiện phát triển của từng địa phương con số này có sự thay đổi.
Chợ có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. Chợ là nơi lưu thông hàng hóa, là nơi cung cấp hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm… cho người dân. Đặc biệt với địa bàn nông thôn và các địa bàn khó khăn thì hàng hóa chủ yếu lưu thông qua chợ. Với các thành phố lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, chợ đầu mối là nơi phát luồng hàng hóa đặc biệt là hàng nông sản, thực phẩm tới các kênh bán lẻ trên địa bàn (chủ yếu là các chợ bán lẻ).
Tại đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, để bảo đảm công tác phòng chống dịch, một số địa phương phía Nam như TP. Hồ Chí Minh đã phải tạm thời đóng cửa một số chợ, đặc biệt là chợ đầu mối, ảnh hưởng tới việc cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, tạo áp lực phân phối hàng thiết yếu tới các kênh bán lẻ khác như siêu thị, cửa hàng tiện lợi hoặc địa phương phải mở các điểm bán lưu động để phục vụ nhu cầu của người dân địa phương. Từ thực tiễn hiện nay cũng đã cho thấy vai trò quan trọng của chợ trong việc cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân địa phương.
Theo thống kê, tại TP HCM các chợ đầu mối, truyền thống cung ứng đến 70% nông sản, thực phẩm tươi sống không những cho Thành phố Hồ Chí Minh mà còn cho một số địa phương khu vực phía Nam. Việc đóng cửa các chợ này đã dẫn đến quá tải trong việc cung cấp hàng hóa phục vụ người dân ở các siêu thị, cửa hàng tiện ích. Vậy về lâu dài, theo ông cần bố trí lại các chợ truyền thống ra sao để vừa đảm bảo các tiêu chí về môi trường, an toàn dịch bệnh và cả an toàn, trật tự đô thị?
- Để bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch, một số địa phương (như TP. Hồ Chí Minh) đã tiến hành đóng cửa chợ (chợ đầu mối, chợ truyền thống), việc đóng cửa nhiều chợ cũng đã ảnh hưởng tới việc cung ứng hàng hóa thiết yếu (đặc biệt là nông sản, thực phẩm), gây áp lực lên các kênh phân phối khác.
Trước mắt, trong thời gian thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về "Thích ứng an toàn với dịch bệnh", để bảo đảm không làm đứt gẫy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu, phục vụ nhu cầu của người dân, các địa phương cần tập trung:
Căn cứ hướng dẫn của các Bộ/ngành đặc biệt là các hướng dẫn về phòng chống dịch tại chợ của Bộ Y tế, Bộ Công Thương, áp dụng linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương để hướng dẫn triển khai việc mở lại các chợ theo nguyên tắc vừa bảo đảm công tác phòng chống dịch, vừa bảo đảm cung ứng hàng hóa cho người dân.
Hiện nay, khi việc mở cửa đã được thực hiện trở lại, các chợ cần thực hiện tốt các hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại chợ. Còn về lâu dài, trong quá trình đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp các chợ trên địa bàn, các địa phương cần lưu ý: Bố trí chợ phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển; triển khai xây dựng chợ theo các tiêu chuẩn thiết kế chợ (Tiêu chuẩn 9211:2012- tiêu chuẩn thiết kế chợ và Tiêu chuẩn 11856:2017- chợ kinh doanh thực phẩm đạt chuẩn quốc gia), các quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành, các quy định liên quan về không gian, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông…
Trong những năm gần đây, mặc dù hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích nhất là tại các thành phố lớn phát triển ngày càng tăng. Tuy vậy, chợ truyền thống vẫn có một vai trò rất quan trọng phục vụ số đông người tiêu dùng, nhất là những tầng lớp lao động có thu nhập thấp, công nhân.. Bộ Công Thương có kiến nghị như thế nào với các địa phương để đầu tư, duy trì và phát triển các chợ truyền thống?
- Trong thời gian gần đây, các loại hình bán lẻ hiện đại gia tăng nhanh chóng và việc quan tâm tới tác động đối với kênh bán lẻ truyền thống như chợ là điều cần thiết. Theo xu hướng phát triển, người tiêu dùng ngày càng tiếp cận tới các phương thức, loại hình mua bán văn minh, hiện đại, chợ truyền thống ngày càng trở nên vắng khách hơn, phổ biến ở khu vực thành thị, nguyên nhân chủ yếu là do:
- Sự cạnh tranh của các loại hình hạ tầng thương mại khác như cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm mua sắm với ưu thế cạnh tranh hơn (chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá cả niêm yết minh bạch, nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá…), hấp dẫn khách hàng hơn;
- Sự tồn tại của các tụ điểm buôn bán tự phát;
- Tâm lý mua sắm và thói quen tiêu dùng. Người tiêu dùng trẻ thường chọn siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện lợi hoặc mua sắm online thay cho chợ truyền thống;
- Quan trọng nhất là cơ sở hạ tầng nhiều chợ truyền thống đã và đang xuống cấp, yếu kém, chưa được quan tâm đầu tư (trên 80% là chợ hạng III, cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế). Chất lượng hạ tầng kém ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ cung cấp, vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ. Công tác quản lý tại chợ còn hạn chế, phần lớn các ban quản lý, tổ quản lý (86% số chợ do ban quản lý, tổ quản lý quản lý) với phạm vi quyền hạn hạn chế, chưa phát huy được vai trò kiểm soát giá cả, chất lượng hàng hóa...
Tuy nhiên, theo cách xác định của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện vẫn là nước có thu nhập bình quân ở mức trung bình thấp (nước có mức thu nhập bình quân đầu người từ 876 USD – 3.465 USD), chợ vẫn chiếm số lượng lớn so với siêu thị, trung tâm thương mại, phân bố chủ yếu ở khu vực nông thôn – nơi tập trung khoảng 65% dân số cả nước, người dân tại địa bàn nông thôn chủ yếu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu qua hệ thống chợ.
Theo Báo cáo kết quả điều tra về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ hạng II, hạng III năm 2018 của Bộ Công Thương (khảo sát đối với hơn 3.300 người tiêu dùng tại chợ), thì có 99,5% người tiêu dùng đánh giá cần thiết phải duy trì và phát triển chợ truyền thống vì đó vừa là nét văn hóa đặc sắc của người Việt, vừa đảm bảo tính tiện lợi và chi phí hợp lý đối với thu nhập bình quân hiện nay của người dân.
Do đó, có thể khẳng định trong thời gian tới các loại hình hạ tầng thương mại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi… tiếp tục tăng, tập trung chủ yếu trên địa bàn thành thị nhưng không thể thay thế hoàn toàn được chợ. Chúng ta vẫn cần duy trì phát triển chợ truyền thống bởi yếu tố mang tính an sinh xã hội (là nơi cung cấp thực phẩm tươi sống chủ yếu của những người sản xuất nhỏ, mặt hàng thực phẩm tươi sống đa dạng, giá cả hàng hóa tại chợ phù hợp hơn với người có thu nhập thấp, nơi tạo sinh kế với khoảng 2 triệu hộ kinh doanh tại chợ..) và còn gắn với yếu tố văn hóa, bản sắc truyền thống.
Vừa đầu tư công, vừa khuyến khích tư nhân đầu tư vào xây dựng chợ
Vậy để chợ phát triển, Nhà nước cụ thể ở đây là Bộ Công Thương sẽ có những chính sách gì, thưa ông?
- Để tháo gỡ khó khăn cho công tác phát triển chợ, đặc biệt là sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước, ngày 8/72020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 973 quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 và ngày 14/92020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 26 quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị quyết số 973 về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025.
Các văn bản nêu trên quy định "chợ dân sinh, chợ đầu mối" thuộc đối tượng được đầu tư từ ngân sách nhà nước. Do vậy, trong thời gian tới, UBND các tỉnh cần nghiên cứu, triển khai, đặc biệt cần quan tâm tới mạng lưới chợ trên địa bàn để cân đối ngân sách đầu tư phát triển, nâng cấp, cải tạo chợ.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan chủ động, tận dụng mọi nguồn lực cho công tác đầu tư phát triển, nâng cấp, cải tạo chợ thông qua các Chương trình, chương trình mục tiêu quốc gia như Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, chương trình y tế dân số (với việc xây dựng mô hình thí điểm chợ bảo đảm an toàn thực phẩm tại 63 tỉnh thành phố và được các địa phương chủ động nhân rộng). Sau khi các Chương trình được phê duyệt, đề nghị các địa phương quan tâm, bố trí kinh phí để triển khai thực hiện, bảo đảm mục tiêu đặt ra, qua đó góp phần nâng cấp, cải tạo chợ.
Đề nghị các địa phương căn cứ vào cơ chế, chính sách chung của Trung ương và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương mình để cụ thể hóa thành chính sách của tỉnh nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng phát triển chợ trên địa bàn.
Như ông nói ở trên, cả nước hiện có khoảng hơn 8.500 chợ dân sinh, chợ truyền thống, chủ yếu nằm ở cấp xã. Song đến nay, nhiều chợ xây dựng đã lâu đang bị xuống cấp hoặc vừa xây dựng xong nhưng không được sử dụng hiệu quả, không đảm bảo các tiêu chí về môi trường, phòng cháy chữa cháy, Bộ Công Thương sẽ có những chính sách như thế nào để đầu tư hơn nữa vào các tuyến chợ này?
- Với vai trò quan trọng của hệ thống chợ, đặc biệt là chợ dân sinh, từ năm 2003 đến nay, Bộ Công Thương đã tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chính sách hỗ trợ hoặc khuyến khích đầu tư phát triển chợ, cụ thể:
Trong đó, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ từ ngân sách nhà nước được xác định là thuộc đối tượng được đầu tư công (Theo Luật Đầu tư công, Nghị định 40 ngày 6/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công).
Một số loại hình chợ được đầu tư xây dựng từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương theo quy định tại Nghị định số 02 ngày 14/1/2003 về phát triển và quản lý chợ, Nghị định số 114 ngày 23/12/2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02.
Còn đối với các doanh nghiệp khi đầu tư xây dựng chợ, sẽ được áp dụng những chính sách gì, thưa ông?
Đối với chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng chợ từ các thành phần kinh tế tư nhân, chúng tôi có quy định rõ:
- Dự án đầu tư phát triển chợ của các thành phần kinh tế được hưởng các chính sách ưu đãi về đầu tư, ưu đãi về tín dụng đầu tư theo quy định tại Nghị định số 114.
- Đầu tư chợ thuộc địa bàn nông thôn được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư: Đầu tư chợ tại địa bàn nông thôn thuộc danh mục đặc biệt ưu đãi đầu tư theo Nghị định số 31 ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư. Ngoài ra, đầu tư chợ trên địa bàn nông thôn còn được hưởng chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nông thôn theo Nghị định số 57ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Ngoài ra, để khuyến khích đầu tư phát triển chợ, tại Nghị định 114, quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm: Ban hành các cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm huy động, khai thác các nguồn lực của địa phương, nhất là nguồn lực của các chủ thể sản xuất kinh doanh và nhân dân trên địa bàn để phát triển mạng lưới chợ.
Công tác lập quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, quản lý đầu tư xây dựng chợ theo phân cấp về đầu tư xây dựng, quản lý nhà nước về chợ đã được giao cho Ủy ban nhân dân các cấp chủ động thực hiện (theo quy định tại Nghị định về phát triển và quản lý chợ) để bảo đảm tính hiệu quả, hiệu lực.
Các chính sách được Chính phủ ban hành là cũng là các căn cứ, quy định quan trọng làm nền tảng để thúc đẩy đầu tư phát triển hệ thống chợ trên địa bàn cả nước cũng như để các địa phương quan tâm, ban hành các chính sách thúc đẩy phát triển chợ trên địa bàn phù hợp, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân địa phương.
Hiện đã có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư để xây dựng chợ theo hướng hiện đại, tiện ích hơn. Nhưng có một số DN phản ánh, họ thường gặp khó khăn về chính sách đất đai, cơ chế đấu thầu chợ, đơn giá cho thuê mặt bằng và cả mô hình quản lý chợ, nên dẫn tới việc vốn đầu tư ban đầu lớn, còn mức giá cho thuê, kinh doanh mặt bằng thấp, dẫn tới lỗ hoặc không có lãi, từ đó chưa thu hút được nhiều DN tham gia đầu tư vào xây chợ?
- Tại báo cáo tổng kết thi hành Nghị định số 02/2003/NĐ-CP gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cũng đã đánh giá một số nguyên nhân chính gây hạn chế cho công tác phát triển chợ, trong đó bao gồm:
Nhận thức về vai trò, vị trí của chợ ở cả cấp Trung ương và địa phương còn chưa thống nhất, chưa xác định được mục tiêu ưu tiên đối với phát triển chợ vì mục đích xã hội hay mục đích thương mại. Vẫn còn quan điểm cho rằng chợ nào cũng mang tính thương mại, chợ nào cũng có khả năng sinh lời mà bỏ qua vai trò của chợ đối với xã hội, đặc biệt là việc giữ ổn định trật tự xã hội. Từ đó, dẫn đến thiếu quan tâm cho công tác phát triển, quản lý chợ và thiếu ưu tiên trong thiết kế chính sách liên quan tới phát triển chợ. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến mạng lưới chợ chưa phát triển như mong muốn.
Chính sách, pháp luật còn chưa đồng bộ, chưa thống nhất, chưa hợp lý. Chính sách phát triển chợ không chỉ được quy định tại Nghị định 02 và Nghị định 114, mà còn chịu sự điều chỉnh tại nhiều văn bản pháp luật khác như Luật Quản lý tài sản công, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Phí và lệ phí, Luật Giá, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật An toàn thực phẩm, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp...
Đối với các chợ tại địa bàn nông thôn, đặc biệt tại địa bàn kinh tế xã hội khó khăn, hoạt động đầu tư phát triển chợ (bao gồm nâng cấp, cải tạo…) cần đặt mục đích an sinh xã hội lên trước mục tiêu kinh tế, vì vậy rất cần sự quan tâm của các bộ, ngành, của địa phương trong việc thiết kế chính sách, cân đối ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển cho các chợ tại các địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn, không thu hút được nguồn vốn đầu tư phát triển ngoài ngân sách nhà nước.
Hiện nay, Bộ Tài chính cũng đang tiến hành rà soát, đề nghị xây dựng Luật giá (sửa đổi). Theo chỉ đạo của Chính phủ, nhằm tháo gỡ khó khăn cho công tác phát triển và quản lý chợ, Bộ Công Thương đang tiến hành rà soát, xây dựng Nghị định mới về phát triển và quản lý chợ (thay thế cho Nghị định 02/2003/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ). Theo chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong quá trình hoàn thiện chính sách pháp luật cho công tác phát triển chợ.
Theo Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, chợ là 1 trong 19 tiêu chí để được công nhận là "xã nông thôn mới". Thời gian vừa qua, hầu hết các địa bàn xã đã xây dựng và tổ chức lại các chợ truyền thống của địa phương mình. Song khó khăn lớn nhất hiện nay là công tác quản lý, điều hành chợ còn chưa thống nhất, mức áp giá cho thuê mặt bằng còn thấp…, dẫn đến nhiều BQL chợ không có kinh phí để hoạt động, duy tu, bảo dưỡng và nâng cấp chợ. Theo ông, thời gian tới việc này cần được giải quyết ra sao?
- Chợ nông thôn, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn (bao gồm chợ nông thôn) là một trong những tiêu chí để xét công nhận xã nông thôn mới trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2011-2020.
Công tác phát triển chợ nông thôn nói riêng, hạ tầng thương mại nông thôn nói chung được giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh chủ động thực hiện và lồng ghép trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng dẫn của Bộ Công Thương. Theo đó, các địa phương chủ động cân đối ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để đầu tư, cải tạo nâng cấp chợ. Kết quả đến nay, toàn quốc có 7.867/8.902 xã đạt tiêu chí số 7 về chợ nông thôn, chiếm 88,4% tổng số xã trên cả nước. Hệ thống chợ nông thôn, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn theo quy hoạch từng bước đã được quan tâm, nâng cấp, phù hợp với nhu cầu của người dân nông thôn.
Về thu phí đối với chợ: Trước ngày 01/01/2017, việc sử dụng diện tích bán hàng tại chợ áp dụng theo phí chợ theo quy định tại Pháp lệnh 38 ngày 28/8/2001 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Phí và lệ phí.
Sau khi Luật Phí và Lệ phí ra đời, phí chợ được chuyển thành giá sử dụng diện tích bán hàng tại chợ, Bộ Tài chính đã chủ trì tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định 149 ngày 11/11/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177 ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá, theo đó quy định: UBND tỉnh có trách nhiệm quy định: Giá cụ thể đối với dịch vụ diện tích bán hàng tại chợ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước; Giá tối đa đối với dịch vụ diện tích bán hàng tại chợ được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng về cuộc trao đổi này!
Sau khi Nghị định 02 năm 2003 về phát triển và quản lý chợ ra đời, thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 67 ngày 11/7/2003 hướng dẫn cơ chế tài chính áp dụng cho Ban quản lý chợ, doanh nghiệp kinh doanh khai thác và quản lý chợ, trong đó có quy định cụ thể các khoản thu từ hoạt động chợ và quản lý, sử dụng các khoản thu, chi ở chợ. Đồng thời Thông tư cũng đã nêu "trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị kịp thời phản ánh về Bộ Tài chính để xem xét, sửa đổi cho phù hợp".
Hoạt động kinh doanh của chợ hiện gặp rất nhiều khó khăn, nhiều chợ nông thôn hoạt động theo phiên, thu không đủ bù chi, đặc biệt ở các vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn. Việc thu hút đầu tư phát triển chợ vì vậy cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên (nhà đầu tư, hộ kinh doanh tại chợ).