UBND TP Hà Nội vừa có văn bản đồng ý với đề xuất của Sở GDĐT về việc cho phép học sinh Hà Nội đi học lại từ ngày 8/11 ưu tiên cho các khối đầu cấp, cuối cấp và các lớp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, thay sách giáo khoa, thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp. Khu vực đi học là 18 huyện, thị xã ngoại thành.
Trước thông tin này, nhiều phụ huynh bày tỏ cảm xúc vui mừng xen lẫn hoang mang, lo lắng.
Chị Hoàng Tố Nga, sống tại huyện Phúc Thọ cho biết, chị có 3 người con, trong đó 2 con gái đầu đang học cấp 1 và cấp 2. "Từ đầu năm học, con tôi được người quen cho chiếc iPad cũ để học online. Nếu hôm nào trùng ca học thì 1 bé phải sang nhà bạn ở hàng xóm học nhờ hoặc mượn điện thoại cũ của ông nội. Việc học online vô cùng vất vả vì mạng kém, trục trặc thường xuyên, thiết bị điện tử cũ hay bị "đơ"...
Ngày 1/11, ngay sau khi nghe tin con được đi học trực tiếp tôi rất vui mừng. Trên địa bàn xã không xuất hiện ca F0 nên tôi cũng yên tâm phần nào cho con đi học trực tiếp".
Cùng chung tâm trạng, một phụ huynh ở huyện Ba Vì ủng hộ việc cho học sinh ở vùng an toàn đi học trở lại. Phụ huynh này cho hay: "Con tôi đang học lớp 9. Đây là năm cuối cấp rất quan trọng, quyết định đến việc thi đỗ vào lớp 10 trường chuyên yêu thích của con hay không. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch khiến con không được đến trường, không được đi học thêm mà hoàn toàn ngồi ở nhà học online. Học online tốt thế nào cũng không thể bằng đến trường đi học trực tiếp được".
Ngay sau khi nhận thông báo cho học sinh 18 huyện, thị trấn ở Hà Nội đi học trở lại, các hội nhóm bàn luận rôm rả. Nhiều người ủng hộ cho học sinh đến trường và bây giờ là thời điểm cần thiết khi các em chuẩn bị bước vào kỳ kiểm tra giữa học kỳ sau gần 3 tháng học.
Mặc dù sốt ruột với việc con học online không hiệu quả, vợ chồng vất vả bố trí công việc để vừa lo con học vừa lo đi làm. Thế nhưng chị Nguyễn Thu Hương, có 2 con đang học tại trường tiểu học trên địa bàn xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì cho hay: "Tôi vô cùng lo lắng khi nghe tin từ tuần sau con gái lớn đang học lớp 5 sẽ đi học trực tiếp. Trường con tôi gần quận Hoàng Mai và Hà Đông. Đây là địa bàn dân cư đông đúc không khác các quận nội thành".
Chị Hương bày tỏ: "Việc đi học của con trong thời điểm này tôi cảm thấy chưa an toàn. Hi vọng Phòng GDĐT huyện xem xét để con tiếp tục học online đến khi nào Hà Nội thực sự ổn định tình hình".
Anh Nguyễn Minh Đạt, có con học cấp 2 tại huyện Đông Anh cho hay: "Con tôi đang học lớp 6 và đến giờ vẫn chưa thấy triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 12-18 tuổi. Tôi không thể yên tâm khi cho con đi học. Nếu không may lây lan dịch bệnh trong trường học thì hậu quả không đơn giản chút nào". Tuy nhiên, anh Đạt cho biết, hiện tại con của anh đang ở quê với ông bà, nếu trường quyết định cho con đi học anh sẽ đồng ý làm theo và nhà trường nên thông báo sớm việc học.
Cô Nguyễn Thị Phương Thảo, giáo viên Trường THCS Thị Trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội chia sẻ: "Hiện tại giáo viên chúng tôi vẫn đang chờ quyết định từ Phòng GDĐT và nhà trường. Mới đây khu vực Ninh Hiệp xuất hiện ca F0 mà trường lại ở rất gần khu vực này nên khả năng học sinh vẫn chưa được đi học".
Cô Thảo chia sẻ thêm về tình hình học online: "Thực ra tâm lý phụ huynh học sinh rất muốn đến trường vì học online chỉ phù hợp với những bạn top đầu lớp, có ý thức học. Còn lại nhiều bạn gặp khó khăn khi giáo viên không thể kiểm soát được 100%. Học sinh học online 2 tháng đã quen nề nếp nhưng xét về lâu dài thì đi học trực tiếp sẽ tốt hơn cho học sinh và đảm bảo chất lượng cho các kiểm tra đánh giá".
Cũng theo cô Thảo, nếu học sinh đi học thì mỗi lớp sẽ chia đôi ca sáng và ca chiều để đảm bảo giãn cách như những đợt dịch lần trước.
Từ sau dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, hơn 2,2 triệu học sinh Hà Nội bắt đầu học trực tuyến do Covid-19 bùng phát lần thứ 4. Theo kế hoạch, học sinh Hà Nội sẽ được tiêm vaccine khi trở lại trường. Căn cứ tiến độ tiêm vaccine, thành phố tiếp tục triển khai tiêm chủng cho các cấp học khác.