Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, gần đây, trẻ em đến khám do thời tiết hanh khô da bị ngứa ngáy, khó chịu gia tăng.
Gần nhất là bé trai T.P (14 tháng tuổi, trú tại Hà Nội) đến khám trong tình trạng da khô sần, da bị mẩn đỏ từng mảng lớn, ở nhiều vị trí như lưng, ngực, hai tay, chân. Do sợ dịch Covid-19 nên gia đình không đưa con đi khám mà tự mua thuốc về điều trị. Tuy nhiên, bệnh không đỡ mà các mảng sần ngứa lan ra toàn thân khiến bé P ngứa ngáy, khó chịu, ăn không ngon, ngủ không yên.
Trẻ được gia đình đưa đến khám tại phòng khám chuyên khoa Da liễu - Bệnh viện Nhi Trung ương và được chẩn đoán bị viêm da cơ địa do thời tiết hanh khô.
TS BS Phạm Thị Mai Hương, Trưởng khoa Da liễu, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thời tiết hanh khô vào mùa đông khiến cho bệnh viêm da cơ địa (còn gọi là bệnh chàm thể tạng (eczema)) ra tăng.
Bình thường da có một lớp màng bảo vệ, giúp ngăn nước trong da không bị bốc hơi và bảo vệ da khỏi các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Tuy nhiên, ở người viêm da cơ địa, lớp màng bảo vệ bị tổn thương, da bị khô, mất nước, các vi khuẩn bên ngoài xâm nhập và làm xuất hiện các nốt mẩn đỏ, mụn nước ngứa ngáy trên da. Nhất là vào mùa đông hanh khô nên càng gia tăng các triệu chứng ngứa ngáy.
Bác sĩ Đặng Bích Diệp (Bệnh viện Da liễu Trung ương) cho biết, nguyên nhân gây bệnh do chức năng điều tiết của tuyến mồ hôi, tiết bã bị hạn chế nên làm cho da bị khô.
Bình thường da tiết ra những chất hữu cơ (chất béo tự nhiên) cùng với mồ hôi giúp da nhờn, đàn hồi chống lại sự xâm nhập của các loại vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng, bụi bẩn... Khi thời tiết khô lạnh, da ít tiết mồ hôi và các chất béo tự nhiên khiến da bị khô và nứt nẻ sinh ngứa.
Các chuyên gia y tế phân tích thêm, làn da có nhiều lớp, đáng chú ý là lớp hạ bì và lớp biểu bì. Lớp biểu bì là lớp da mà bạn có thể nhìn thấy, đóng vai trò bảo vệ chống lại bất cứ thứ gì và mọi thứ bạn tiếp xúc. Lớp hạ bì bên dưới chứa các mạch máu, dầu và tuyến mồ hôi.
Trong những trường hợp bình thường, lớp biểu bì tạo ra một hàng rào giúp khóa ẩm. Vào mùa đông, sự kết hợp của nhiều thứ, chẳng hạn như rửa tay và không khí khô hơn từ độ ẩm thấp và nhiệt độ trong nhà, làm hỏng lớp này. Nước nóng, tắm thường xuyên và một số bệnh về da cũng có thể làm tổn thương phần bên ngoài da của bạn. Khi hơi ẩm thoát ra ngoài, bạn dễ bị khô, ngứa, có thể nứt, chảy máu hoặc bỏng.
Bạn có thể nhận thấy bàn tay, cánh tay và chân của bạn đặc biệt khô vào mùa đông. Những khu vực này có ít tuyến dầu hơn để bảo vệ da.
Người lớn tuổi và những người có xu hướng dành nhiều thời gian ở ngoài trời hơn dễ bị khô da hơn. Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể làm hỏng lớp da bên ngoài mà bạn cần để giữ ẩm. Khi bạn già đi, da cũng mất đi lượng dầu tự nhiên cần thiết để bảo vệ da.
Có thể phòng ngừa thời tiết hanh khô da bị ngứa bằng cách chăm sóc da tốt hơn vào mùa đông.
Theo bác sĩ Nguyễn Lan Anh, khoa Da liễu (Bệnh viện Quân đội 108) cho biết, trời khô hanh làm da khô nhanh hơn, hơn nữa nếu tiếp xúc nhiều với khói bụi thì da sẽ càng dễ nứt nẻ và bị viêm. Vì thế, hãy chắc chắn rằng bạn đã bảo vệ và che chắn cho da cẩn thận khi ra ngoài.
Ánh nắng mặt trời trong mùa hanh khô thường không quá gay gắt nhưng có thể làm tình trạng da của bạn thêm tồi tệ, xuống sắc. Vì vậy, đừng quên bôi kem chống nắng trước khi ra ngoài 30 phút.
Vào buổi tối, bạn cũng không nên quên thoa kem dưỡng ẩm cho da, đảm bảo giữ cho da mềm mại. Nên tìm một sản phẩm dưỡng ẩm có thể thường xuyên sử dụng trong ngày, bảo vệ các phần da dễ bị khô ngứa như bàn tay, cánh tay, cổ...
Khi bạn tắm hoặc rửa mặt, hãy xem xét nhiệt độ nước bạn sử dụng. Bạn có thể nghĩ rằng tắm nước nóng có thể giúp làm dịu da, nhưng bất cứ thứ gì quá nóng thực sự có thể khiến da bạn khô hơn do lấy đi quá nhiều độ ẩm.
Nếu có điều kiện hãy dùng máy tạo độ ẩm trong nhà để giữ ấm, nhất là đối với gia đình dùng thiết bị sưởi.
Để bảo vệ da, người dân cũng cần mặc quần áo ấm, vải mềm mại, tránh để da tiếp xúc với gió lạnh; Ăn uống đủ các chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng...
Nếu da của bạn bị khô đến mức nứt nẻ và bắt đầu ngứa, bạn nên tránh gãi. Giống như vết côn trùng cắn, gãi da có thể khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn và "mời" vi khuẩn xâm nhập vào da. Do đó, khi da bị khô, ngứa, nứt da nghiêm trọng cần đi khám để được điều trị kịp thời, tránh để da bị viêm nhiễm nặng...
Theo các bác sĩ, vào mùa đông, thời tiết hanh khô, những người mắc bệnh ngoài da như bệnh chàm, viêm da cơ địa, bệnh vẩy nến thì triệu chứng còn trầm trọng hơn. Do đó, đối với những người bị bệnh này cần phải chăm sóc da tốt hơn vào mùa hanh khô, uống nhiều nước, ăn đủ dinh dưỡng, vitamin...