Ngày 1/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres. Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam coi trọng, đánh giá cao vai trò trung tâm của Liên hợp quốc, mong muốn thúc đẩy hợp tác toàn diện với Liên hợp quốc.
Tổng thư ký Liên hợp quốc đánh giá cao sự tham gia của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế, trong đó có vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và thực hiện có trách nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Trao đổi với Tổng thư ký António Guterres về những tác động, ảnh hưởng to lớn của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam, đặc biệt là tại Đồng bằng sông Cửu Long, vùng núi phía Bắc, miền Trung, Thủ tướng tái khẳng định các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong chống biến đổi khí hậu.
Tổng thư ký Liên hợp quốc đánh giá cao cam kết của Việt Nam tại COP26 về phát thải ròng bằng "0", đóng góp ý nghĩa vào nỗ lực chung của thế giới nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay, bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế xanh, tuần hoàn, phát triển năng lượng tái tạo, hỗ trợ Việt Nam và các nước ở lưu vực sông Mekong giải quyết các vấn đề sạt lở đất, xâm nhập mặn, chuyển đổi canh tác, sử dụng nguồn nước bền vững nhằm đảm bảo an ninh lương thực.
Với tình cảm chân thành, Tổng thư ký Liên hợp quốc chia sẻ với Thủ tướng về những ấn tượng cá nhân tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam mà ông đã có dịp thăm trước đây.
Cũng trong tối 1/11, trong khuôn khổ tham dự chiêu đãi chính thức lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị COP26 của Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Czech Andrej Babis và Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic.
Trong trao đổi, Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các nước bày tỏ hài lòng về quan hệ hợp tác song phương với Việt Nam.
Lãnh đạo các nước đặc biệt đánh giá cao bài phát biểu của Thủ tướng tại COP26, trong đó thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về việc giảm phát thải ròng bằng "0", đóng góp có ý nghĩa vào nỗ lực ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay cũng như theo đuổi mục tiêu kiềm chế sự nóng lên của trái đất ở mức dưới 1,5 độ C. Việt Nam là một ví dụ tốt cho cộng đồng quốc tế và các nước trong khu vực.
Bày tỏ quan tâm đến tình hình biến đổi khí hậu ở Việt Nam, đặc biệt ở khu vực sông Mekong, lãnh đạo các nước cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam và các nước ở lưu vực sông Mekong giải quyết các vấn đề sạt lở đất, xâm nhập mặn, chuyển đổi canh tác, sử dụng nguồn nước bền vững nhằm đảm bảo an ninh lương thực và phát triển bền vững.
Sáng 2/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp song phương với Thủ tướng Canada Justin Trudeau và tiếp xúc bên lề với Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis, Tổng thống Cộng hòa Armenia Armen Sarkisian, Tổng thống Zambia Hakainde Hichilema và Thị trưởng thành phố Los Angeles (Mỹ) Eric Garcetti.
Tại cuộc gặp với Thủ tướng Canada, hai bên bày tỏ vui mừng có dịp gặp nhau trong dịp tham dự COP 26, bày tỏ hài lòng chứng kiến quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Canada phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực trong thời gian vừa qua, đồng thời thống nhất thúc đẩy hợp tác, trước hết là về chính trị ngoại giao, tăng cường tiếp xúc, trao đổi đoàn.
Về kinh tế, hai bên nhất trí tích cực triển khai và phát huy hiệu quả Hiệp định CPTPP mà cả hai nước là thành viên, đẩy mạnh thương mại hàng hóa, phấn đấu đưa kim ngạch hai chiều lên hơn 8 tỷ USD. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Canada mở cửa thị trường cho thủy sản và nông sản Việt Nam, nhất là hoa quả nhiệt đới, cà phê, hạt điều, mong muốn doanh nghiệp Canada tăng cường đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế số, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Về phòng chống Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao Canada kiểm soát tốt dịch bệnh và thông báo Việt Nam đã chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Hai Thủ tướng nhất trí hai nước cần thúc đẩy đàm phán công nhận visa xanh và hộ chiếu vaccine của nhau, góp phần hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mỗi nước. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Canada hỗ trợ Việt Nam cải cách, hoàn thiện thể chế, công nghệ, tài chính xanh, đào tạo nguồn nhân lực trong ứng phó biến đổi khí hậu và đổi mới sáng tạo.
Về đa phương, hai bên chia sẻ quan điểm duy trì hòa bình, ổn định trên cơ sở luật pháp quốc tế, thúc đẩy lợi ích chính đáng, hợp pháp trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế vì hòa bình, thịnh vượng chung. Thủ tướng Canada khẳng định tinh thần thượng tôn pháp luật, thúc đẩy trật tự thế giới dựa trên luật lệ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Canada tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam sinh sống, làm việc, học tập ổn định tại Canada, nhất là bảo đảm an toàn sức khỏe trong bối cảnh dịch Covid-19. Thủ tướng Trudeau hoan nghênh những đóng góp của cộng đồng người Việt Nam tại Canada, khẳng định sẵn sàng đào tạo sinh viên cho Việt Nam đến học tập nghiên cứu cũng như đẩy mạnh giao lưu nhân dân với Việt Nam.
Thủ tướng Trudeau cảm ơn Thủ tướng Phạm Minh Chính mời thăm Việt Nam và bày tỏ hy vọng tới thăm Việt Nam vào thời điểm phù hợp.
Sáng ngày 2/11 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến làm việc với lãnh đạo Công ty AstraZeneca, dự lễ ký các thỏa thuận hợp tác giữa AstraZeneca với các đối tác Việt Nam, nhân dịp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh COP26 và thăm làm việc tại Vương quốc Anh. Ông khẳng định Việt Nam mong muốn hợp tác chiến lược lâu dài và sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho AstraZeneca hoạt động.
Theo các văn bản được ký kết, AstraZeneca và các đối tác Việt Nam đã đạt được hai thoả thuận bước ngoặt nhằm góp phần phát triển ngành sản xuất dược phẩm sinh học trong nước và hỗ trợ nỗ lực phòng, chống đại dịch COVID-19 của Việt Nam.
Theo đó, AstraZeneca sẽ đầu tư khoảng 2 nghìn tỷ đồng (90 triệu USD) nhằm hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất dược phẩm trong nước, giúp bệnh nhân tiếp cận tốt hơn với các thuốc chất lượng cao được sản xuất ngay tại Việt Nam. Dự kiến trong giai đoạn 2022-2030, sẽ có 3 sản phẩm thuốc quan trọng được Công ty sản xuất gia công trong nước.
Dưới sự hướng dẫn của Bộ Y tế, AstraZeneca sẽ lựa chọn một đối tác tại Việt Nam để chuyển giao công nghệ sản xuất và cung cấp những kiến thức chuyên môn, quy trình kỹ thuật cần thiết nhằm đảm bảo các sản phẩm thuốc điều trị bệnh không lây nhiễm của AstraZeneca được sản xuất trong nước sẽ có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn toàn cầu của tập đoàn.
Công bố khoản đầu tư mới này nối tiếp khoản đầu tư trị giá 5 nghìn tỷ đồng (220 triệu USD) của AstraZeneca vào Việt Nam trong giai đoạn 2020-2024 được công bố vào năm 2019.
Bên cạnh đó, AstraZeneca và Công ty Cổ phần Vaccine Việt Nam (VNVC) đã ký thỏa thuận cung ứng thêm một số lượng vaccine COVID-19 của AstraZeneca và hỗn hợp kháng thể đơn dòng có tác dụng kéo dài lên tới 12 tháng của AstraZeneca mang tên AZD7442.
Nếu được Bộ Y tế cấp phép sử dụng khẩn cấp, liệu pháp kháng thể này có khả năng vừa phòng ngừa lẫn điều trị bệnh COVID-19 và Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tiếp cận được sản phẩm này. AD7442 được thiết kế dành cho những người có hệ thống miễn dịch suy yếu hoặc cơ thể không đáp ứng đầy đủ với vaccine.