Để biết cách sơ cứu người đuối nước đúng, Tiến sĩ, bác sĩ Lương Quốc Chính (Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết cần phải hiểu đúng bản chất của đuối nước.
"Đuối nước là tình trạng nạn nhân bị suy hô hấp do phổi bị ngạt nước, mũi và miệng của họ chìm trong nước hoặc bất cứ chất lỏng nào khác – nhiều khi bùn, đất, dị vật tràn cả vào đường thở. Do đó, cách sơ cứu người đuối nước đúng là phải phải nhanh chóng giúp nạn nhân thở", TS Chính nhấn mạnh.
Tiến sĩ, bác sĩ Lương Quốc Chính hướng dẫn cách sơ cứu người đuối nước đúng. Clip: BVBM
Mới đây, hình ảnh một chiến sĩ công an cứu một bé đuối nước bằng cách vác lên vai chạy vòng quanh đã gây xúc động mạnh. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, cách sơ cứu người đuối nước này không đúng, có thể gây ra hậu quả xấu.
Theo các bác sĩ, cách sơ cứu người đuối nước bằng cách vác lên vai có thể làm chậm thời gian vàng cứu bệnh nhân.
BS. Phạm Ngọc Toàn (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, không ít bệnh nhân đuối nước nhập viện đã bị thiếu oxy não, hôn mê sâu do không được sơ cứu đúng cách khi đưa lên bờ.
Theo bác sĩ Toàn, bệnh nhân bị ngừng thở thì thời gian vàng cấp cứu là rất quan trọng. Cách sơ cứu người đuối nước đúng là phải tranh thủ thời gian vàng giúp họ thở trở lại. Với một người đã ngừng thở, ngừng tim thì phải hà hơi, thổi ngạt liên tục đến khi tim đập trở lại, đến khi nhân viên y tế có mặt…
“Sai lầm gặp phổ biến nhất, đó là khi vớt được người đuối lên, người dân cấp cứu bằng cách vác bệnh nhân lên vai rồi chạy, hay dốc ngược lên với hi vọng nước ọc ra.
Nhưng nếu bệnh nhân ngừng thở, ngừng tim thì cách này không có tác dụng, quan trọng là hà hơi, thổi ngạt, ép tim để cấp oxy cho não. Vác lên chạy, hay dốc ngược bệnh nhân để ọc nước ra làm mất thời gian vàng cứu sống bệnh nhân”- BS. Toàn cho biết.
TS Chính khuyến cáo: "Cách sơ cứu người đuối nước đúng là sau khi đưa nạn nhân đuối nước lên bờ, ngay lập tức cần kiểm tra việc thở của nạn nhân. Nếu còn thở, đặt nạn nhân ở tư thế nằm nghiêng an toàn, quan sát nhịp thở và gọi cấp cứu.
Nếu nạn nhân không đáp ứng hoặc không thở, cần thực hiện hà hơi thổi ngạt khẩn trương. Sau 5 lần thổi ngạt thì tiến hành hồi sinh tim phổi: 30 lần ép ngực - 2 lần thổi ngạt. Tiến hành hồi sinh tim phổi cho tới khi có được sự trợ giúp hoặc nạn nhân đã có đáp ứng.
Khi nạn nhân bắt đầu thở trở lại tại bất cứ thời điểm nào, tiến hành khắc phục tình trạng hạ thân nhiệt bằng cách bao phủ lên người nạn nhân áo, chăn ấm và bất kỳ thứ gì có thể.
Nếu nạn nhân hồi phục hoàn toàn, thay quần áo ướt và tiếp tục kiểm tra hô hấp, mạch và mức độ ý thức cho tới khi có sự trợ giúp tới để vận chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất".
TS Chính cũng cho biết, để cứu người đuối nước thì người cứu cũng bắt buộc phải có kỹ năng cơ bản để bảo vệ tính mạng mình và có khả năng cứu được người đuối nước.
"Ví dụ như ở vùng nước sâu, xoáy, chảy mạnh thì dù biết bơi cũng không nên nhảy xuống cứu mà phải hô hoán người xung quanh để có sự trợ giúp của nhiều người hoặc dùng dây quăng xuống cho người đuối nước bám, dùng gậy kéo người đuối nước vào bờ.
Còn khi nhảy xuống cứu người đuối nước thì nên tiếp cận từ phía sau họ, kéo tóc, cổ áo đưa họ vào bờ. Điều này là tránh cho nạn nhân hoảng loạn, bám, dìm người cứu xuống khiến cả hai cùng nguy hiểm.
Ngoài ra, các bác sĩ cũng cảnh báo về tình trạng "đuối nước cạn", nạn nhân có thể tử vong sau 1-3 ngày đi bơi.
"Hiện tượng này xảy ra khi nạn nhân ra khỏi nước, nhưng sau đó gặp khó khăn khi đưa không khí vào phổi. Nguyên nhân là nạn nhân hít phải nước, chất lỏng vào cơ thể. Lượng nước này không đủ nhiều để chạm tới phổi nhưng khiến cho dây thanh quản bị co thắt và thít chặt lại, khiến không khí không tới được phổi.
Tình trạng "đuối nước cạn" hay xảy ra với những người có tiền sử bệnh tim mạch. Thực tế đã có nạn nhân tử vong vì "đuối nước cạn", thậm chí có người đi bơi về nhà 1 – 3 ngày sau mới có biểu hiện mệt mỏi, sau đó tử vong", TS Chính cho biết.