Tối qua (2/11), vở kịch "Nước mắt của mẹ" đã chính thức ra mắt tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đây là vở kịch của tác giả Toàn Thắng, NSND Lê Hùng dàn dựng và Sân khấu Lệ Ngọc thực hiện.
Vở kịch bắt đầu bằng cảnh người đàn ông tên Lực, tay bế con trai nhỏ tên Phong vào một tu viện để tìm gặp vợ. Vợ ông ngay sau khi hạ sinh đứa con gái đã bị băng huyết qua đời. Đứa trẻ sinh ra không được lành lặn và ông Lực đã buộc phải gửi con lại cho các sơ trong tu viện chăm sóc để lao vào công cuộc mưu sinh, kiếm tiền chạy chữa cho con.
Thương cảm trước tình cảnh của người đàn ông này, một vị sơ tên Hoà đã tình nguyện "hoàn tục" để đỡ đần và chăm sóc hai bố con ông. Vì một số hiểu lầm, Phong luôn sung khắc với bố nhưng lại rất yêu quý mẹ kế. Chính bà là người đã kéo Phong với ông Lực lại gần với nhau trong những lần bố con cãi vã.
Trong khi đó, ông Lực vì muốn trúng thầu một dự án lớn mà đã cố tình gán ghép con mình với con gái của một vị lãnh đạo cấp Bộ. Phong không ngờ, chính người con gái đó đã đưa anh vào con đường ăn chơi, truỵ lạc. Và cuối cùng công việc làm ăn của ông Lực bị đổ bể, ông phải trả giá bằng những ngày tháng ngồi trong trại giam.
Đứa con gái yếu ớt và khuyết tật năm xưa, sau 17 năm ở bệnh viện để chữa trị đã lành lặn trở về. Phong nhận ra rằng, bấy lâu nay mình đã hiểu sai về bố mình. Bố đã lao vào kiếm tiền để chạy chữa cho em gái và cứu giúp bao con người chứ không phải vì ông tham lam.
Cảnh kết của vở kịch gây xúc động khi những người thân trong gia đình đến thăm ông Lực trong trại giam. Những ân oán và nghi ngờ đã được hoá giải. Tình cha con, mẹ con đã trở nên gắn bó, thân thiết hơn.
Ở vở kịch này, trong vòng xoáy của nền kinh tế thị trường, người xem có thể bắt gặp một ông bố mê mải kiếm tiền bằng mọi giá, một người mẹ nhẫn nhịn đến nhu nhược và đứa con ở tuổi thanh niên vì chứng kiến nhiều góc khuất của những mối quan hệ mà trở nên ngông cuồng, phá phách.
Nhân vật ông Lực (nghệ sĩ Văn Hải) thể hiện là điển hình của một mẫu người trong xã hội hôm nay. Vốn là một kỹ sư đầy tài năng phấn đấu trở thành một tổng giám đốc của một tập đoàn lớn, vì mong muốn kiếm được nhiều tiền để chữa bệnh cho con mà ông bất chấp mọi giá để lấy được những hợp đồng thầu trị giá.
Ông được ghi nhận là một doanh nhân thành đạt có tâm khi tạo công ăn việc làm cho công nhân, xây dựng nhà xã hội ủng hộ người nghèo khó… Nhưng đổi lại, ông bắt tay chấp nhận làm "sân sau" cho những quan chức cao, tạo nhóm lợi ích để chia chắc những hợp đồng béo bở. Hành động phạm pháp nên cái giá mà ông Lực phải trả là ngồi tù.
NSND Quốc Chiêm – Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội cho rằng, tư tưởng chủ đề của vở kịch rất nhân văn và nhân bản. Vở kịch ra đời vào đúng thời điểm các giá trị về tình thân được củng cố, càng làm cho người xem thêm bội phần ấm áp.
Ngoài ra, bàn tay dàn dựng của NSND Lê Hùng cũng đã góp phần làm cho vở kịch có nhiều điểm sáng. Trong đó, nhân vật người bố và người mẹ kế mang nhiều bóng dáng của những ông bố và mẹ kế ở ngoài đời. Chỉ tiếc là vở kịch mang tên "Nước mắt người mẹ" nhưng lại xoáy vào nhân vật ông bố. Bên cạnh đó, có một số đoạn vẫn bị khó hiểu và mờ thông điệp.
Vở kịch "Nước mắt của mẹ" có sự tham gia của các nghệ sĩ NSND Lệ Ngọc, Văn Hải, Quang Tú, Anh Tuấn, Bích Thuỷ…