Ai là người khởi xướng ý tưởng này?
Kỷ nguyên Trung cổ được biết đến với sự độc đáo và những sáng tạo rất kỳ lạ, từ thói quen vệ sinh đến y tế thực hành... Các đội quân chinh chiến thời kỳ này đã sử dụng các chiến thuật quân sự khá mới và man rợ, theo đó, họ dùng mèo và chim tên lửa. Người khởi xướng chiến thuật trên là Franz Helm, một bậc thầy về chất nổ và pháo thế kỷ 16 và 17, đến từ Cologne (Đức).
Franz Helm từng chiến đấu trong đội quân của Hoàng đế La Mã Charles V trong cuộc chiến chống lại Đế chế Ottoman, và sau đó, tiếp tục phục vụ các công tước Albert V, Louis X và William IV của Công quốc Bavaria. Ông có rất nhiều kinh nghiệm chiến đấu trong kỷ nguyên mà chiến tranh bắt đầu chuyển từ dùng kiếm và khiên sang sử dụng vũ khí lửa.
Dựa trên kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn của mình về cuộc chiến vây hãm, Helm đã viết một chuyên luận về chiến tranh và pháo binh có tựa đề “Buch von den probierten Künsten” (tiếng Đức, tạm dịch là “Sách nghệ thuật thực hành”). Bản thảo sách được lưu hành rộng rãi tại các vùng lãnh thổ của Đức, nhưng mãi đến năm 1625 mới được in ấn và trở nên nổi tiếng. Trong cuốn sách cổ này, có thể tìm thấy bằng chứng về việc mèo và chim được sử dụng làm vũ khí trong thời kỳ đó.
Không thể biết liệu chính Helm hay bất kỳ đội quân đầu tiên nào từng sử dụng chiến thuật chiến tranh kiểu này, nhưng ý tưởng sử dụng mèo và chim theo cách mô tả trong sách xuất hiện trong các văn bản lịch sử (chưa kể đến kinh thánh) từ nhiều nơi khác nhau của thế giới, bao gồm Nga, Scandinavia, và Nam Á cổ đại, và gần đây là trong Thế chiến II - sử dụng động vật mang thiết bị nổ tấn công cảm tử.
Động vật tấn công cảm tử
Trong cuốn sách trên, các chiến thuật được mô tả dựa trên các thiết kế vũ khí và pháo đã có từ trước đó (dùng trong các trận đánh bao vây), bao gồm chất nổ giống tên lửa và thiết bị có khả năng gây cháy. Điều hấp dẫn nhất là việc sử dụng “mèo tên lửa” và “chim tên lửa”. Mèo tên lửa và chim tên lửa không phải là những tên lửa bay, mà trong thực tế là một thiết bị gây cháy được gắn vào các động vật này, sử dụng để thiêu cháy các lâu đài và khu dân cư.
Trong chương mục có tiêu đề “Để phóng hỏa một lâu đài hoặc thị trấn mà không thể chiếm được bằng cách khác”, Helm đã trình bày chi tiết cách sử dụng một con mèo tên lửa để phóng hỏa các vị trí của kẻ thù. Theo đó, người ta bắt một con mèo từ chính khu dân cư, thị trấn hoặc lâu đài, mà họ muốn thiêu rụi. Sau đó buộc trên lưng mèo một chiếc túi chứa đầy vật liệu cháy. Tiếp theo, đốt cháy vật liệu dễ bắt lửa, để nó phát sáng và thả con mèo ra, để nó chạy đến lâu đài hoặc thị trấn gần nhất.
Một kíp nổ giữ chậm có thể được gắn vào để con mèo có thời gian tiếp cận khu dân cư trước khi nó bị thiêu sống. Vì sợ hãi, mèo sẽ ẩn mình ở nơi nó tìm được, trong chuồng cỏ khô hoặc rơm rạ…, và những thứ dễ cháy sẽ bị bén lửa. Lửa sẽ cháy lan ra cả khu dân cư, tạo ra một đám cháy lớn. Bên cạnh sự tàn khốc, từ góc độ quân sự, đây là một chiến thuật tinh ranh.
Chim cũng được sử dụng cho nhiệm vụ tương tự, nhưng chim khó kiểm soát hơn và kém hiệu quả hơn rất nhiều. Mặc dù ý tưởng sử dụng mèo có vẻ kỳ lạ, nhưng theo giả thuyết, việc sử dụng chúng có liên quan đến quan điểm tôn giáo thời đó. Mèo thường bị quy kết có liên hệ với ma quỷ và phép thuật phù thủy, gây ra sự hoài nghi và lo lắng.
Sử dụng động vật trong chiến tranh
Loại bỏ quan niệm về một tên lửa phải bay, “mèo tên lửa” không bay, mà dùng cơ bắp, chạy, mang theo khối thuốc có hiệu ứng nổ và gây cháy. Mặc dù Helm được coi là người tạo ra “mèo tên lửa”, nhưng ông không phải là người đầu tiên ghép động vật với “hỏa”. Ý tưởng này có thể bắt nguồn từ Kinh thánh với Samson, người được cho là đã gắn bó đuốc đang cháy vào đuôi của 300 con cáo, thả chúng ra để đốt cháy các cánh đồng của người Philistines.
Trong thực tế, vấn đề sử dụng động vật trong chiến tranh không mới. Trong suốt lịch sử, quân đội đã sử dụng nhiều loài động vật cho mục đích quân sự với mức độ thành công khác nhau. Toàn bộ ý tưởng sử dụng động vật mang chất nổ, chất cháy cảm tử cũng rất phổ biến thời nhà Tống vào thế kỷ 12 ở Trung Quốc, những con bò đực “phóng hỏa” để thiêu rụi các cây cầu và các công trình kiến trúc khác.
Họ cũng sử dụng chim để đốt cháy pháo đài phòng thủ của kẻ thù. Việc sử dụng chim nổi tiếng nhất là trường hợp một người phụ nữ có tên Olga ở Kiev vào thế kỷ thứ 10 sau Công nguyên. Tìm cách trả thù ngôi làng Iskorosten, người phụ nữ này đã thực hiện ý đồ man rợ của mình bằng cách yêu cầu cư dân cung cấp ba con chim sẻ và ba con chim bồ câu. Olga cẩn thận gắn những cục than cháy âm ỉ vào chúng và thả chúng ra. Ngôi làng nhanh chóng bốc cháy sau khi bồ câu bay về nhà.
Nguồn gốc của voi chiến cũng bị tranh cãi. Voi là một phần không thể thiếu trong quân đội của các vị vua Ấn Độ vào khoảng thế kỷ thứ 4 và việc sử dụng chúng đã lan sang Đế chế Ba Tư. Khi việc sử dụng voi trở nên phổ biến, các chiến thuật chống voi cũng hình thành và phát triển. Một hình thức phòng thủ chống voi độc đáo mà người ta nghĩ ra là thả rông lợn, vì voi sợ lợn.
Có bằng chứng là binh lính Bồ Đào Nha đã sử dụng tê giác để chống lại voi chiến, còn người Ahoms - người dân Assam ở Đông Bắc Ấn Độ - sử dụng những con tê giác để vượt qua phòng tuyến của kẻ thù. Người ta cũng chứng kiến người Ai Cập và Hy Lạp cổ đại, cũng như người La Mã và các quốc gia khác, sử dụng chó trong chiến đấu. Người La Mã huấn luyện chó Molossian và trang bị áo giáp cho chúng, trong khi những kẻ chinh phạt Tây Ban Nha sử dụng chó được gắn khiên thép để giết kẻ thù trong cuộc xâm lược Nam Mỹ.
Trong Thế chiến II, cả người Nhật và người Nga đều sử dụng chó phục vụ mục đích quân sự. Người Nga sử dụng chó để mang bom xuống dưới gầm xe tăng Đức rồi kích nổ, nhưng tiếng động dữ dội khiến chó bỏ chạy. Người Đức đã đeo chất nổ vào những con chó và kích nổ khi chúng đến gần xe tăng hoặc bất kỳ công trình phòng thủ nào….