Năm 2017, trong một lần tham quan ở huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An), anh Trần Đình Nhâm (thôn 4, xã Sơn Hồng, Hương Sơn) thấy người dân ở đây nuôi dúi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhận thấy điều kiện chăn nuôi quê nhà khá phù hợp, anh Nhâm đã mua cặp giống bố mẹ và hai cặp dúi con về nuôi thử với số tiền vốn ban đầu gần 5 triệu đồng.
Những ngày mới nuôi, anh Nhâm chủ yếu tìm hiểu trên các trang mạng xã hội về nguồn thức ăn, cách phòng bệnh… Mặc dù nguồn thức ăn dễ tìm nhưng trong quá trình nuôi, anh gặp không ít khó khăn khi vật nuôi bị chết do mắc bệnh đường ruột.
Tuy vậy, nhận thấy cơ hội thị trường của vật nuôi này khá "rộng cửa" nên anh Nhâm không bỏ cuộc mà tiếp tục mày mò, tìm hiểu. "Qua thời gian chăm sóc, tôi đúc rút được kinh nghiệm rằng, không cho dúi ăn tre, mía, nứa... non hoặc quá già. Đặc biệt, loài vật này rất kỵ nước, không ưa ánh sáng và nhiệt độ cao" – anh Nhâm cho hay.
Quyết định gắn bó với vật nuôi này, năm 2018, anh Nhâm mạnh dạn đầu tư hơn 60 triệu đồng để mua thêm 23 cặp giống bố mẹ nhằm mở rộng, phát triển kinh tế. Để đảm bảo các điều kiện theo quy định, anh đã chủ động xin giấy chứng nhận đăng ký nuôi động vật hoang dã theo quy định.
Nhằm đáp ứng số lượng nuôi lớn, gia đình anh đã đầu tư chuồng trại trên diện tích 150 m2. Được biết, xây chuồng nuôi dúi cũng đơn giản và không mất quá nhiều chi phí khi dùng gạch men khổ lớn xếp thành các ô có kích thước khác nhau tỳ theo mật độ nuôi; phía trên dùng tấm gỗ che bớt ánh sáng và lợp mái tranh chống nóng cho toàn chuồng nuôi để đàn dúi sinh sản và phát triển.
"Dúi đẻ rất dày. Một cặp dúi mỗi năm sinh sản 3 lứa, mỗi lứa 3 - 5 con. Vì vậy, chỉ trong vòng một năm chăm sóc, cơ sở của tôi đã tăng đàn lên 200 con. Hiện tại, tôi bán giống dúi loại nhỏ 2 – 3 lạng với giá 800 nghìn - 1 triệu đồng/con; còn loại đã sinh sản từ 3 – 4 triệu đồng/cặp", anh Nhâm chia sẻ.
Được biết, vì không tốn kém nhiều về chi phí khi nguồn thức ăn cho vật nuôi rất rẻ lại đa dạng, đầu tư chuồng trại cũng không đáng kể nên mô hình nuôi dúi sinh sản của anh Nhâm có lãi khá cao. Trung bình mỗi năm, anh Nhâm thu nhập gần 200 triệu đồng từ đàn dúi. Nhiều khách hàng trong và ngoài huyện tìm đến anh để mua con giống về nuôi thử nghiệm, nhiều lúc "cháy hàng", không có giống để bán.
Sau khi tham quan mô hình, anh Đoàn Quang Trung (thôn Kim Lộc, xã Kim Hoa, Hương Sơn) đã mua 10 cặp giống dúi tại đây. Anh Trung cho biết: Qua thông tin được biết mô hình nuôi dúi của anh Nhâm rất hiệu quả nên tôi tìm về tận nơi và quyết định mua dúi giống về nuôi thương phẩm. Trên thị trường, thịt dúi đang được xem là món ăn đặc sản, thơm ngon và giàu chất dinh dưỡng nên được nhiều người ưa chuộng, mỗi kg có giá từ 300 - 400 ngàn đồng.
Hiệu quả từ mô hình nuôi dúi sinh sản của anh Trần Đình Nhâm đã mở ra hướng mới trong chăn nuôi của người dân Hương Sơn.
Anh Phan Tiến Cường - Bí thư Đoàn xã Sơn Hồng cho biết: "Với sự năng động, dám nghĩ, dám làm, anh Trần Đình Nhâm đã có cách làm sáng tạo trong phát triển kinh tế. Mô hình nuôi dúi sinh sản của anh Nhâm đã và đang thu hút đoàn viên thanh niên trên địa bàn huyện đến tham quan, học hỏi. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ; đồng thời khuyến khích các đoàn viên thanh niên trong xã nghiên cứu mô hình này và đề xuất anh Nhâm trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ về con giống giúp các bạn trẻ khởi nghiệp".