Dân Việt

Nhiều người ở biệt thự, nhà lầu… vẫn đòi được hỗ trợ khó khăn do Covid-19

Bạch Dương 07/11/2021 12:48 GMT+7
Qua kiểm tra sơ bộ các quận, huyện về công tác chi trả các gói hỗ trợ, đoàn công tác của TP.HCM cho biết, nhiều người dân mặc định gói hỗ trợ thứ 3 là phát cho toàn dân nên đòi quyền lợi.

Tại quận Gò Vấp, theo báo cáo của UBND quận, trong đợt 1, địa phương đã hỗ trợ cho 21.786/23.000 lao động tự do với tổng tiền hơn 32,6 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 94,72%)

Đợt 2, hỗ trợ cho 36.499/39.951 lượt người lao động tự do (đạt tỷ lệ 97,85%); hỗ trợ cho 1.273/1.746 hộ nghèo, hộ cận nghèo và 49.516/54.203 hộ khó khăn (đạt tỷ lệ 91,35%).


Biệt thự, nhà lầu… vẫn đòi được hỗ trợ - Ảnh 1.

Người dân quận Tân Bình nhận hỗ trợ đợt 3. Ảnh: Hoàng Tuyết

Đợt 3, hỗ trợ cho 420.958/454.168 người với tổng tiền hơn 410 tỷ đồng (mức 1 triệu đồng/người), đạt tỷ lệ 92,96%.

Trong đợt 3, UBND quận Gò Vấp thông tin, đối với những trường hợp đã phê duyệt nhưng chưa nhận tiền hỗ trợ do không có mặt tại địa phương vào thời điểm chi trả thì lập danh sách để báo cáo UBND TP.HCM xem xét, xử lý. 

Riêng các nhóm chưa nhận hỗ trợ do đang cách ly, đang điều trị bệnh... không có mặt tại địa phương thì UBND phường giữ tiền lại để tiếp tục chi trả.

Tổng dân số toàn quận thời điểm 1/1 là 686.689 người. Qua đối chiếu số liệu, số lượng người dân chưa nhận được hỗ trợ đợt 3 khoảng 42.000 người.

Bà Đào Thị Hồng Hạnh, Trưởng phòng Phòng LĐ-TB-XH quận Gò Vấp cho biết, xác minh thông tin người dân phản ánh qua tổng đài 1022 cho thấy, chỉ có vài trường hợp người dân kiến nghị là đúng, bị bỏ sót đối tượng, do tổ trưởng bị F0, trong quá trình lập danh sách bị sót. Phường sẽ lập tức bổ sung những trường hợp này và giải thích với trường hợp phản ánh không đúng.

Tuy nhiên, có những trường hợp người dân có nhà biệt thự, nhà lầu, gia đình cơ bản, có con là bác sĩ, có phòng cho thuê... nhưng vẫn đòi gói hỗ trợ. Cán bộ địa phương phải giải thích rất nhiều họ mới chấp nhận.

Theo báo cáo của UBND quận 5, gói hỗ trợ đợt 1, địa phương đã hỗ trợ cho 10.793/10.874 lao động tự do với tổng số tiền hơn 16,1 tỷ đồng. Đợt 2, hỗ trợ cho 14.518/18.800 lượt người lao động tự do; hỗ trợ cho 148/309 hộ nghèo, cận nghèo và 9.882/10.178 hộ lao động khó khăn. Đợt 3, hỗ trợ cho 79.309/80.656 (đạt tỷ lệ 98,3%) với tổng số tiền hỗ trợ hơn 79,3 tỷ đồng.

Số người chênh lệch còn lại không nhận hỗ trợ là vì họ đã qua đời, không đúng đối tượng, đã nhận hỗ trợ nơi khác, sai thông tin, trùng... Địa phương sẽ thực hiện thu hồi kinh phí về ngân sách.

Ông Hồ Xuân Bắc, Chủ tịch UBND phường 1, quận 5 cho biết, khi có chỉ đạo, công văn hướng dẫn triển khai thực hiện chính sách, địa phương đã soạn thông báo cho các khu phố, tổ dân phố để họ thông báo cho người dân các nội dung như đối tượng thụ hưởng, thời gian, địa điểm.

Tổ công tác (trong đó có tổ dân phố và cảnh sát khu vực) sẽ rà soát, bình nghị danh sách. Sau đó, phường tổng hợp, gửi danh sách để lọc trường hợp và tiến tới xét duyệt. 

"Chúng tôi cũng công bố những người nào không được hưởng và chia ra 6 tổ công tác để chi hỗ trợ cho người dân", ông Bắc nói.

Ghi nhận có những trường hợp sau khi phát xong, dân vẫn thắc mắc về gói hỗ trợ, muốn nhận cả 3 đợt, ông Bắc cho hay: "Chúng tôi sẽ giải thích cho người dân. Thậm chí, khi trả lời một người nào đó, chúng tôi gọi trực tiếp cảnh sát khu vực qua tận nơi. Khi tiếp dân, người dân kéo lên trụ sở UBND thắc mắc, kiến nghị, chúng tôi cũng mời trực tiếp cảnh sát khu vực, tổ dân phố lên để trả lời, xác định luôn tại đó là người dân phản ánh như thế là đúng đối tượng không".


Biệt thự, nhà lầu… vẫn đòi được hỗ trợ - Ảnh 3.

Chi hỗ trợ đợt 3 tại TP.Thủ Đức. Ảnh: Hoàng Tuyết

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM lưu ý các địa phương cần giải thích cho dân hiểu đây là chính sách đặc thù của TP.HCM để hỗ trợ giúp đỡ cho người "có hoàn cảnh thật sự khó khăn" trong thời gian TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội chứ không phải là chế độ trợ cấp thường xuyên, hằng năm.

"Gói hỗ trợ đợt 3 là chính sách đặc thù, riêng biệt của thành phố để hỗ trợ cho người dân trong lúc bức bách do đại dịch Covid-19", ông Tấn nhấn mạnh.

Theo ông Lê Minh Tấn, TP.HCM đã ban hành chính sách hỗ trợ 3 đợt nhưng đối tượng hỗ trợ không giống nhau mà "chính sách nào, đối tượng đó" và tùy theo thời điểm để có chính sách phù hợp. Tương ứng với mỗi thời điểm khác nhau của từng đợt dịch, thành phố mở rộng thêm đối tượng hỗ trợ. Các địa phương sẽ xem xét, xác minh có đúng đối tượng được hỗ trợ hay không.

"Các đợt hỗ trợ chỉ mang ý nghĩa hỗ trợ khẩn cấp, giúp người dân khó khăn vượt qua lúc ngặt nghèo, còn lại phải tập trung vào việc tạo công ăn việc làm" - Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP nói và cho biết sau gói hỗ trợ thứ 3, tổ chức Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể sẽ tiếp tục vận động để chăm lo theo khả năng cho những người dân vẫn còn khó khăn.

BHXH TP.HCM cho biết cơ quan BHXH đã cung cấp trường dữ liệu về 4 nhóm đối tượng không thuộc diện hỗ trợ của gói thứ 3 này cho QTSC (Công ty công viên phần mềm Quang Trung). Trong đó, khoảng 2 triệu người lao động đang tham gia BHXH và trên 240.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động. Đây chính là cơ sở triển khai gói đợt 3 để QTSC và chính quyền phường, xã sở tại đối chiếu, lọc danh sách tránh trùng lắp đối tượng. Gói 3 không hỗ trợ cho 4 trường hợp gồm: Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, đang tham gia BHXH, người được doanh nghiệp trả lương tháng 8/2021...