Theo NSND Lệ Ngọc, làm sân khấu xã hội hóa hiện tại rất khó nhưng cũng mang lại cho bà rất nhiều niềm vui, sự hứng khởi. Hiện nay, bên cạnh việc tìm nguồn đầu tư cho các các vở diễn phục vụ khán giả tại Hà Nội và các vùng lân cận, NSND Lệ Ngọc còn thực hiện được các vở diễn để tham gia các festival, các chuyến lưu diễn ở nước ngoài.
Nữ nghệ sĩ hy vọng trong mỗi chuyến đi ấy các tác phẩm của mình sẽ là chiếc cầu nối để những người bạn từ khắp nơi trên thế giới hiểu về văn hóa, nghệ thuật, đất nước và con người Việt Nam… Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với NSND Lệ Ngọc.
Xin chào NSND Lệ Ngọc! Thương hiệu Sân khấu Lệ Ngọc đã được biết đến khá lâu nhưng không phải khán giả nào cũng hiểu về sự hình thành của sân khấu này. Vậy bà có thể chia sẻ về ngôi nhà nghệ thuật này?
- Sân khấu Lệ Ngọc của tôi được thành lập từ năm 2013 với tên gọi ban đầu là Câu lạc bộ sân khấu Lệ Ngọc trực thuộc Nhà hát kịch Việt Nam. Đây là một mô hình sân khấu còn khá mới mẻ. Lúc đó do một số anh chị em nghệ sỹ chúng tôi lập ra nó với sự cho phép của lãnh đạo nhà hát. Nó hoạt động chủ yếu bằng nguồn kinh phí xã hội hóa nên cũng có một số vở diễn thực hiện bên cạnh các tác phẩm được xây dựng bằng nguồn ngân sách của Nhà hát.
Đến năm 2016 khi nghỉ hưu tôi xin được tách CLB sân khấu Lệ Ngọc ra thành một sân khấu riêng dưới sự bảo trợ của Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam và Hiệp Hội văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. Cho đến ngày hôm nay, sân khấu của tôi đã phát triển và có được những dấu ấn nhất định với khán giả và bạn nghề.
Là một sân khấu xã hội hóa hoạt động bằng nguồn kinh phí tự huy động nhưng tại sao các vở diễn lại không hoàn toàn mang tính giải trí như các vở của sân khấu thị trường khác?
- Với tôi việc bán vé rất quan trọng nhưng không phải vì thế mà chúng tôi chỉ chăm chăm vào mục đích này. Tôi muốn những vở diễn của mình hấp dẫn nhưng đồng thời cũng phải có các yếu tố đặc sắc của một tác phẩm nghệ thuật.
Trao những tấm vé đến tay khán giả cũng đồng nghĩa với việc chúng tôi sẽ mang đến cho họ giá trị thưởng thức tốt nhất chứ không phải chỉ cần bán được vé là xong.
Bà đã chia sẻ với một số tờ báo rằng bà có niềm đam mê đặc biệt với sân khấu. Có lẽ chính vì vậy dù có bận nhiều công việc nhưng với mỗi vở diễn của sân khấu mình bà đều đứng vai. Phải chăng khi biểu diễn bà muốn truyền niềm đam mê sân khấu đó đến với đông khán giả?
- Đúng như vậy! Sân khấu luôn mang đến cho tôi khát khao được sáng tạo và cống hiến vì vậy mà tôi muốn thể hiện được những gì tốt nhất để khán giả được thưởng thức. Tôi muốn cũng chính ở đây, nơi chúng tôi vẫn gọi một cách trang trọng và thân thương là "Thánh đường" sẽ luôn là một điểm đến lý tưởng cho cả tôi và những khán giả thân yêu.
Nếu những vở diễn sẽ thay tôi nói với khán giả về biết bao những điều tâm huyết về cuộc sống về nghệ thuật thì cũng chính khán giả bằng tình cảm yêu mến, bằng những tràng pháo tay của họ sẽ gửi đến cho tôi sự đồng cảm, khích lệ to lớn.
Dù hiện tại sân khấu cả nước đang gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng theo thời gian các nghệ sỹ chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thiện các vở diễn tốt hơn, khắc phục những trở ngại để có được những đêm diễn xôm tụ và an toàn. Và tôi chắc chắn một điều rằng khi người xem thấy được sự mê đắm kỳ diệu của sàn diễn thì không có lý do gì để họ từ chối đến xem chúng tôi biểu diễn.
Luôn có ưu đãi tốt nhất thu hút các diễn viên trẻ tài năng, vậy còn kịch bản cho những vở diễn, NSND Lệ Ngọc thường lựa chọn những tác phẩm như thế nào?
- Tôi đánh giá rất cao các tác giả đã viết kịch bản cho sân khấu của tôi. Để có một vở diễn sân khấu chúng ta phải qua rất nhiều khâu nhưng trong đó tôi nghĩ khâu kịch bản là khâu quan trọng nhất. Nếu không có một kịch bản tốt chúng ta không thể nào có một tác phẩm tốt. Chính vì vậy để tuyển chọn chúng tôi thường phải đọc rất nhiều kịch bản.
Và thêm một tiêu chí nữa mà tôi cho rằng cũng rất quan trọng đó là sân khấu chúng tôi luôn chọn những kịch bản thuần Việt, mang được đặc trưng của văn hóa con người Việt Nam. Vì thực tế hiện nay khán giả có rất nhiều lựa chọn nếu chúng ta không có một câu chuyện đủ hay thì việc biểu diễn chắc chắn là sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Nghe bà nói đến câu những kịch bản thuần Việt, mang những nét của văn hóa Việt tôi lại nhớ đến những tác phẩm như: "Thị Nở Chí Phèo", "Tấm Cám", "Cây tre thần", "Dế mèn"… của Sân khấu Lệ Ngọc. Đây đều là các tác phẩm được chuyển thể hoặc lấy cảm hứng từ các tác phẩm văn học, truyện cổ tích nổi tiếng của Việt Nam. Phải chăng đây cũng là hướng đi thông minh mà sân khấu của bà đã nhìn ra được?
- Tôi rất vui và cũng phải công nhận rằng điều đó là hoàn toàn chính xác. Tôi nghĩ rằng khi những kịch bản đã tốt lại còn có nền tảng là những tác phẩm nổi tiếng thì như có thêm một sự đảm bảo thứ hai cho tác phẩm của mình. Hơn nữa các tác phẩm này lại rất tiêu biểu cho tâm hồn, tính cách của con người Việt Nam. Vốn rất yêu văn hóa Việt nên tôi nghĩ rằng khi vở diễn đã chuyên chở được cả yếu tố văn hóa như thế này nữa thì không những sẽ ăn khách trong nước mà còn rất hấp dẫn với khi mang đi dự thi hay lưu diễn ở nước ngoài.
Nói đến việc lưu diễn và dự thi ở nước ngoài thì Sân khấu Lệ Ngọc nằm trong một số rất ít các sàn diễn nước ta có thể thực hiện và duy trì được. Theo bà thì bí quyết của thành công này là gì?
- Tôi xin quay lại một chút với cái ý văn hóa Việt trong tác phẩm. Tôi có thể tự hào một điều rằng trong tất cả các tác phẩm của chúng tôi yếu tố này luôn được coi trọng. Đoàn chúng tôi có dịp được đi rất nhiều nước, đi đến đâu cũng được bạn bè trầm trồ.
Họ ngạc nhiên trước sự đa dạng của văn hóa, tín ngưỡng của chúng ta. Xin được chia sẻ thêm về "Ngũ biến" một tác phẩm được sân khấu hóa từ hoạt động hầu đồng. Khi biểu diễn tại nước bạn điều khiến tôi vui sướng nhất chính là tâm trạng hồ hởi, sự ái mộ của họ dành cho chúng tôi.
Họ không ngừng hỏi chúng tôi là làm thế nào có thể biểu diễn được hay đến như vậy, giỏi đến như thế. Rồi khi biểu diễn vở "Huyền thoại gò rồng ấp" tại Trung Quốc nhiều khán giả ở đó nói với tôi rằng thật không ngờ ở Việt Nam lại có những huyền thoại lịch sử đẹp đến thế. Những lúc hạnh phúc như vậy tôi lại nhớ về đất nước và thầm cảm ơn những nét đẹp văn hóa truyền thống mà cha ông đã để lại cho chúng ta.
Rất chú trọng đến hoạt động đối ngoại cho sân khấu của mình vậy thời gian sắp tới sân khấu Lệ Ngọc có dự định về chuyến đi mới nào chưa, thưa bà?
- Hiện tại, chúng tôi đã nhận được thư mời của nhà vua Brutan và hợp đồng biểu diễn tại Thái Lan. Vậy là trước mắt chúng tôi sẽ có 2 điểm đến tại khu vực Châu Á. Hy vọng đây sẽ lại là những chuyến đi ý nghĩa mang lại nhiều trải nghiệm nghệ thuật thú vị cho chúng tôi.
Vậy còn các sự kiện sân khấu tại Việt Nam thì sao, sân khấu Lệ Ngọc đăng ký tham gia thế nào?
- Suốt 2 năm qua dịch Covid-19 đã làm gián đoạn rất nhiều lịch trình công việc của chúng tôi. Dù vậy tôi vẫn cố gắng để có được những tác phẩm mới phục vụ khán giả. Các vở diễn của sân khấu Lệ Ngọc luôn mang lại những giờ phút thoải mái, quý báu cho người xem, là món ăn tinh thần hiệu quả để mọi người lấy lại tinh thần sau một thời gian dài phải ở nhà tránh dịch.
Như đã thành nếp quen, từ khi thành lập đến nay khi có các liên hoan, hội diễn được tổ chức thì chúng tôi đều cố gắng tham gia. Như Liên hoan kịch nói toàn quốc được tổ chức tại Hải Phòng lần này Sân khấu Lệ Ngọc dự thi 2 vở là "Thị Nở Chí Phèo" và "Làm vua". Đây cũng là những tác phẩm được đánh giá cao quy tụ nhiều diễn viên trẻ tài năng của chúng tôi.
Cảm ơn NSND Lệ Ngọc đã chia sẻ thông tin!
Vở diễn "Kim Tử" và "Ngũ Biến" lần lượt giành giải Hoa dâm bụt cho vở diễn và diễn viên xuất sắc nhất (Liên hoan sân khấu ASEAN và Trung Quốc tại Nam Ninh, Trung Quốc năm 2016 và 2018); "Huyền thoại gò rồng ấp" cũng đã được trao tặng giải thưởng kể trên năm 2019; Tháng 11/2019 tại Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ 4, NSND Lệ Ngọc nhận huy chương vàng vai Phạm Thị Ngà trong vở "Huyền thoại gò rồng ấp"; "Tình bạn & Công lý" đoạt Huy Chương Vàng tại Liên hoan sân khấu về Hình tượng người chiến sĩ CAND năm 2020.
NSND Lệ Ngọc đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba về thành tích trong công tác xã hội hóa, bảo tồn và phát triển loại hình Nghệ thuật Sân khấu, góp phần vào xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc (theo Quyết định được phê duyệt vào ngày 09/10/2020). Bà cũng đã vinh dự trở thành một trong 2.300 đại biểu tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X năm 2020.