Sáng nay (9/11), Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên phúc thẩm, xét kháng cáo của 12 bị cáo trong vụ án liên quan đến những sai phạm ở dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên.
Nguyên đơn dân sự ở phiên phúc thẩm là TISCO, đơn vị có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Tổng Công ty thép Việt Nam (VNS).
Trong 12 bị cáo kháng cáo, có 9 người bị đưa ra xét xử về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định tại khoản 3, Điều 219 Bộ luật Hình sự.
Các bị cáo gồm: Trần Trọng Mừng (72 tuổi, cựu Tổng Giám đốc TISCO, tòa sơ thẩm xử phạt 9 năm 6 tháng tù), Đặng Văn Tập (69 tuổi, cựu Phó Giám đốc thường trực Ban Quản lý Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 TISCO, tòa sơ thẩm xử phạt 7 năm tù), Đồng Quang Dương (61 tuổi, cựu Phó Giám đốc kiêm Thư ký Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 TISCO, tòa sơ thẩm xử phạt 6 năm tù), Đỗ Xuân Hòa (67 tuổi, cựu Kế toán trưởng TISCO, tòa sơ thẩm xử phạt 5 năm tù), Uông Sỹ Bính (68 tuổi, cựu Phó Trưởng phòng Kế toán Thống kê Tài chính TISCO, tòa sơ thẩm xử phạt 2 năm tù), Lê Thị Tuyết Lan (58 tuổi, cựu Phó Trưởng phòng Kế toán Thống kê Tài chính TISCO, tòa sơ thẩm xử phạt 2 năm tù), Đậu Văn Hùng (70 tuổi, cựu Tổng Giám đốc VNS, tòa sơ thẩm xử phạt 3 năm tù), Nguyễn Trọng Khôi (64 tuổi, cựu Phó Tổng Giám đốc VNS, tòa sơ thẩm xử phạt 3 năm tù), Nguyễn Văn Tráng (63 tuổi, cựu Ủy viên Ban Kiểm soát VNS, tòa sơ thẩm xử phạt 2 năm tù).
Ngoài 9 người trên, có 3 bị cáo khác kháng cáo là Nguyễn Chí Dũng (66 tuổi, cựu thành viên Hội đồng quản trị TISCO, án sơ thẩm 2 năm tù), Hoàng Ngọc Diệp (55 tuổi, cựu thành viên Hội đồng quản trị TISCO, án sơ thẩm 2 năm tù), Đoàn Thu Trang (36 tuổi, cựu thành viên Hội đồng quản trị TISCO, án sơ thẩm 18 tháng tù).
3 người này bị xét xử về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại khoản 3, Điều 360 Bộ luật Hình sự. Theo ghi nhận của Dân Việt, tại phiên phúc thẩm sáng nay 11 bị cáo có mặt, riêng bị cáo Đậu Văn Hùng có đơn xin xét xử vắng mặt vì lý do sức khỏe.
Một diễn biến đáng chú ý, theo thông báo từ thư ký phiên tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Đỗ Xuân Hòa vắng mặt tại phiên tòa.
Khi được hỏi ý kiến về vấn đề này, cựu Kế toán trưởng TISCO cho biết, vì lý do bất khả kháng (cách ly Covid-19) luật sư bào chữa của mình không thể đến tòa, để đảm bảo quyền lợi của bị cáo Hòa, nếu thời gian tiếp theo luật sư không có mặt, bị cáo này đề nghị hoãn tòa.
Trước diễn biến này, vị đại diện Viện Kiểm sát đã đưa ra các tình huống để phân tích với bị cáo Hòa. Các tình huống được đưa ra như: Luật sư không đến nhưng có bản bào chữa gửi tới Hội đồng xét xử (HĐXX); luật sư bào chữa có thể trình bày qua hình ảnh trực tiếp (giống xét xử trực tuyến).
Nêu quan điểm của mình, bị cáo Đỗ Xuân Hòa vẫn không đồng ý các tình huống đó. Ông tiếp tục đề nghị phải có luật sư để bảo đảm quyền lợi của mình tại phiên phúc thẩm.
Tới đây, HĐXX tiếp tục phân tích, trao đổi với bị cáo Hòa về việc vắng mặt của luật sư bào chữa.
"Tinh thần của HĐXX như thế này, nếu chưa có căn cứ nói rằng luật sư bị nhiễm Covid-19, bị cáo nên phối hợp, tạo điều kiện cho HĐXX hoàn thành nhiệm vụ, vì tổ chức một phiên tòa rất mất thời gian.
Theo tôi, cái quan trọng nhất là bám vào nội dung đơn kháng cáo của bị cáo. Bị cáo nên tin tưởng vào HĐXX, tin tưởng vào Viện Kiểm sát… Nếu bị cáo oan sai thì nó lại khác, ở đây bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, miễn trách nhiệm dân sự… Bị cáo phải tin tưởng vào cấp phúc thẩm" - HĐXX trao đổi.
Sau khi nghe HĐXX phân tích, trao đổi, vị cựu Kế toán trưởng TISCO xin tòa suy nghĩ 30 phút để quyết định việc này. Tòa chấp nhận cho bị cáo Hòa suy nghĩ và tạm dừng xét xử 30 phút.