Thực tế lâu nay, dù đã được khuyến cáo nhưng việc quá thiếu giống mì sạch bệnh vẫn khiến nông dân dùng hom mì nhiễm bệnh từ vụ trước để trồng tiếp cho vụ sau.
Huyện Hàm Tân là một trong những địa phương có diện tích trồng mì lớn nhất tỉnh Bình Thuận, với khoảng 10.000 ha. Hiện tại, bệnh khảm lá xuất hiện và hoành hành trên nhiều diện tích mì trong huyện với mức độ nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Nhật Tân có 6ha mì ở xã Tân Thắng (huyện Hàm Tân). Ông xuống giống vụ mì mới từ tháng 4/2021, dự kiến đến tháng 12 thì thu hoạch.
Từ sau khi trồng chừng 1 tháng, cây mì bắt đầu có dấu hiệu bệnh khảm lá. Sau đó bệnh lây lan rất nhanh ra nhiều thửa mì khác.
Ông Tân cho biết, nếu mì không bị nhiễm bệnh khảm lá, năng suất củ mì tươi có thể đạt 15-16 tấn/ha.
Tuy nhiên, bệnh khảm lá đang gây hại trên 70% diện tích vườn mì của ông. Dự kiến đến khi thu hoạch, năng suất chỉ đạt chừng 4-5 tấn/ha.
Vốn đầu tư trồng mì từ khâu làm đất đến chi phí vật tư đầu vào khoảng 15 triệu đồng/ha.
"Năng suất giảm trong khi giá phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đều tăng cao khiến nông dân chịu nhiều thiệt hại", ông Tân nói.
Bà Nguyễn Thị Lành, ngụ cùng xã Tân Thắng cho biết, khi phát hiện mì bị nhiễm bệnh, người dân đã ngay lập tức mua thuốc bảo vệ thực vật phun xịt nhưng không ngăn chặn được bệnh nên đành chịu.
Giá mì ở địa phương đang dao động mức 2.500-2.700 đồng/kg với mì đảm bảo độ trữ bột cao.
"Nhà nào có cây mì bị bệnh thì lượng bột giảm đến 50%. Khi trữ bột giảm thì giá bán cũng cũng sụt giảm theo", bà Lành kể.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Thuận, toàn tỉnh hiện có trên 3.500ha mì nhiễm bệnh. Trong đó, 823ha mì bị nhiễm nặng. Bệnh khảm lá mì phát sinh và gây hại trên các vùng trồng mì tại huyện Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình và TX.La Gi.
Kỹ sư Nguyễn Thành Ca - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Dịch vụ nông nghiệp huyện Hàm Tân cho biết, 1 trong những nguyên nhân khiến bệnh lan nhanh là hom mì nhiễm bệnh từ vụ trước được trồng lại cho vụ sau.
Trên thị trường hiện có nhiều giống mì nhiễm bệnh hoặc chưa rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, người dân lại nghe theo lời người bán quảng cáo rằng đây là giống mới, khám bệnh, có năng suất bột cao. Đến khi người dân mua về trồng thì hầu hết các giống mì quảng cáo đều nhiễm bệnh.
Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh khảm lá mì. Người trồng mì cần áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp nhằm giảm thiểu thiệt hại về năng suất cũng như hiệu quả kinh tế.
Trung tâm Kỹ thuật Dịch vụ nông nghiệp huyện Hàm Tân khuyến cáo bà con không sử dụng hom giống đã nhiễm bệnh như HL-S11, KM419, KM140 để trồng.
Còn như giống mì KM94 và KM98-5 là những giống kháng bệnh. Trung tâm đã nhiều lần khuyến cáo đồng thời tổ chức các lớp tập huấn cho người trồng.
Người dân cũng cần luân canh, chuyển sang trồng các loại cây trồng khác trên các vùng đất đã bị nhiễm bệnh ít nhất 1 vụ để giảm thiểu áp lực dịch bệnh.
Huyện Châu Đức là địa phương có diện tích mì bị nhiễm bệnh khảm lá lớn ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; với 700ha, tỷ lệ nhiễm từ 30-80%.
Ông Đỗ Chí Khởi - Trưởng phòng NNPTNT huyện Châu Đức cho biết, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo nông dân không trồng 2 giống khoai mì HLS-11, HLS-12.
Đây là 2 giống mì có tỷ lệ nhiễm bệnh cao nhưng do hàm lượng tinh bột cao nên nhiều hộ dân vẫn tiếp tục trồng.
Đến nay, toàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có hơn 2.500ha mì đã bị nhiễm bệnh khảm lá, chiếm gần 32% diện tích mì toàn tỉnh; tập trung tại huyện Xuyên Mộc, Châu Đức và TX.Phú Mỹ.
Trong đó, TX. Phú Mỹ có gần 1.100ha mì thì diện tích nhiễm bệnh khảm lá là 600ha.
Ông Trần Ngọc Toàn - Chủ tịch Hội Nông dân TX.Phú Mỹ cho biết, so với năm trước, năm nay tỷ lệ mì nhiễm bệnh nặng hơn.
Theo ông Toàn, việc nghiên cứu tìm ra các giống mì kháng bệnh khảm lá mới là phương án tối ưu và cấp bách để có thể đối phó với loại dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm này.
Viện Di truyền Nông nghiệp đang trồng khảo nghiệm và đánh giá các dòng mì có tính kháng, đảm bảo các chỉ tiêu năng suất, tinh bột và kiểu hình để có thể tuyển chọn nhằm đưa ra sản xuất và công nhận giống.
16 dòng khoai mì thuộc các giống triển vọng đang được Viện Di truyền Nông nghiệp trồng khảo nghiệm tại huyện Tân Châu (tỉnh Tây Ninh).
Các dòng này được đánh giá là có năng suất cao, hơn 30 tấn/ha; hàm lượng tinh bột lớn hơn hoặc bằng 28% và hoàn toàn kháng bệnh khảm lá.
Hiện tại, giống mì HN5 và HN3 đã được Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) công nhận là giống kháng được bệnh khảm lá.
Một nông dân tham gia trồng thử nghiệm giống mì kháng bệnh ở huyện Tân Châu, Tây Ninh. Ảnh: Ngọc Công
Sắp tới đây, Viện sẽ tiếp tục đề nghị Cục Trồng trọt công nhận thêm mốt số giống mì kháng bệnh và có năng suất cao trong thời gian sớm nhất.
Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc (tỉnh Đồng Nai) cũng cho biết, vừa thực hiện khảo nghiệm bộ giống mì TMEB419 có gen kháng bệnh khảm lá.
Sau 3 vụ trồng khảo nghiệm, Trung tâm Hưng Lộc đã tìm được một số dòng triển vọng, có thể đáp ứng được cả kiểu hình, cũng như năng suất củ tươi và hàm lượng tinh bột.
Trung tâm Hưng Lộc cho biết sẽ tiếp tục nhân nhanh và hoàn thiện thủ tục tự công bố lưu hành cho giống TMEB419, để sớm chuyển giao cho bà con trồng mì trong khu vực.
Ông Ngô Đình Chiến - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thắng (huyện Hàm Tân, Bình Thuận) kể, từ năm 2018, Bộ NNPTNT đã khuyến cáo không sử dụng các giống mì có khả năng nhiễm bệnh cao.
Tuy nhiên, do thiếu nguồn giống kháng bệnh nên nông dân buộc phải sử dụng giống cũ để trồng lại. Dẫn đến, diện tích bị nhiễm bệnh tăng cao.
Ông Chiến hi vọng thời gian tới, ngành chức năng sớm tìm được nguồn giống chất lượng, có khả năng kháng bệnh để hỗ trợ nông dân thay thế bộ giống cũ.
"Đồng thời, cơ quan chức nămg mở thêm các lớp tập huấn sử dụng các giống mới, cũng như quy trình sản xuất giống mới để để người dân áp dụng. Chỉ khi đó, cây mì mới mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người trồng", ông Chiến chia sẻ.