Ông Phong chia sẻ, trước đó ngày 1/11, Cục An toàn thực phẩm đã nhận được công văn của Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM đề nghị xem xét tạo điều kiện miễn thủ tục đăng ký công bố sản phẩm và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu với lô hàng này.
"Cục đã có công văn trả lời ngay ngày 1/11. Chúng tôi đã trả lời theo đúng thẩm quyền", ông Phong khẳng định.
Ông Phong cho biết, theo khoản 9, điều 13 nghị định 15/2018, các lô hàng nhập khẩu này thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ và sẽ được miễn kiểm tra nhà nước với thực phẩm nhập khẩu, đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM gửi công văn đề nghị Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến.
Trước khi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM gửi công văn đề nghị cho Cục An toàn thực phẩm thì Cục cũng đã nhận được văn bản của Ban An toàn thực phẩm TP.HCM và cũng đã hướng dẫn gửi công văn đề nghị Chính phủ/Thủ tướng chính phủ cho ý kiến.
Theo ông Phong, quy định hiện hành đã có, Cục không thể làm trái được. Khi Chính phủ đồng ý thì việc kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm rất đơn giản, chỉ kiểm tra thời hạn sử dụng lô hàng, kiểm nghiệm độc tố, không khó khăn phức tạp và rất nhanh.
Trước đó, trong phiên thảo luận ở hội trường về kinh tế -xã hội; ngân sách Nhà nước; công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV sáng 9/11, đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu (TP.HCM) cho biết, có một lô hàng với hơn 22.000 lon sữa do kiều bào ở Úc ủng hộ trẻ em khó khăn trong đại dịch Covid -19 tại TP.HCM. Mặt trận Tổ quốc TP đã xin ý kiến Cục An toàn thực phẩm, Cục Thú y.
Cục Thú y chỉ trong 2 ngày trả lời đồng ý; còn Cục An toàn thực phẩm nói "đề nghị TP.HCM hỏi Chính phủ". TP.HCM gửi công văn đến Chính phủ thì việc này được giao về Cục An toàn thực phẩm trả lời.
Vậy tại sao Cục An toàn thực phẩm không nêu chính kiến và tham mưu cho Chính phủ một văn bản trả lời?.
ĐBQH Tô Thị Bích Châu cho rằng, cách làm của Cục An toàn thực phẩm là đúng quy trình, nhưng không đúng với tinh thần chống dịch như chống giặc.