Theo Bộ GDĐT, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số địa phương phải cho học sinh tạm dừng đến trường để đảm bảo phòng, chống dịch, việc triển khai dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình là giải pháp cần thiết của các trường nhằm giúp các em không quên kiến thức, duy trì nền nếp học tập, thực hiện phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”, đảm bảo hiệu quả, công bằng trong việc tiếp cận các điều kiện giáo dục, học tập giữa học sinh các vùng miền.
Đối với giáo dục đại học, Bộ GDĐT khẳng định, do tình hình dịch bệnh kéo dài nên hiện vẫn còn 20 cơ sở đào tạo (chủ yếu là các trường văn hóa nghệ thuật, sức khỏe) vẫn còn khóa sinh viên chưa hoàn thành bài đánh giá kết thúc năm học.
Tuy nhiên, với giáo dục mầm non, theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn, một bộ phận không nhỏ giáo viên ngoài công lập không có lương khi phải nghỉ dạy trong thời gian trẻ em ở nhà không đến trường để phòng dịch, dẫn đến tình trạng không ít người bỏ việc. Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, cả nước hiện có 155.080 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đảm nhiệm việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục cho hơn 1,24 triệu trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Thiếu nhân lực là khó khăn lớn của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập trong đảm bảo an toàn cho trẻ và chất lượng giáo dục khi huy động trẻ đến trường sau thời gian nghỉ tránh dịch.
Ở nhiều địa phương có dịch, trẻ mầm non không được đến trường, cũng không thể học trực tuyến.Trong khi đó, nhiều phụ huynh không có kỹ năng, kiến thức chăm sóc trẻ, thời gian trẻ ở nhà dài dẫn đến áp lực, căng thẳng, dễ gây ra mất an toàn cho trẻ.Nhiều phụ huynh phải sắp xếp công việc để chăm sóc con ở gia đình, ảnh hưởng lớn tới thu nhập và phát triển kinh tế.Việc hướng dẫn trực tuyến cho cha mẹ trẻ hiện nay hạn chế về nội dung, phương pháp, trang thiết bị, chất liệu thực tiễn, trực quan sinh động, chưa đảm bảo tương tác tích cực với trẻ mầm non.
Bộ GD&ĐT đánh giá, những hạn chế nêu trên dẫn đến trẻ mầm non giai đoạn hiện nay có nguy cơ chậm phát triển.
Về giải pháp, Bộ GDĐT cho biết sẽ tiếp tục tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách đặc thù để đảm bảo chế độ, chính sách cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non, hỗ trợ giáo viên hợp đồng để ổn định cuộc sống và động viên tinh thần giáo viên quay trở lại trường tiếp tục nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em và gắn bó lâu dài với giáo dục mầm non.
Bộ GDĐT cũng đề nghị xem xét miễn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với toàn bộ giáo viên, giảng viên, nhân viên, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục mầm non tham gia đóng từ năm 2020 đến nay. Đồng thời, đề nghị xem xét miễn, giảm các loại phí, lệ phí; giãn thời gian nộp thuế, kéo dài thời gian quyết toán thuế từ năm 2020 đối với các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.
Khó khăn cơ sở hạ tầng
Bộ GDĐT cho biết đã chỉ đạo các địa phương rà soát, thống kê số lượng học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến, đồ dùng học tập để có kế hoạch hỗ trợ kịp thời. Đến nay, Bộ đã nhận được đề xuất hỗ trợ máy tính của 56/63 tỉnh, thành phố. Theo đó, số học sinh có hoàn cảnh khó khăn cần được hỗ trợ là hơn 2,1 triệu. Tính riêng tại các tỉnh, thành phố đang triển khai dạy học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số học sinh cần được hỗ trợ là hơn 1,8 triệu (bao gồm hơn 298.000 em thuộc hộ nghèo, hơn 276.000 em thuộc hộ cận nghèo, 1.500 em có cha, mẹ tử vong vì Covid-19 và hơn 1,24 triệu em thuộc các đối tượng khó khăn khác).
Về những khó khăn, hạn chế trong việc dạy học trực tuyến, báo cáo của Bộ GDĐT nêu rõ, do sử dụng phần mềm dạy học miễn phí nên chất lượng chưa đảm bảo. Đường truyền Internet nhiều nơi, nhiều lúc không ổn định, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học. Việc học trực tuyến đối với học sinh tiểu học, nhất là đối với lớp 1, lớp 2 gặp khó khăn hơn do các em còn nhỏ, chưa có điều kiện làm quen với phương thức học tập này. Bên cạnh đó, hệ thống bài giảng điện tử theo Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành còn hạn chế, chủ yếu tập trung ở lớp 9, lớp 12 và ở các môn chính. Bài giảng điện tử của Chương trình giáo dục phổ thông mới còn thiếu.
Số lượng máy tính đã huy động được mới chỉ đáp ứng 46,1% tổng nhu cầu cần hỗ trợ của học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Việc mua sắm máy tính từ nguồn huy động ở địa phương gặp khó khăn vì công tác tổ chức đấu thầu mất nhiều thời gian, nguồn hàng hạn chế. Do dịch Covid-19 ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng linh kiện điện tử và nhu cầu số lượng lớn máy tính cùng một thời điểm nên năng lực sản xuất của các hãng không thể đáp ứng ngay cùng một lúc.Tiến độ cung cấp máy tính bị chậm lại. Một hạn chế nữa là chất luợng học tập ở các khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa còn thấp. Tình trạng học sinh học không chuyên cần, bỏ học và đang có nguy cơ bỏ học, tái mù chữ vẫn còn ở một số địa phương.
Do đó, Bộ GDĐT đề nghị Chính phủ, Quốc hội thời gian tới ban hành các cơ chế, chính sách để khắc phục khó khăn về hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật dạy học trực tuyến, tạo điều kiện để học sinh cấp tiểu học, học sinh vùng nông thôn, miền núi, hải đảo được tiếp cận bình đẳng trong giáo dục.