Liên tục 6 phiên giao dịch gần đây, giá vàng thế giới tăng mạnh kéo theo giá vàng trong nước cũng tăng theo. Cụ thể, trong phiên giao dịch sáng nay (12/11), giá vàng thế giới hiện đang giao dịch quanh mức quanh ngưỡng 1.858,6 USD/ounce. Trong khi giá vàng trong nước hiện đang giao dịch quanh mức 60 triệu đồng/lượng.
Sáng nay, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng mua vào ở mức 59,50 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 60,20 triệu đồng/lượng, cùng tăng 200.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra so với thời điểm cuối ngày hôm qua (11/11).
Tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), giá vàng miếng ở mức 60,15 triệu/lượng (bán), tăng 450.000 đồng so với cuối ngày 11/11. Ở chiều mua vào, mức giá phổ biến là 59,5 triệu/lượng, tăng 500.000 đồng.
Tương tự, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI niêm yết mua vào vàng miếng với giá 59,75 triệu/lượng và bán ra ở 60,45 triệu/lượng, tăng tương ứng 450.000 đồng so với cuối ngày hôm qua.
Trong khi đó, giá vàng thế giới trong sáng nay đang giao dịch quanh ngưỡng 1.862 USD/ounce. Nếu quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá ngoại tệ tại Vietcombank sáng nay (ở mức 1 USD = 22.745 VND), giá vàng thế giới hiện đang tương đương 51,4 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá các doanh nghiệp trong nước đưa ra hơn 9 triệu đồng.
Mặc dù chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới bị kéo rộng, song khảo sát tại các cửa hàng vàng những ngày gần đây cho thấy, không có hiện tượng mua bán đầu cơ tích trữ.
Ông Nguyễn Minh Quang, chủ một tiệm vàng lớn trên đường Lê Văn Sỹ (Q.3), cho biết, những năm trước dịp cuối năm khách tới mua vàng rất nhiều. Đặc biệt, trong những dịp "sốt" giá, lượng người mua hoặc bán rất nhiều nhưng thời điểm hiện tại thì khá ảm đạm, chủ yếu chỉ có khách lẻ đến mua những món nhỏ hoặc vàng trang sức.
Theo các chuyên gia, thực tế giá vàng trong nước lâu nay vẫn cao hơn so với thế giới nhưng mức chênh này thường không quá 10% nếu quy đổi theo tỷ giá ngân hàng. Tuy nhiên, trong vòng một năm trở lại đây, giá vàng trong nước có một số thời điểm cao hơn 15%-18% so với thế giới, tức là từ 8,5 ~ 10 triệu/lượng.
Chuyên gia tài chính Trương Hiền Phương – Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, nhận định, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đã diễn ra từ rất lâu rồi. Tuy nhiên, trước đây thì chênh lệch vài triệu, nhưng nay lên càng cao thì điều này càng chứng tỏ việc đầu cơ vàng trong nước đang tăng cao so với tình hình thực tế trên thế giới.
Theo ông Phương, trên thế giới vẫn có đầu cơ vàng, thậm chí có hẳn các quỹ đầu tư về vàng nhưng họ đầu tư trong khuynh hướng vừa phải và có độ ổn định nhất định. Còn trong nước thì bị dẫn dắt tâm lý bởi các nhà đầu tư mà cụ thể là người dân khi họ đổ xô đi mua vàng.
"Ai cũng có thể đi mua vàng và mua với số lượng tùy theo như cầu. Và giá vàng cũng bị kiểm soát bởi các tiệm vàng lớn, các nhà buôn vàng lớn tại Việt Nam và cơ hội, khả năng để họ khuynh đảo, tạo những đột biến về giá vàng rất dễ dàng nếu họ bắt tay cùng nhau", ông Phương nói.
Cũng theo chuyên gia tài chính này, khoảng cách chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và quốc tế không thể hiện đúng tình hình thực tế diễn biến, biến động giá vàng trên thế giới và dẫn dắt vào Việt Nam, mà thể hiện xu hướng đầu cơ quá đà, quá mức. Và tâm lý của nhà đầu tư vàng đang bị dẫn dắt bởi những nhà đầu tư vàng lớn.
"Khoảng cách chênh lệch này mang dáng dấp, âm hưởng của việc đầu cơ trục lợi, đẩy giá… của các nhà đầu tư lớn. Vì vậy, nhà đầu tư phải hết sức cẩn thận, trong bối cảnh giá vàng tăng cao thì không nên mua vào, mua đuổi theo để tránh bị dẫn dắt vào các bẫy tăng giá", ông Phương nói thêm.
Nghiên cứu sinh kinh tế - LS Lê Bá Thường cũng cho rằng, có 4 nguyên nhân chính khiến giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với giá thế giới.
Thứ nhất, thị trường vàng Việt Nam và thế giới không có liên thông với nhau nên phần lớn các thời điểm giá vàng trong nước đều cao hơn. Thứ hai, có hiện tượng đầu cơ, một số doanh nghiệp đã đẩy giá vàng lên khi họ thấy nguồn cung không đủ. Thứ 3, Ngân hàng Nhà nước là đơn vị duy nhất được nhập khẩu vàng. Thứ 4, tại thời điểm này, một số kênh đầu tư không còn hấp dẫn như lãi suất giảm, bất động sản chưa hoàn toàn hồi phục, chứng khoán tăng nóng nhưng lại khiến nhiều người e ngại...
"Vì vậy, các doanh nghiệp giữ giá vàng ở mức cao, đẩy rủi ro sang người mua, không những giá chênh với thế giới cao mà chênh lệch giữa mua và bán cũng ở mức cao và người bị thiệt hại cuối cùng vẫn là khách hàng," ông Lê Bá Thường phân tích.
Do đó, chuyên gia này khuyến cáo đây không phải thời điểm thích hợp để người dân chọn vàng là kênh đầu tư để cất giữ với số lượng lớn.
"Người dân cần ý thức được thời điểm này nếu mua vào sẽ rất rủi ro. Vì vậy, nếu người dân có nhu cầu mua vàng thì chỉ nên mua những món nhỏ chứ không nên đầu tư và cũng không nên bỏ trứng vào một giỏ, đầu tư vào các kênh khác nhau", ông Thường đưa ra khuyến cáo.