Liên quan đến việc cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP HCM hoàn tất kết luận điều tra bổ sung và chuyển toàn bộ hồ sơ sang VKS đề nghị truy tố Nguyễn Thái Luyện (sinh năm 1985, CEO Alibaba), Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (sinh năm 1995, Phó tổng giám đốc phụ trách truyền thông Công ty Alibaba), Huỳnh Thị Ngọc Như (sinh năm 1992, Phó tổng giám đốc phụ trách đào tạo của Công ty Alibaba) cùng 17 đồng phạm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và "rửa tiền", Tiến sĩ Luật Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp đã có những phân tích cụ thể.
Theo ông Cường, hoạt động lừa đảo của một số cá nhân trong công ty địa ốc Alibaba diễn ra ngang nhiên, công khai trong một thời gian rất dài ở nhiều địa phương.
"Với thủ đoạn tinh vi, phương thức lừa đảo theo mô hình đa cấp đã khiến nhiều nhà đầu tư sập bẫy, trở thành nạn nhân của nhóm đối tượng này.
Việc khởi tố Nguyễn Thái Luyện và các đồng phạm là sự việc được rất nhiều chuyên gia và chính quyền các địa phương có "dự án ma" cảnh báo từ rất lâu.
Sau quá trình điều tra vụ án, đến nay cơ quan điều tra đã có kết luận điều tra và đề nghị truy tố đối với Nguyễn Thái Luyện cùng các đồng phạm là hoàn toàn đúng quy định", ông Cường nói.
Theo vị luật sư, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015. Với số tiền chiếm đoạt của nhiều người, hàng ngàn tỉ đồng như vậy thì các đối tượng trong vụ án này có thể đối mặt với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
"Với những đối tượng chủ mưu, cầm đầu, thực hành tích cực, hưởng lợi lớn, có thể phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Những đối tượng thực hiện hành vi phạm tội với vai trò giúp sức, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải sẽ được hưởng khoan hồng của pháp luật, có thể bị áp dụng hình phạt ở mức thấp của khung hoặc chuyển sang khung hình phạt khác nhẹ hơn", vị luật sư thông tin.
Điều 174, Bộ luật hình sự 2015 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 điều này;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 điều này;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Ông Cường cho biết thêm, rửa tiền là hành vi phạm tội được quy định tại điều 324, Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017. Theo đó, đây là hành vi của các tổ chức, cá nhân tìm cách chuyển đổi, hợp pháp hóa các khoản lợi hoặc tài sản bất chính không rõ nguồn gốc, hoặc do hành vi phạm tội hoặc tham nhũng có được để nó trở thành tài sản hợp pháp.
"Theo quy định của pháp luật thì người phạm tội rửa tiền có thể đối mặt với hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù.
Tòa án cũng xét nhiều trường hợp, trong đó, nếu các đối tượng biết rõ số tiền mà các bị can chiếm đoạt được là do phạm tội mà có nhưng vẫn sử dụng tiền đó vào mục đích kinh doanh hoặc chuyển hóa thành các loại tài sản khác để che giấu nguồn gốc tài sản bất minh thì có thể bị xử lý rất nặng.
Trường hợp đối tượng phạm nhiều tội thì tòa án sẽ xem xét đối với từng tội. Trường hợp tòa án kết tội ở nhiều tội danh thì sẽ tổng hợp hình phạt theo nguyên tắc nếu hình phạt cao nhất là tù chung thân thì hình phạt chung sẽ là tù chung thân. Nếu hình phạt của các tội danh đều là tù có thời hạn thì tổng mức hình phạt không quá 30 năm tù.
Điều 324, Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội rửa tiền như sau:
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:
a) Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có; b) Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác; c) Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó; d) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Phạm tội 2 lần trở lên; d) Có tính chất chuyên nghiệp; đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; e) Tiền, tài sản phạm tội trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; g) Thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng; h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm: a) Tiền, tài sản phạm tội trị giá 500 triệu đồng trở lên; b) Thu lợi bất chính 100 triệu đồng trở lên; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia.
4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại điều này, thì bị phạt như sau: a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 điều này, thì bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng; b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, c, d, đ, e, g và h khoản 2 điều này, thì bị phạt tiền từ 5 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng; c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 điều này, thì bị phạt tiền từ 10 tỷ đồng đến 20 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1 năm đến 3 năm; d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.