Cửu Dương Thần Công được phát hiện được kẹp bên trong Lăng Già Kinh, Giác Viễn thiền sư của Thiếu Lâm tự vô tình tìm ra nó. Lăng Già Kinh là một quyển kinh Phật do Đạt Ma sư tổ truyền lại, nó được viết bằng chữ Phạn nên có người cho rằng Cửu Dương Thần Công là của Đạt Ma sư tổ để lại. Nhưng có nhiều chứng cứ cho thấy bộ kinh văn này la do người khác viết chứ không phải Đạt Ma sư tổ. Cửu Dương Thần Công gồm bốn phần đó là nội công, nạp quái, thần vận, địa long.
Trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, Cửu Dương Thần Công xuất hiện đầu tiên trong phần cuối của Thần điêu hiệp lữ. Doãn Khắc Tây và Tiêu Tương Tử ăn trộm Cửu Dương Thần Công giấu vào bụng một con vượn trắng ở Côn Luân để tránh bị đại sư Giác Viễn tìm thấy, nhưng sau đó vì tranh giành nó mà cả hai đều chết. Từ đó dường như bí kiếp này bị thất truyền.
Có nhiều người từng học được một phần của Cửu Dương Thần Công nhưng chỉ có hai người học trọn vẹn bí kiếp này là đại sư Giác Viễn và Trương Vô Kỵ. Trước khi Giác Viễn đại sư qua đời đã đọc lại Cửu Dương Thần Công, khi đó Trương Quân Bảo (Trương Tam Phong, đệ tử của Giác Viễn đại sư), Vô Sắc thiền sư và Quách Tương (người lập nên phái Nga Mi) mỗi người đã học một phần nó. Cho nên Trương Quân Bảo luyện được nội công tối thuần, Vô Sắc đại sư luyện được nội công tối cao, Quách Tương luyện được nội công tối bác. Vì vậy mà nội công của các phái Võ Đang, Thiếu Lâm và Nga Mi có sự ảnh hưởng của Cửu Dương Thần Công, phái Võ Đang gọi là Võ Đang Cửu Dương, phái Thiếu Lâm gọi là Thiếu Lâm Cửu Dương, phái Nga Mi gọi là Nga Mi Cửu Dương.
Trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký, Trương Vô Kỵ khi chạy trốn kẻ thù truy sát đã vô tình chạy đến Côn Luân vô tình có được bí kíp Cửu Dương Thần Công trong bụng con vượn năm xưa bị Doãn Khắc Tây và Tiêu Tương Tử giấu vào. Sau khi luyện thành Trương Vô Kỵ không những đẩy được hàn độc của Huyền Minh thần chưởng ra khỏi cơ thể mà còn có được nội công thâm hậu bậc nhất võ lâm. Sau đó Trương Vô Kỵ chôn cuốn sách này trên núi và từ đó không nghe tung tích của nó nữa.
Cửu Dương Thần Công là loại thần công cũng tựa như Cửu âm chân kinh nhưng bởi hậu sinh khả úy nên uy lực mạnh hơn nhiều so với Cửu âm chân kinh. Nếu như Cửu Âm chân kinh võ công để đánh địch thì Cửu Dương Thần Công lại là bí kiếp tu luyện nội công và bảo vệ thân thể. Nếu như Cửu Âm Chân Kinh mang tính chất lạnh (hàn) thì Cửu Dương Chân Kinh mang tính chất nóng (nhiệt), vậy nên Trương Vô Kỵ trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký mới dùng chân kinh này khắc chế được hàn độc của Huyền Minh thần chưởng.