Dân Việt

Hành trình dạy trẻ "bất trị" của cô giáo 80 tuổi và "trạm dừng chân" cho học trò khuyết tật

Gia Khiêm 22/11/2021 06:00 GMT+7
Từ những đứa trẻ nghịch ngợm, phải đi đánh giày, bán bao thuê đến những đứa trẻ "bất trị" trộm cắp, cô Nguyễn Thị Côi (năm nay 80 tuổi) đã dạy dỗ các em nên người. Những năm tuổi già, nữ giáo viên này quyết định gắn bó với học trò khuyết tật.

"Trạm dừng chân" đến cuối đời của cô giáo già với những đứa trẻ đặc biệt

Nhiều tháng nay, cô giáo Nguyễn Thị Côi (80 tuổi) chỉ quanh quẩn cả ngày ở nhà tại phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Lâu rồi cô không được gặp hay nghe tiếng cười nói, đùa nghịch từ những học trò đặc biệt của mình ở khu dân cư số 2 (phường Tân Mai, quận Hoàng Mai).

Đó là nơi cô giáo Côi đặt hết niềm hy vọng, tình yêu vào những đứa khuyết tật với mong muốn dạy dỗ chúng nên người. Cô cũng chọn đó là "trạm dừng chân" cho tới cuối cuộc đời mình trên hành trình gần 60 năm theo nghiệp "trồng người".

Hành trình dạy miễn phí cho trẻ "bất trị" của cô giáo 80 tuổi và "trạm dừng chân" của những học trò khuyết tật  - Ảnh 1.

Suốt bao nhiêu năm qua cô Nguyễn Thị Côi ở phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã dạy học miễn phí cho những học sinh đặc biệt. Ảnh: Gia Khiêm

Căn nhà riêng của cô Côi nằm sâu trong ngõ 91, đường Hoàng Mai, Hà Nội. Bên trong không gian rộng nhưng đơn sơ. Ở tuổi 80, cô Côi vẫn khỏe mạnh, tinh anh nhưng có chút e dè. Cô than thở với chúng tôi: "Lâu lắm rồi không được gặp 24 học trò của mình. Tôi thấy nhớ. Mong sao dịch bệnh sớm qua đi chứ lâu ngày không dạy các em quên hết kiến thức".

Những học trò đó cô Côi thuộc từng tên, nắm từng hoàn cảnh mỗi người. Đặc biệt, đó đều là những học trò có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật kém may mắn trong xã hội. Trong số chúng, có đứa chỉ 8 tuổi, nhưng có người đã bước sang tuổi 34.

Hành trình dạy miễn phí cho trẻ "bất trị" của cô giáo 80 tuổi và "trạm dừng chân" của những học trò khuyết tật  - Ảnh 2.

Lớp học đặc biệt của cô Côi thời điểm năm 2019. Ảnh: Công Phương

"Các em đa phần là những đứa trẻ khuyết tật trí tuệ nên cần phải học trực tiếp chứ không thể học online hay qua điện thoại được như các bạn thông thường. Thứ nhất vì gia đình các em không có điều kiện, thứ 2 các em tiếp thu khó, phải cầm tay chỉ việc. Thời gian qua nhà em nào gần thi thoảng tôi đi xe ôm chạy qua hay gọi điện nhắc nhở gia đình cho các em ôn tập bài vở. Có em hỏi "Cô ơi bao giờ được đi học". Các em thích đi học lắm", cô Côi chia sẻ.

Theo cô Côi, các em học sinh ở lớp học tình thương của mình sẽ được học một chương trình riêng tùy theo trình độ của mỗi người. Do vậy, lớp được chia thành từng tốp: lớp 1, 2, 3, 4… Có khi các bạn lớp trên sẽ kèm các bạn lớp dưới nếu đủ khả năng. Sau khi tốt nghiệp lớp học, nhiều học sinh có lực học tốt sẽ được cô giới thiệu đi học các lớp học có trình độ cao hơn tại trung tâm giáo dục thương xuyên hoặc đi học nghề.

Hành trình dạy miễn phí cho trẻ "bất trị" của cô giáo 80 tuổi và "trạm dừng chân" của những học trò khuyết tật  - Ảnh 3.

Cô Côi cho biết, công việc này xuất phát từ tình thương và phải thêm cả sự kiên trì mới có thể làm được. Ảnh: Công Phương

"Tôi làm công việc này xuất phát từ tình thương và coi các em như con em mình, dạy nữa dạy mãi sao các em hiểu được mới thôi. Khi các em đọc được, viết được tôi vui lắm vì dù sao đã giúp người từ chỗ "mù" chữ hiểu biết được, nhận thức được. Có em ra đường đọc được tên phố, biển quảng cáo về kể "cô ơi con đọc được tên phố, con viết được rồi", chúng nó sướng lắm. Đặc biệt, tôi chú trọng dạy các em cách vệ sinh thân thể cùng những bài học về giới tính", cô Côi cho hay.

Nữ giáo viên này kể, trong lớp học đặc biệt của mình có học trò tên Tùng năm nay ngoài 20 tuổi. Hoàn cảnh của nam sinh này khá đặc biệt khi mồ côi mẹ từ nhỏ, bố nhiều lần lâm vào con đường tội lỗi phải đi cải tạo. Tùng ở với bà ngoại cực khổ.

Hành trình dạy miễn phí cho trẻ "bất trị" của cô giáo 80 tuổi và "trạm dừng chân" của những học trò khuyết tật  - Ảnh 4.

Cô Côi chia sẻ, dạy trẻ khuyết tật không đơn giản như các lớp học đại trà. Có những bạn kém may mắn hơn, có khi dạy vài tháng mới được một bài. Ảnh: Gia Khiêm

"Em bị bệnh viêm não Nhật Bản. Bình thường Tùng rất khôn ngoan nhưng khi học thì không tiếp thu được kiến thức. Sau 5, 6 năm theo học đến nay em chỉ mới thuộc 24 chữ cái. Được cái em biết viết nét bút đẹp. Về kỹ năng sống em ấy thực hiện tốt. Cứ khi nào thời tiết thay đổi Tùng lại bị động kinh khiến cơ thể lên cơn co giật, sùi bọt mép. Là giáo viên lâu năm tôi hiểu biết chút về y tế. Tôi bình tĩnh để em nằm thoải mái, sau bấm huyệt đạo em ấy tỉnh lại", cô Côi nhớ lại.

Hay có những học sinh biết đánh vần, biết hát, nhận thức được hành vi, phép tắc giao tiếp cơ bản… Tưởng chừng như đơn giản, nhưng làm được như vậy đã là một "kỳ tích" đối với chính cuộc đời của các em.

Cô chia sẻ tiếp, dạy trẻ khuyết tật không đơn giản như các lớp học đại trà. Với những bạn phát triển bình thường, cô có thể dạy một bài một buổi. Nhưng những bạn kém may mắn hơn, có khi dạy vài tháng mới được một bài. Vất vả hơn nhưng vì tình thương, coi các con như con ruột mình nên cô Côi kiên trì dạy. Đến lớp, học trò được múa hát, giao lưu với bạn bè. Có bạn nhận thức không được nhưng sau hai tháng học cũng đã thuộc hết bảng chữ cái.

"Ban đầu, chính cha mẹ các em còn không tin tưởng tôi. Có người còn đồn tiếng tôi dở hơi hay nói tôi mở lớp để lợi dụng trẻ khuyết tật để kiếm tiền từ thiện khiến tôi chạnh lòng lắm, nhưng nghĩ sức khỏe mình còn thì mình không bao giờ buông các em. Tôi dạy các em mỗi tháng được quận trợ cấp 2,5 triệu đồng, tôi thuê xe ôm đi từ nhà đến lớp học 1,5 triệu, còn 1 triệu tôi dành tiền mua sách, bút học tập cho các em chứ cũng chẳng lấy đó làm tiền riêng cho mình", cô bộc bạch.

Từ những học trò "ngổ ngáo, bất trị trở thành người biết kính trọng cô giáo, mọi người

Cô giáo Nguyễn Thị Côi từng là Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ. Từ năm 1994, cô đã tham gia các dự án giáo dục dành cho trẻ em nghèo, trẻ em lang thang cơ nhỡ, khuyết tật. Lớp học của cô Côi cũng đã nhiều lần chuyển địa điểm, từ ngõ Giếng Mứt phố Bạch Mai, đến ngõ Hoàng Mai rồi bây giờ là tại Nhà văn hóa khu dân cư số 2 phường Tân Mai (số 20 ngõ 531, đường Trương Định, Hà Nội).

Hành trình dạy miễn phí cho trẻ "bất trị" của cô giáo 80 tuổi và "trạm dừng chân" của những học trò khuyết tật  - Ảnh 5.

Nhà văn hóa khu dân cư số 2 phường Tân Mai, nơi đặt lớp học tình thương của cô giáo Côi. Ảnh: Công Phương

Cô Côi kể, thời điểm đầu cô nhận nhiệm vụ đi vận động những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ, đánh giày, bán báo, giúp việc… ở Thanh Nhàn tham gia lớp học miễn phí ngay tại nhà trọ của chúng. Khu vực Thanh Nhàn ngày ấy vốn là tụ điểm buôn bán heroin có tiếng, tập hợp đủ đối tượng nghiện hút, lâm vào tệ nạn xã hội.

"Khi đó, trẻ em lang thang ở các tỉnh về Hà Nội đi làm ban ngày. Tối nếu các em không được dạy dỗ sợ sẽ sa đà vào các tệ nạn xã hội. Nhiều giáo viên được phân công nhưng đều bỏ giữa chừng, không dạy nổi vì học sinh quá cá biệt, chẳng muốn học hành. Lúc bấy giờ tôi một mình đi xe máy vào khu tụ điểm đó. Rất nhiều ánh mắt dò xét, thậm chí nhiều con nghiện sẵn sàng lấy cắp, trộm xe của mình trong lúc đang dạy các em. Tôi nhớ có đợt tôi đang dạy, một đối tượng nghiện hút lén lút tháo cốp xe lấy bình ắc quy. Tôi nghe tiếng động đi ra thì đối tượng chạy mất. Sau phải dắt xe mang đi sửa", cô Côi nói.

Cô kể, có học sinh ban đầu "bất trị" thậm chí trộm cả tiền của mình. Sau biết chuyện cô nhẹ nhàng bảo: "Em nào nhặt được tiền cho cô xin lại". Mặc dù biết ai lấy nhưng cô bảo, học sinh phải vừa dạy vừa dỗ, vừa giáo dục kỹ năng sống, đạo đức. Sau này chính học sinh cá biệt, ngỗ ngược ấy đã thuần tính trở thành con người biết kính trọng, yêu quý cô giáo và mọi người.

Có thời điểm lớp học của cô giáo Côi lên đến 45 học sinh. Cô Côi chính là người đã duy trì lớp học cho đến gần mười năm sau, khi đời sống khu vực này đã có những cải thiện rõ rệt. Lúc này cô khuyên những bạn nhỏ đi làm thuê, đánh giày trở về địa phương để không còn cảnh lang thang, cơ nhỡ.

Điều an ủi động viên cô Côi đó là có những học trò khi xưa khổ cực đi đánh giày, bán báo thuê đã bước vào đại học, ra trường và có công ăn việc làm ổn định. Có người tự định hướng tìm được công việc phù hợp. Giờ phút này cô cũng không thể nhớ nổi mình đã dạy dỗ bao nhiêu thế hệ học trò nữa.

Ở tuổi bát thập, cô Côi nghĩ trời còn cho mình sức khoẻ, minh mẫn nên vẫn tiếp tục dạy dỗ những học sinh đặc biệt cho tới khi nào mắt mờ, chân chậm mới quyết định dừng lại. Thi thoảng cô vẫn nhờ người chở xuống lớp học để lau dọn vệ sinh. Cô nhìn xa xăm chờ tới ngày lũ học trò ấy lại được nô nức, vui vẻ như những ngày tháng trước đây - những ngày tháng không có dịch bệnh Covid-19…