Cần bảo vệ những người dám "xé rào" trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật
Tại buổi tọa đàm "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" do Báo điện tử Dân Việt tổ chức ngày 17/11 vừa qua, nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định, văn hoá có vai trò ngang hàng với kinh tế, chính trị. Ông cũng nhấn mạnh, văn hoá luôn được đề cao nhưng trong thực tiễn còn nhiều yếu thế.
"Nền văn hóa Việt vẫn có sự phát triển, nhưng sự phát triển này không bền vững. Chúng ta có những thay đổi nhưng những bước đi không lâu dài, do cách thức của chúng ta quản lý.
Ví dụ như câu chuyện về sách giáo khoa, chúng ta đầu tư không nhỏ nhưng tại sao vẫn chưa ổn định? Tôi cho rằng, điều quan trọng vẫn là giải bài toán lợi ích, bởi bài toán này đang chi phối nhận thức của toàn bộ xã hội. Gần đây, Đảng có một văn kiện về việc bảo vệ những người dám "xé rào". Tôi cho rằng, trong đó những người làm văn hóa, nghệ thuật là quan trọng nhất", nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định.
Nhắc đến nông thôn, nơi vẫn có tới 70% người Việt đang sinh sống, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: "Văn hóa nông thôn đang phần nào bị bỏ rơi. Khi nhìn về văn hóa nông thôn, chúng ta dễ thấy di sản cũ bị phá bỏ, cái mới thì không bền vững, căn bản. Trong lần đầu tiên trao đổi với các kiến trúc sư thuộc trường Mỹ thuật Đông Dương sau Cách Mạng tháng Tám, Bác Hồ đã khẳng định: Phải lo nhà cho những người nông dân. Người vận động trồng cây để dựng nhà cho người dân sau chiến tranh, trong đó chỉ rõ cây nào làm nhà, cây nào làm cột. Thế nhưng, sau 70 năm, nông thôn của chúng ta đang phát triển tự phát, hoàn toàn không có sự quy hoạch về kiến trúc, không gian, di sản văn hóa.
Vấn đề đặt ra hiện nay chính là, chúng ta đầu tư quá nhiều vào giá trị hạ tầng, quên lãng đi giá trị thượng tầng. Trong đó, văn hóa nông thôn chứa đựng nhiều nguy cơ nhất, sự xuống cấp của văn hóa nông thôn phá hủy đi nhiều giá trị truyền thống nhất".
Trăn trở về vấn đề bảo tồn di sản, di tích lịch sử của đất nước, nhà sử học Dương Trung Quốc đặt ra câu hỏi: "Tại sao không biến ngôi đình làng Việt trở thành trung tâm văn hóa mà lại cần thêm nhà văn hóa?". Theo ông, dù đất nước phát triển tới đâu đi chăng nữa, nông thôn vẫn là không gian lớn nhất: "Đây là nơi cung cấp hậu cần cho tuyến đầu, nơi nuôi dưỡng các giá trị văn hóa của dân tộc, qua dịch bệnh, chiến tranh, điều này càng thể hiện rất rõ. Truyền thống không phải những gì cũ kỹ, cổ hủ. Truyền thống chính là sự nối tiếp và phát triển, chúng ta phát triển như thế nào, chính là câu chuyện đáng phải bàn".
Nói về các di sản văn hóa Việt Nam trên sàn đấu giá quốc tế, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: "Chúng ta có thể chưa có điều kiện để thu hồi về, nhưng phải biết đó là gì để thống kê lại và có phương hướng lưu trữ trong tương lai. Việc chưa thể thu hồi những di sản văn hóa bằng pháp lý, hoặc bằng tiền bạc theo tôi là sự lãng phí, mất mát rất lớn.
Một câu chuyện khác đó là: Liệu 100 năm nữa, dấu tích của chúng ta để lại cho tương lại còn gì không? Những chiếc giấy khen, bằng khen còn giữ được không sau 30 năm, trong khi những sắc phong truyền thống tồn tại mãi mãi. Tại sao không công nhận di tích như những sắc phong ngày xưa để lịch sử còn lưu lại?
Ngành văn hóa cũng cần nhìn lại các di sản của chính mình. Nơi nào cũng công nhận di sản, nhưng chúng ta có nuôi dưỡng, giữ gìn và phát huy được không, nhất là trong thử thách về lợi ích".