Dân Việt

Nguy cơ rối loạn tâm thần gia tăng trong đại dịch Covid-19​

P.V 22/11/2021 08:22 GMT+7
Đại dịch Covid-19 như là một sang chấn thúc đẩy bệnh lý tâm thần diễn ra nhanh hơn, trầm trọng hơn​.

Cụ thể, 30% trong số 55.589 người được hỏi từ 40 quốc gia tham gia cuộc khảo sát cho biết họ bị căng thẳng hoặc trầm cảm nặng trong thời kỳ đại dịch.

Sau nhiều tháng bị cô lập trong bối cảnh phong tỏa, 38% số người được khảo sát cho biết, họ có nhu cầu được giao tiếp với người khác và 26% số người được hỏi mong muốn được hỗ trợ tinh thần.

Nguy cơ rối loạn tâm thần gia tăng trong đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Covid-19 khiến tỷ lệ mắc các bệnh tâm thần gia tăng


Nguy cơ rối loạn tâm thần gia tăng trong đại dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Covid-19 khiến tỷ lệ mắc các bệnh tâm thần gia tăng

Lý giải điều này, GS. Cao Tiến Đức - Nguyên Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103 cho biết, có nhiều yếu tố tác động khiến bệnh nhân tâm thần gia tăng và trở nên trầm trọng hơn trong đại dịch Covid-19:

Covid-19 gây tổn thương não: Theo nhiều nghiên cứu ở Mỹ, 30% bệnh nhân mắc Covid-19 có các di chứng về tâm thần sau khi khỏi bệnh. Mắc Covid-19 thể càng nặng các rối loạn tâm thần càng tăng. Một số trường hợp mắc Covid-19 có biểu hiện giảm trí nhớ, một số ảnh hưởng đến trí tuệ như sa sút trí tuệ, mức độ không nặng nhưng cũng có nhiều bất lợi. Các tác động trực tiếp của bệnh lý này đối với cơ thể là gây tổn thương phổi, đường hô hấp, các cơ quan khác trong đó có não cũng bị tổn thương.

Covid-19 gây lo âu, sợ hãi, căng thẳng: Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 đối với người bệnh cũng như đối với cộng đồng là gây tâm lý lo lắng, sợ hãi rằng mình có thể bị mắc bệnh, khi mắc bệnh nặng có nguy cơ tử vong, nhất là ở những người cao tuổi, người có bệnh mạn tính… Những trẻ em đi cách ly, không được gần bố mẹ; những người trong gia đình mắc bệnh; sự kỳ thị của mọi người đối với những gia đình có người mắc; hay trường hợp những người bị mất mát người thân vì dịch bệnh… Đó là những chấn thương tâm lý rất nghiêm trọng.

Giãn cách xã hội ảnh hưởng tới kinh tế xã hội: Dịch bệnh Covid-19 khiến hầu như các ngành nghề sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ. Các cửa hàng buôn bán nhỏ đóng cửa, doanh nghiệp ngừng sản xuất do công nhân nhà máy nhiễm bệnh. Người buôn bán nhỏ mất việc do giãn cách xã hội. Người nông dân sản xuất ra hàng hóa không thu hoạch được tổn thất về mặt kinh tế. Vận tải, du lịch, nhà hàng, khách sạn đóng cửa… Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, nỗi lo về cơm áo gạo tiền đè nặng khiến tâm lý của những người trưởng thành bị ảnh hưởng nặng nề.

Việc cách ly tại nhà không được giao tiếp với nhiều người xung quanh, khiến mọi người khó chịu, bức xúc vì không được thư giãn, sự căng thẳng, u uất kéo dài cũng là nguyên nhân khiến stress, lo âu, trầm cảm, mất ngủ gia tăng.

Do đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo phải chú ý hơn về mặt sức khỏe tâm thần

Nếu bạn đang cảm thấy buồn, vô vọng và có những suy nghĩ tiêu cực như tự làm hại bản thân, hãy nói chuyện với chuyên gia sức khỏe tâm thần hoặc người mà bạn tin tưởng để chia sẻ cảm xúc của bạn. Nói ra những cảm xúc của bản thân sẽ giúp bạn giảm bớt căng thẳng.

Với lực lượng tuyến đầu: Nếu bạn cảm thấy kiệt sức, cô lập và không thể tập trung làm việc, hãy nói chuyện với cấp trên về các vấn để của bạn và tìm thời gian để nghỉ ngơi.

Với bệnh nhân mắc Covid-19: Duy trì sự kết nối giữa người mắc Covid-19 với người thân qua điện thoại, cuộc gọi video hoặc tin nhắn, có thể giúp họ cảm thấy dễ chịu khi cách ly.

Với người cao tuổi: Người thân nên chủ động liên lạc với họ qua điện thoại tin nhắn, và mạng xã hội để giúp họ cảm thấy an toàn.

Với trẻ em: Trẻ em có thể không hiểu rõ về Covid-19. Hãy dùng từ ngữ dễ hiểu, nhẹ nhàng để nói chuyện với các em, và khuyến khích các em thực hành những thói quen lành mạnh thông qua các bài hát và điệu nhảy

Nguy cơ rối loạn tâm thần gia tăng trong đại dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Ngoài chia sẻ những cảm xúc của bản thân để giúp giảm bớt căng thẳng, hãy luôn duy trì một lối sống lành mạnh, tích cực:

Nguy cơ rối loạn tâm thần gia tăng trong đại dịch Covid-19 - Ảnh 4.

Ngủ đủ giấc giúp phục hồi sức khỏe tinh thần

Dành thời gian nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, ăn uống đủ dinh dưỡng, vận động thể chất. Cố gắng tìm động lực để làm những việc mình thích. Điều này sẽ giúp hồi phục sức khỏe tinh thần của bạn.

Chọn và giới hạn khoảng thời gian mỗi ngày để cập nhật tin tức về Covid-19, việc liên tục nghe về Covid-19 trên các kênh truyền thông có thể khiến bạn lo lắng và chán nản hơn.

Khi gặp phải tình huống khó khăn, hãy tập trung vào những thứ bạn có thể thay đổi, chấp nhận những chuyện nằm ngoài sự kiểm soát và luôn cố gắng sống bằng giá trị của bản thân mình.

Nếu bạn biết ai đó đang tuyệt vọng và có ý nghĩ gây hại cho chính mình do Covid-19, hãy trò chuyện với họ.

Tất cả chúng ta đều có vai trò trong việc chăm sóc và giữ gìn sức khỏe tâm thần trong cộng đồng.

Nguy cơ rối loạn tâm thần gia tăng trong đại dịch Covid-19 - Ảnh 5.

Ảnh: ADCREW

Đại dịch Covid-19 là một sang chấn, vừa gây tổn thương cơ thể vừa gây tổn thương về tinh thần nghiêm trọng dẫn đến nhiều nguy cơ mắc các bệnh lý tâm thần rất lớn. Việc phổ biến kiến thức chăm sóc sức khỏe tâm thần rộng rãi cho người dân sẽ giúp giảm gánh nặng bệnh tật, cải thiện sức khỏe và tăng chất lượng sống cho người dân Việt Nam, là mục tiêu của chương trình Chăm Sóc Sức Khỏe Việt, được phối hợp thực hiện giữa Davipharm và Cục Y Tế Dự Phòng, Bộ Y Tế.

Phòng, chống BKLN hiệu quả sẽ hạn chế số người mắc bệnh, ngăn chặn tàn tật, tử vong sớm và giảm quá tải y tế, cải thiện sức khỏe cho người Việt Nam đặc biệt trong đại dịch toàn cầu Covid-19. Đây là mục tiêu đầy tính nhân văn của chương trình Chăm sóc sức khỏe Việt, thông qua chương trình, Davipharm (https://davipharm.info/vi/) trở thành công ty trong nước tiên phong với cam kết đồng hành dài hạn cùng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, chung tay giảm gánh nặng các BKLN và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân Việt Nam. Bạn có thể truy cập vào Fanpage Chăm sóc sức khỏe Việt để có những thông tin hữu ích và hỗ trợ từ chuyên gia.