Dân Việt

Vua Lý Huệ Tông đảo càn khôn, anh em vua Trần oán hận nhau đến chết

Anh Tú 23/11/2021 08:31 GMT+7
Trần Liễu ban đầu đã được phong chức vương sớm, là phò mã sớm, và là phu quân của trưởng công chúa nên việc nối ngôi ở tuổi 15 tưởng như vật nằm trong túi. Thế nhưng, việc "nắn dòng" của Lý Huệ Tông lại kiến Trần Liễu vồ hụt ngai vàng...

Sau khi về nương nhờ anh em nhà Trần thì vua Lý Huệ Tông không còn chút quyền hành nào. Năm 1223, Trần Tự Khánh mất thì quyền lực rơi vào tay của Trần Thừa, người thay Khánh lên làm thái úy. Lúc Tự Khánh còn sống thì tuy chuyên quyền lấn ép vua nhưng vẫn chưa vội có hành động thoán ngôi. Nhưng sau khi Trần Thừa lên, được sự hỗ trợ đắc lực từ Trần Thủ Độ thì việc đổi ngôi được thúc đẩy rất nhanh.

Vua Lý Huệ Tông đảo càn khôn, anh em vua Trần oán hận nhau đến chết - Ảnh 1.

Sau khi về nương nhờ, vua Huệ Tông bị anh em nhà Trần ức hiếp.

Theo Đại Việt sử lược, đến 1224 thì có một số sự kiện bất thường xảy ra như: "từ Thượng Nguyên xuống đến kinh sư nước sông đỏ như máu" hay "núi Phật Tích, một chỗ ở ngoài trại bị nứt nẻ dài 30 trượng". Có thể coi những chuyện dị thường đó là mở đường dư luận cho việc thay đổi triều đại.

Tháng 10.1224, dưới áp lực của nhà Trần thì vua Lý Huệ Tông phải lập Lý Phật Kim làm thái tử và cũng chỉ một thời gian rất ngắn sau là truyền ngôi cho Phật Kim. Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục thì việc truyền ngôi là ngay trong tháng 10/1224 còn theo Đại Việt sử lược là đến tháng 6/1225 thì Lý Huệ Tông mới nhường ngôi cho con gái. Nhưng cả 2 cuốn sử trên và các cuốn chính sử khác đều ghi nhận Lý Chiêu Hoàng giữ ngôi không lâu mà đến cuối 1225 là nhường ngôi cho Trần Cảnh.

Tuy nhiên, việc Lý Huệ Tông nhường ngôi cho con gái út Phật Kim là chuyện khá nghịch lý. Thời điểm đó, Lý Huệ Tông không còn sự lựa chọn nào khác là phải thoái vị. Nếu có binh quyền trong tay thì Lý Huệ Tông không việc gì phải rời ngai vàng khi mới 30 tuổi, độ tuổi sung mãn nhất của đế vương thời xưa. Hơn nữa, theo quan điểm thời xưa thì nếu vua không có con trai nối dõi thì có thể nhường ngôi cho một hoàng tử khác trong hoàng thất. Chẳng hạn thời điểm 1117, khi Lý Nhân Tông 50 tuổi, không có hi vọng về huyết mạch duy trì, bèn viết chiếu ban ra trong hoàng tộc, nói rằng: Trẫm cai trị muôn dân mà lâu không có con nối, ngôi báu của thiên hạ biết truyền cho ai? Vậy nên trẫm nuôi con trai của các công hầu Sùng Hiền, Thành Khánh, Thành Quảng, Thành Chiêu, Thành Hưng, chọn người nào giỏi thì lập làm Thái tử. Bấy giờ con Sùng Hiền hầu là Lý Dương Hoán mới lên 2 tuổi mà thông minh lanh lợi, Nhân Tông rất yêu và bèn lập làm Hoàng thái tử.

Trong Đại Việt Sử ký Toàn thư, Ngô Sĩ Liên cũng bàn về việc Lý Huệ Tông truyền ngôi cho con gái để đến nỗi cơ nghiệp nhà Lý mất về tay nhà Trần như sau: Nếu không may mà không có con thì chọn con của người tông thất nuôi làm con mình để nối giữ nghiệp lớn, đó cũng là một cách xử trí trong lúc biến vậy. Lý Nhân Tông đã làm như thế rồi, Huệ Tông sao không xét việc cũ mà làm theo, lại để đến sau lúc tật bệnh mới lập con gái mà truyền ngôi cho, thế có phải lẽ không? Các quan bấy giờ không ai nghĩ gì đến xã tắc, để cho Phùng Tá Chu viện dẫn việc Lữ hậu và Vũ hậu làm cớ mà thành ra việc Chiêu Hoàng nhường ngôi cho họ Trần, ấy là người có tội với họ Lý.

Trên thực tế, Lý Huệ Tông khi ấy có bệnh nặng đến đâu thì không biết nhưng ông không có quyền lựa chọn hoàng tử nào khác mà phải lựa chọn một công chúa làm người nối ngôi theo ý chí của người họ Trần. (Nếu Huệ Tông có quyền chọn thì ông cứ chờ thêm vài năm nữa sinh được con trai rồi quyết định cũng chưa muộn). Công chúa được nối ngôi sẽ là người bắc cầu trung gian để truyền ngôi cho chồng người họ Trần. Lý Huệ Tông chỉ có quyền lựa chọn truyền ngôi cho ai trong số 2 con gái mà vua có với Trần Thị Dung

Theo lý mà nói, Lý Huệ Tông nên truyền ngôi cho trưởng công chúa Lý Oanh. Thời điểm Huệ Tông chọn thái tử, Lý Oanh (sinh 1216) khi ấy đã 8 tuổi, lớn hơn Lý Phật Kim 2 tuổi. Cũng thời điểm đó, Lý Oanh đã kết hôn với Trần Liễu và Liễu sau khi trở thành phò mã thì được ban tước Phụng Càn vương.

Theo kịch bản thời Trần Tự Khánh thì rất có thể trưởng công chúa nhà Lý sẽ kết hôn với Hiển Đạo vương Trần Hải (con trai của Trần Tự Khánh) để sau đó Trần Hải tiếp quản việc chuyển ngai vàng từ Lý sang Trần. Nhưng khi Trần Tự Khánh mất thì ông anh trai Trần Thừa lại "nắn dòng" khi lờ việc Trần Hải mà cho Trần Liễu (chỉ hơn trưởng công chúa Lý Oanh 5 tuổi) thế vào. Theo kịch bản này, thì Trần Liễu - con trưởng của Trần Thừa mới là người tiếp quản việc chuyển ngai vàng từ Lý sang Trần. Còn Trần Cảnh ban đầu không được cơ cấu vào việc ngồi ngai vàng vì ông chỉ là con thứ và tuổi còn rất nhỏ (kém Trần Liễu đến 7 tuổi).

Nhưng Lý Huệ Tông lại không muốn việc chuyển giao đó suôn sẻ như vậy nên truyền ngôi cho Lý Phật Kim. Nhà Trần không phản đối việc này mà còn hài lòng khi người lên ngôi là một cô bé mới còn nhỏ hơn trưởng công chúa Lý Oanh 2 tuổi. Sau khi Lý Phật Kim được truyền ngôi thì Trần Thừa đã điều chỉnh nước cờ bằng việc đưa Trần Cảnh vào cung làm chức Nội thị chính thủ vào tháng 10/1225. Đến tháng 12/1225 thì Nội thị chính thủ Trần Cảnh tự xưng Hoàng đế.

Sử chỉ chép đơn giản: "Một hôm, Chiêu Hoàng lại lấy cái khăn trầu ném cho Trần Cảnh. Trần Cảnh lạy, nhận lấy, rồi mách với Thủ Độ. Thủ Độ liền đem gia thuộc và họ hàng vào trong cung cấm, sai đóng các cửa thành lại. Trăm quan tiến triều không vào được. Thủ Độ nhân thế, loan báo cho mọi người: "Bệ hạ đã có chồng rồi!". Các quan đều vâng lời và xin chọn ngày vào hầu để làm lễ yết kiến. Ngày 21 tháng 12, bầy tôi tiến triều, lạy mừng. Nhà vua xuống chiếu, truyền ngôi cho Trần Cảnh".

Hai tháng để Trần Cảnh nhập cung rồi làm chồng của vua nữ Lý Chiêu Hoàng rồi được nhường ngôi diễn ra quá nhanh chóng. Nếu không phải đó là những bước được sắp xếp trước trong vở kịch nhường ngôi thì không thể thực hiện nhanh như vậy. Với Trần Thừa, Trần Thủ Độ thì mọi việc diễn ra đúng kế hoạch khi con cháu của họ lên ngôi êm xuôi theo con đường truyền ngôi có vỏ bọc rất chính thống.

Tuy nhiên, với Trần Liễu thì đây quả là một vố đau. Trần Liễu là con lớn của Trần Thừa, ban đầu đã được phong chức vương sớm, là phò mã sớm, và là phu quân của trưởng công chúa nên việc nối ngôi ở tuổi 15 tưởng như vật nằm trong túi. Thế nhưng, việc "nắn dòng" của Huệ Tông lại kiến Trần Liễu vồ hụt ngai vàng. Việc mất ngôi hụt vào tay em trai là điều khiến Trần Liễu phải ôm hận và sinh lòng bất mãn. Thêm sự kiện sau này bị mất Lý Oanh - người vợ đang mang bầu vào tay Trần Cảnh khiến Trần Liễu càng oán hận và cuối cùng là gây loạn ở sông Cái. Cũng may là binh lực của Trần Liễu không mạnh nên bị trấn áp kịp thời nên nhà Trần không rơi vào cảnh nồi da nấu thịt lâu dài.

Lý Huệ Tông có thể lường trước được cảnh bất ổn cho nhà Trần sau này khi bỏ con gái trưởng mà truyền ngôi cho con gái thứ dù điều đó gây ảnh hưởng đến hạnh phúc của các con gái ông. Tuy nhiên, đây cũng là cách tốt nhất mà Lý Huệ Tông có thể làm khiến nhà Trần lục đục và khi nhà Trần lục đục thì nhà Lý mới tranh thủ cơ hội phục lại đế vị. Trên thực tế, sau này 2 con gái của Huệ Tông (Lý Chiêu Hoàng và cả Thuận Thiên công chúa) đều không được hạnh phúc. Trần Cảnh phải bỏ Chiêu Hoàng để lấy Thuận Thiên bất chấp Thuận Thiên vừa là chị dâu, vừa là chị vợ. Anh em Trần Liễu - Trần Cảnh cũng rơi vào cảnh hiềm khích lẫn nhau đến hết đời. Tuy nhiên, nhà Trần không đến nỗi vì thế mà rơi vào cảnh loạn và nhà Lý cũng không có cơ hội tìm lại đế vị.