Tiền điện tử đã gây tranh cãi kể từ khi bắt đầu vào năm 2009, cũng như các loại tiền điện tử tiếp theo sau đó. Mặc dù bị chỉ trích rộng rãi vì tính dễ biến động, hay việc sử dụng nó trong các giao dịch bất chính và sử dụng giá điện cắt cổ để khai thác, nhưng tiền điện tử đang được một số quốc gia, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển coi đây là bến đỗ an toàn trong thời kỳ bão tố kinh tế.
Mới đây, Bộ trưởng dịch vụ tài chính Úc Jane Hume đã nói rằng, tiền điện tử không phải là mốt nhất thời, cho rằng chính phủ và ngành công nghiệp không nên lo sợ sự trỗi dậy của ngành tài chính phi tập trung. Hume phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Đánh giá Tài chính Úc vào hôm qua 22/11, cô cho biết tiền điện tử "sẽ không sớm biến mất" bất kể quan điểm tiêu cực của nhiều người về nó là như thế nào.
"Vì vậy, với tư cách là một ngành công nghiệp, và với tư cách là một chính phủ, chúng ta cần thừa nhận đây không phải là một mốt nhất thời. Chúng ta nên bước đi một cách thận trọng, nhưng không sợ hãi", cô nói khi so sánh tiền điện tử với những lần gián đoạn công nghệ trước đây liên quan đến iPhone. Bởi cô dẫn chứng ra rằng, từng có những người nghi ngờ iPhone sẽ không bao giờ "cất cánh", nhưng sự thật đã hoàn toàn ngược lại, thậm chí quá sức tưởng tượng của con người.
"Đừng là người nghĩ rằng iPhone sẽ không bao giờ phát triển, giờ thì hãy nhìn lại thực tế mà iPhone đã đạt được. Cũng đừng giống như những người vào năm 1995 đã nói rằng Internet chỉ là nơi dành cho những kẻ lập dị và tội phạm và sẽ không bao giờ trở thành xu hướng chính thống. Và đừng là người cho rằng email là một thứ lỗi mốt đang qua đi".
Nhận xét của cô ấy được đưa ra chỉ vài ngày sau khi người đứng đầu chính sách thanh toán của Ngân hàng Dự trữ Úc, Tony Richards nói với Hiệp hội Kho bạc Doanh nghiệp Úc rằng, ông có thể thấy các kịch bản hợp lý trong tương lai đối với tiền điện tử. Tony Richards cho biết giá trị của tiền điện tử đã tăng lên 2,6 nghìn tỷ đô la Mỹ có thể sụp đổ khi các ngân hàng trung ương quyết định quyền kiểm soát đối với hệ thống tiền tệ.
"Các hộ gia đình có thể bị ảnh hưởng bởi mốt nhất thời này, lo sợ bị bỏ lỡ và có thể bắt đầu chú ý hơn đến cảnh báo của các cơ quan quản lý chứng khoán và cơ quan bảo vệ người tiêu dùng ở nhiều quốc gia về rủi ro khi đầu tư vào thứ không có tổ chức phát hành rõ ràng, không có hậu thuẫn và rất không chắc chắn, cũng không được quản lý cụ thể", ông nói.
Các yếu tố khác mà Richards cho biết có thể là việc sử dụng nhiều năng lượng trong việc khai thác tiền điện tử, và các cơ quan thuế và cơ quan cảnh sát sẽ vất vả hơn khi mà nhiều tội phạm mạng đang dùng tiền điện tử ẩn danh để rửa tiền một cách phi pháp.
Bộ trưởng dịch vụ tài chính Úc Jane Hume cũng cảnh báo rằng, Australia không nên mạo hiểm mà bỏ tiền điện tử lại phía sau. Cô nói: "Tài chính phi tập trung được củng cố bởi công nghệ blockchain sẽ mang đến những cơ hội đáng kinh ngạc - Úc không nên bỏ tiền điện tử lại phía sau chỉ vì nỗi sợ hãi về những điều chưa biết rõ".
Hume cũng nói rằng tài sản kỹ thuật số đã "chiếm được trái tim và khối óc" của người Úc và sự đổi mới nên được chấp nhận bằng cách "khuyến khích trách nhiệm cá nhân thông qua sự tham gia và sự đồng ý có hiểu biết".
Jane Hume còn nhận định, nếu các ngân hàng trung ương chuyển sang phát hành các loại tiền tệ được phân phối dưới dạng stablecoin, thì ngân hàng trung ương sẽ cung cấp các giao dịch nhanh hơn, an toàn hơn và hiệu quả hơn, điều này có thể thay đổi cách mọi người nhìn nhận về tiền điện tử.
Cô còn tuyên bố, vào đầu tháng này, Ngân hàng Commonwealth đã thông báo rằng họ sẽ cho phép khách hàng mua và bán tối đa 10 tài sản tiền điện tử thông qua ứng dụng ngân hàng của mình, trong một cuộc thử nghiệm sẽ ra mắt rộng rãi vào năm 2022. Một báo cáo của Thượng viện về công nghệ tài chính ước tính rằng, hiện có khoảng 17% người Úc đang nắm giữ tài sản tiền điện tử.
Joe Longo- Chủ tịch Ủy ban Đầu tư và Chứng khoán Úc (ASIC) đã có quan điểm tương tự tại hội nghị. Joe Longo nói rằng, người tiêu dùng nên tiếp cận đầu tư vào tài sản tiền điện tử một cách "hết sức thận trọng". Longo nói: "Hãy nhớ kỹ châm ngôn: Đừng bỏ tất cả trứng vào một cái giỏ". Khi đưa ra cảnh báo này, Longo thừa nhận rằng nền kinh tế Úc đã từ từ hướng tới việc sử dụng nhiều tiền điện tử hơn, do sự gia tăng lãi suất tiền điện tử từ đại dịch kích hoạt và mức lãi suất ưu đãi của Úc.
Chủ tịch ASIC cho biết: "Cuộc tranh luận này không còn nằm ngoài rìa của ngành dịch vụ tài chính nữa".
"ASIC không cố gắng loại bỏ rủi ro. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên bỏ qua nó. ASIC sẽ luôn thực thi luật theo quy định của pháp luật, sử dụng nhiều phương tiện tài chính có sẵn cho chúng ta. Chúng ta cần cẩn thận để các luật đó bắt kịp với sự thay đổi, tương xứng với những kỳ vọng và yêu cầu thực tế của cộng đồng".