Thưa MC Trịnh Lê Anh, cảm xúc của anh thế nào khi được chọn dẫn dắt chương trình nghệ thuật "Niềm tin và khát vọng" - chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc?
- Tôi từng đóng vai trò dẫn chương trình cho nhiều sự kiện lớn. Tuy nhiên, việc được lựa chọn dẫn dắt chương trình nghệ thuật "Niềm tin và khát vọng" lần này vẫn mang tới cho tôi những cảm xúc đặc biệt. Đó là niềm vinh dự, tự hào, xúc động của một người gắn bó nhiều năm với lĩnh vực văn hóa.
Ngược dòng lịch sử, Hội nghị Văn hóa toàn quốc đầu tiên của đất nước ta đã được tổ chức vào năm 1946, ngay khi nước nhà giành được độc lập. Đây là sự kiện do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng và phát động. Từ sự kiện đầu tiên đó, chúng ta đã tiếp tục kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống, thực hiện công tác tuyên truyền, định hướng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Với thế và lực mới, ngày 24/11 sắp tới, Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ diễn ra sau một thời gian dài. Đây là một sự kiện vĩ đại của ngành văn hóa, đồng thời khẳng định vị thế và sự quan tâm của Đảng với ngành. Từ những ý nghĩa to lớn đó, các hoạt động chào mừng Hội nghị mang lại cảm xúc tự hào, niềm tin và hy vọng cho những người đang hoạt động và làm việc trong lĩnh vực này. Qua đó, chúng ta có thêm niềm tin vào công tác lãnh đạo của Đảng, Nhà nước với nền văn hóa nước nhà trong thời gian tới.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra trong bối cảnh đất nước đang trải qua năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, theo anh, Hội nghị có ý nghĩa như thế nào trong công cuộc đổi mới hiện nay?
- Việc tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc trong thời điểm này mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Hội nghị Văn hóa quy mô toàn quốc về văn hóa, văn học, nghệ thuật không chỉ tổng kết, đánh giá thành tựu thời Đổi mới thời kỳ đã qua mà đặt trọng tâm vào những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước hôm nay. Dư luận xã hội sẽ trông vào đây để nhận diện những tín hiệu mới, nhận thức mới, bước khởi đầu cho một chặng đường mới về văn hóa.
Đại dịch Covid-19 đã đặt ra thách thức cho toàn nhân loại trong việc vừa đảm bảo công tác an toàn phòng chống dịch bệnh, vừa khôi phục và phát triển kinh tế. Cũng bởi vậy, các hoạt động về văn hóa có phần trầm lắng hơn so với thời điểm trước đại dịch. Trước những khó khăn chung ấy, việc tổ chức một Hội nghị có quy mô lớn về văn hóa chính là lời khẳng định tầm quan trọng của ngành văn hóa trong sự phát triển của đất nước. Điều này cũng khẳng định rằng, bên cạnh vấn đề khôi phục kinh tế, việc phục hồi, phát huy đời sống tinh thần của người dân cũng được Đảng và Nhà nước vô cùng coi trọng.
Sự biến đổi không ngừng của thời đại cũng đặt ra câu hỏi: Văn hóa của người Việt cần thay đổi và thích ứng như thế nào. Đây chính là câu hỏi lớn chúng ta cần giải đáp. Những giá trị văn hóa nào đang còn lại, giá trị nào đã mất đi và giá trị nào đang nảy sinh, những lệch lạc về văn hóa cần xóa bỏ là điều chúng ta rất cần bàn tới ở thời điểm này.
Anh cũng từng khẳng định, văn hóa chính là một nguồn động lực để phát triển xã hội?
- Đúng vậy! Văn hóa cũng là một nguồn nguyên liệu có thể đưa vào sản xuất, phát triển kinh doanh. Những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa hoàn toàn có thể sử dụng và khai thác văn hóa để đem lại những giá trị về kinh tế, như nhiều quốc gia khác trên thế giới đã làm thành công trong thời gian qua. Những nước này không chỉ phát triển văn hóa để nuôi dưỡng tinh thần cho người dân, mà còn tạo thành nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội. Họ giàu lên được nhờ văn hóa.
Tôi cho rằng, đây là thời điểm chín muồi để chúng ta có thể bàn tới việc phát triển kinh tế văn hóa, đưa văn hóa thành một ngành công nghiệp. Chúng ta hoàn toàn có thể bàn kỹ rằng nguồn lực nào sẽ được thiết kế, tạo thành sản phẩm để mua bán, trao đổi, nguồn lực nào chỉ để giữ gìn, bảo vệ.
Tôi tin rằng, nguồn lực văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc sẽ giúp người Việt làm giàu trong giai đoạn hậu Covid-19.
Là Tiến sĩ chuyên ngành Văn hóa - Du lịch và hiện đang là Phó Chủ nhiệm khoa Du lịch học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, anh có nhiều cơ hội tiếp xúc với thế hệ trẻ, những người sẽ sớm thành "chủ nhân" của đất nước. Trước thềm Hội nghị Văn hóa toàn quốc, có điều gì khiến anh trăn trở trong việc xây dựng văn hóa, thẩm mỹ của giới trẻ?
- Một trong những mối quan tâm sâu sắc của tôi chính là việc định vị về văn hóa Việt ở trong các bạn trẻ, đặc biệt là thế hệ gen Z (những người trẻ sinh năm 1996). Có thể dễ dàng nhận họ thích ứng với thế giới vô cùng mạnh mẽ, đặc biệt trên một đất nước cởi mở với internet, truyền thông mạng như tại Việt Nam. Sự tiếp cận quá dễ dàng, tự nhiên khiến nhiều bạn trẻ đang có tâm lý tự tin rằng mình hiểu thấu toàn cầu.
Tuy nhiên, trong quá trình hiểu thấu toàn cầu đó, các bạn ấy phải hiểu rõ chính mình, chính đất nước của mình trước đã. Tham gia công tác giảng dạy trong hơn 20 năm qua, tôi luôn nhận thấy một lỗ hổng lớn về điều này. Khi được đưa ra câu hỏi: "Bản sắc Văn hóa Việt Nam là gì", câu trả lời của họ thường rất chung chung, mơ hồ.
Dễ hiểu rằng những người trẻ thường ưa thực tế, thích tận hưởng những thứ hấp dẫn trước mắt, tuy nhiên họ chưa mạnh dạn dấn thân và đam mê trong việc kiếm tìm những trải nghiệm về văn hóa Việt. Để trả lời câu hỏi khó tôi nói ở trên, các bạn trẻ phải là người tự đi kiếm tìm câu trả lời. Sự từ chối cùng những bước đi rón rén trong việc tiếp cận văn hóa truyền thống là lý do khiến nhiều bạn trẻ không có hiểu biết về bản sắc dân tộc.
Việc tiếp cận văn hóa truyền thống đương nhiên khó khăn hơn nhiều so với việc tiếp cận với văn hóa ngoại lai. Cũng bởi vậy, họ thường có xu hướng "dễ làm khó bỏ", trong khi cái khó lại chính là văn hóa thuộc về chúng ta, cái dễ lại là thứ tồn tại ở bên ngoài. Trước thềm Hội nghị Văn hóa toàn quốc, tôi rất mong nỗi trăn trở này sẽ được nhắc tới.
- Cảm ơn những chia sẻ của anh!