Sợ mưa hơn sợ cọp
Nghe tiếng Yên Lỗ (huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn) "xa, khó, vất vả" đã lâu nhưng chỉ khi đến được cái xã tít tắp giữa rừng này, tôi mới hiểu, từ "vất vả" có lẽ chưa đúng với những con đường vào Yên Lỗ. Phải dùng từ "cơ cực"! Vậy mà, những thầy cô giáo ở đây vẫn ngày ngày vượt núi, băng sông để vào với học trò với niềm mong mỏi duy nhất: Con em Yên Lỗ không bị đói cái chữ.
Không biết bao nhiêu đời nay, người dân ở 9 thôn bản tại xã Yên Lỗ, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn vẫn chịu cảnh cô độc giữa rừng xanh núi thẳm. Chính vì sự biệt lập và độc đạo của con đường vào Yên Lỗ mà người ta gọi nơi này là "ốc đảo giữa trời". Yên Lỗ cũng là xã xa xôi nhất của huyện Bình Gia.
"Đời tôi kể từ ngày làm cán bộ xã tới giờ đã đi hỏng mất 4 cái xe máy rồi. Có mua xe máy tốt nhất thì cũng không trụ được quá 5 năm vì đường đi xấu, leo dốc 1 thời gian là hỏng hết các bộ phận".
Anh Triệu Văn Trình - Bí thư Đảng ủy xã Yên Lỗ
Cả tỉnh Lạng Sơn này, hình như Yên Lỗ là xã duy nhất toàn bộ đường giao thông đều có nền đất. Mặc dù có dự định vào Yên Lỗ tìm hiểu viết bài từ tháng 9 nhân dịp năm học mới, nhưng do mưa nhiều quá nên chuyến công tác của tôi buộc phải dời lại đến tháng 11.
Khi nói dự định của mình vào Trường THCS xã Yên Lỗ để tìm hiểu về đời sống của giáo viên, Phó Chủ tịch huyện Bình Gia - anh Hoàng Văn Chung rất thân tình đưa ra lời khuyên với tôi: "Nhà báo cứ cân nhắc kỹ, thời tiết mưa gió mùa đông bắc này thì đường vào Yên Lỗ không đơn giản đâu!".
Anh Chung đã có kinh nghiệm "cắm chốt" ở Yên Lỗ 3 tháng trời nên hiểu sức "giữ người" của những cơn mưa nơi đây. Anh cũng chia sẻ thêm: "Cái địa danh Yên Lỗ này đã làm cho huyện phải chia tay nhiều giáo viên và cán bộ lắm rồi! Khó khăn quá, một số người nản mà bỏ về. Vậy nên, huyện Bình Gia chọn cán bộ hay giáo viên để vào công tác ở Yên Lỗ đều là những người bền gan, vững trí.
Trước khi quyết định tiến vào Yên Lỗ, tôi đã phải hỏi thăm rất nhiều "thổ địa" quanh vùng. Từ Quốc lộ 279 hướng Bình Gia đi Na Rì (Bắc Kạn) mới bò khoảng 3km, tôi gặp 1 người phóng xe máy đi ngược chiều. Dừng lại hỏi thăm thì biết anh bạn trẻ này tên là Minh phóng xe xuống Bắc Ninh làm công nhân.
Biết tôi lần đầu vào xã này, Minh nói: "Anh vào quê em cẩn thận đấy, trời đang mưa căng lắm! Em vừa bị ngã xe xong, may đường đất nên không đau mấy. Trời mưa thế này, nếu là dân ở đây không ai dại gì tìm đường vào Yên Lỗ đâu. Dân ở đây sợ mưa hơn cả sợ cọp! Dân Yên Lỗ khó lấy vợ, lấy chồng đôi khi chỉ vì đường đi "kinh hoàng" quá!".
Qua tìm hiểu, tôi mới biết được Yên Lỗ có 9 thôn bản. Trước kia chỉ có đường mòn chuột chạy vắt từ đồi này sang đồi khác. Đến năm 1996, Nhà nước dùng máy xúc, máy ủi san núi để làm đường ôtô tải 3 cầu có thể đi được. Nhưng hơn hai mươi năm qua đó vẫn là con đường đất hoàn toàn.
"Đặc sản" đo đường và lộn sông
Phải nói rằng tôi đã rất may mắn khi một mình bò được vào đến trung tâm xã Yên Lỗ mà không phải gọi sự trợ giúp nào. Vào đến nơi thì mới biết, xã Yên Lỗ không chỉ có 16km đường đi kinh hoàng, mà còn có con sông Bằng Giang ngăn 3 thôn và 1 đường tắt để đi ra được thị trấn Bình Gia. Nhiều thầy cô giáo, cán bộ công an xã... đi tắt để tiết kiệm thời gian.
Thầy giáo Hoàng Văn Linh - Hiệu Phó Trường THCS Yên Lỗ kể: "Trường có 22 cán bộ, giáo viên thì ai cũng đã ngã trên đường vài lần rồi. Việc ngã ở đây như cơm bữa. Thầy cô nào cũng có một bảng thành tích ngã đường đến n lần và chưa biết được lần ngã tiếp theo của mình là khi nào? Mà trời đất ở Yên Lỗ rất tài trêu ngươi. Như năm 2013, mưa liên tục 4 tháng trời. Còn chuyện mưa nguyên tuần thì năm nào cũng có. Nhiều cô giáo vào dậy mà nhìn trời mưa là khóc, rồi khóc nguyên đêm vì con còn nhỏ ở nhà đang khát sữa mà mẹ thì không về được".
Do trường không có nước nóng để tắm, nên các thầy giáo đã giới thiệu tôi xuống trụ sở công an xã ở Yên Lỗ để tắm nhờ. Ở đó, có thượng úy Lạc và trung úy Lập là công an chính quy từ huyện được tăng cường vào Yên Lỗ.
Trung úy Lập chia sẻ: "Vừa mùa mưa năm ngoái thôi, do có việc chiều tối em phải về thị trấn mà nước sông Bằng Giang to cầu tre không hoạt động được, em phải đưa xe lên bè rồi đu dây cáp để sang sông. Ra đến giữa sông thì cả người và xe lộn xuống sông. Người thì bơi lên, còn xe phải chạy đi gọi người lên vớt. May là người bị uống nước, bị hỏng điện thoại mất nguyên tháng lương mới mua lại được".
Bí thư Đảng ủy xã Yên Lỗ là anh Triệu Văn Trình, sinh năm 1978, nhà ở bản Khuổi Sắp bên kia sông cách trụ sở xã 6km. Anh Trình có con trai học lớp 9 nên hôm nào cũng 2 cha con cùng đi 1 xe đi làm, đi học. Bố con anh cũng mới bị lộn xuống sông cách đây 4 tháng. Anh Trình kể mình đã 2 lần bị rơi xuống sông. Bây giờ cứ thấy nước sông dâng lên cao, là 2 bố con anh nghỉ lại phòng làm việc ở ngoài trụ sở xã, chứ không dám về nữa.
Đúng là chỉ vì đường sá xấu đến thậm tệ, mà cứ nhắc đến Yên Lỗ là nhiều người ở Bình Gia hoảng hồn lắm! Đó cũng là lý do khiến đmột xã với 3.100 người dân ở đây thành một ốc đảo giữa giời...