Ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, cửa hàng tạp hóa của bà Trương Thị Thạch (ở tổ 1, xóm 11, phường Thạch Bàn, quận Long Biên) phải đóng của 3 tháng để phòng dịch. Trong thời gian dài không có thu nhập, gia đình bà đã phải sử dụng nguồn vốn ít ỏi của cửa hàng để chi tiêu. Đến khi được phép mở cửa kinh doanh trở lại, bà Thạch không còn vốn để nhập hàng. May mắn, bà được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi do Ngân hàng CSXH Hà Nội. "Sau khi xét duyệt hồ sơ, gia đình tôi được vay 50 triệu đồng làm vốn tái sản xuất kinh doanh" - bà Thạch bộc bạch.
Cũng nhận được nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH Hà Nội, anh Lê Văn Bằng (ở thôn Xuân Kỳ, xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn) phấn khởi cho biết: Gia đình anh kinh doanh cửa nhôm kính và nghề mộc. Khi TP.Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, gia đình anh chấp hành tạm dừng hết hoạt động. Cả 4 công nhân xưởng mộc của gia đình anh cũng nghỉ việc ở nhà. Được Ngân hàng CSXH cho vay vốn đã giúp gia đình anh giải quyết khó khăn ban đầu, đầu tư mở rộng sản xuất, mua thêm nguyên vật liệu.
"Thủ tục vay vốn rất đơn giản và nhanh chóng nên hỗ trợ kịp thời gia đình trong những ngày đầu sản xuất trở lại. Hiện tình hình sản xuất của xưởng mộc đã khởi sắc hơn, nên gia đình tôi cải thiện được nguồn thu nhập và tạo việc làm cho 4 lao động địa phương" - anh Bằng cho hay.
Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng CSXH TP.Hà Nội, trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng nguồn vốn hoạt động tại chi nhánh đạt 11.220 tỷ đồng, tăng 1.016 tỷ đồng so với năm 2020. Trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác của ngân sách thành phố đạt 4.686 tỷ đồng.
Trước tình hình dịch Covid-19, để tháo gỡ khó khăn cho các hộ vay, người lao động có nợ đến hạn trong thời gian giãn cách xã hội hoặc các phiên giao dịch phải dừng giao dịch, chi nhánh đã thực hiện gia hạn nợ tự động cho các món vay này. Tổng số món vay gia hạn nợ do dừng giao dịch đến 30/9/2021 còn dư nợ là 3.034 món vay, số tiền 114 tỷ đồng.
Cùng với đó, Ngân hàng CSXH TP.Hà Nội đã khẩn trương giải ngân cho vay để người dân, người lao động vay vốn. Doanh số cho vay 9 tháng đầu năm đạt 3.488 tỷ đồng với trên 86.000 khách hàng. Tổng dư nợ 16 chương trình tín dụng chính sách đạt 11.156 tỷ đồng với gần 312.000 khách hàng đang vay vốn, tăng 989 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng đạt 9,7%.
Phó Giám đốc chi nhánh Ngân hàng CSXH TP.Hà Nội Phạm Văn Quyết cho biết: Dịch Covid-19 tác động và gây ảnh hưởng rất lớn đối với hoạt động kinh doanh, dịch vụ, sản xuất, tiêu dùng, đặc biệt các hộ nghèo, đối tượng chính sách cũng như hộ sản xuất quy mô nhỏ. Khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, người dân bắt đầu có thể quay lại để tổ chức sản xuất kinh doanh thì vấn đề đầu tiên và cũng là khó khăn lớn nhất họ gặp phải chính là vốn.
Để hỗ trợ người dân giải quyết khó khăn này, Ngân hàng CSXH TP.Hà Nội đã phối hợp các sở, ngành tổ chức khảo sát về nhu cầu vay vốn, tình hình thiệt hại của cá hộ sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Từ đó, tham mưu UBND TP.Hà Nội bố trí nguồn vốn ủy thác khoảng 500 tỷ đồng chuyển sang Ngân hàng CSXH để cho các hộ dân vay. Tính đến 11/11/2021, Ngân hàng CSXH TP.Hà Nội đã giải ngân được 100% nguồn vốn, cho 10.338 lao động trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã.
Ông Phạm Văn Quyết chia sẻ thêm, trong thời gian tới, Ngân hàng CSXH Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan trình thành phố bổ sung thêm nguồn vốn năm 2022 số tiền là 900 tỷ đồng, bao gồm 400 tỷ đồng để cho vay thực hiện Chương trình số 04 của Thành ủy Hà Nội về đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân và 500 tỷ đồng cho vay thực hiện Chương trình số 08 của Thành ủy Hà Nội về phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025 để cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố.