Dân Việt

Không được động tới ngân khố, Càn Long lấy 10 triệu lượng bạc ở đâu để mừng thọ?

PV 24/11/2021 10:31 GMT+7
Dù có quy định không được dùng tiền trong ngân khố quốc gia nhưng Càn Long vẫn còn vô số cách để lấp đầy hầu bao của mình.

BỎ 10 TRIỆU LƯỢNG BẠC TIỀN TÚI RA TỔ CHỨC MỪNG THỌ

Càn Long được biết đến là vị hoàng đế xa hoa nhất của Thanh Triều. Sử sách từng chép lại rằng, vào một lần sinh nhật của Thái hậu, Càn Long đã tỏ lòng hiếu thảo với bà bằng cách hạ lệnh cứ mười bước chân đặt 1 sân khấu biểu diễn nhạc kịch từ cổng Tây Hoa tới tận bên ngoài cầu Cao Lương ở cổng Tây Trực.

Thời điểm đó, kinh thành rực rỡ cờ hoa, thắp sáng cả đêm, tiếng nhạc và những giai điệu Nam Bắc vang lên khắp nơi. Có lữ khách đi lạc vào nơi này còn thốt lên rằng chẳng khác nào ở đảo tiên Bồng Lai, từ đó có thể thấy công sức và chi phí bỏ vào sự kiện này hẳn không ít.

Không được động tới ngân khố quốc gia, Càn Long lấy tiền đâu tổ chức lễ mừng thọ "khủng"? - Ảnh 1.

Càn Long nổi tiếng là vị hoàng đế rất chịu chi cho các sự kiện của mình. (Ảnh: Sohu)

Còn trong lần Càn Long tuần du xuống phía Nam, ông đã huy động tới 1.000 cái thuyền to, ngựa tới 6.000 con, lạc đà 600 con, phu dịch tính tới nghìn người. Dọc đường đi, hoàng đế còn hạ lệnh xây dựng tới 36 hành cung, cách một đoạn ngắn lại có một nhà để nghỉ ngơi. Những nơi mà Càn Long đi qua đều phải trải thảm, che nắng.

Riêng 2 lần tổ chức mừng thọ 60 và 80 tuổi của mình, Càn Long đã cho mời tất cả các quan lại trong nước và cả sứ thần nước ngoài. Bữa yến tiệc mừng thọ lên tới gần 6.000 người tham dự. Chi phí tổ chức cho 2 lần này ước tính lên tới 10 triệu lượng bạc.

Trên thực tế các hoàng đế Trung Quốc không được sử dụng tiền trong ngân khố quốc gia. Đây là quy định tách biệt tài chính triều đình và quốc gia đã được hình thành từ thời nhà Tần, nhà Hán và kéo dài tới tận nhà Thanh. Nếu hoàng đế muốn ban thưởng hay tổ chức sự kiện gì thì ngài ấy phải tự chi trả từ tiền riêng của mình.

Vậy một vị hoàng đế có thói quen chi tiêu xa xỉ như Càn Long thì lấy tiền ở đâu? Từ các cuốn tư liệu lịch sử như "Thanh Sử Cảo", "10 gương mặt của hoàng đế Càn Long" và "Hầu bao của hoàng đế Càn Long", các chuyên gia sử học đã tổng hợp lại các nguồn thu nhập của ông như sau:

NHẬN CỐNG PHẨM TỪ QUAN LẠI VÀ QUÝ TỘC

Văn hóa dâng và nhận cống phẩm vốn có từ đời các vị hoàng đế trước đó nhưng tới thời của Càn Long nó đã mở rộng hơn nhiều. Ở thời của ông, những người đủ tiêu chuẩn cống nạp không chỉ có vương tôn quý tộc mà các quan lại ở địa phương cũng có thể gửi quà tặng tới hoàng đế thông qua các vị có chức tước lớn hơn.

Không được động tới ngân khố quốc gia, Càn Long lấy tiền đâu tổ chức lễ mừng thọ "khủng"? - Ảnh 2.

Bất cứ dịp nào, các quan chức hay vương tôn quý tộc đều tranh thủ cống nạp vô số đồ thượng phẩm. (Ảnh: Sohu)

Trước Càn Long, các quan chức thường chỉ cống nạp vào ngày Tết, ngày sinh thần của hoàng đế và ngày đông chí. Nhưng tới thời Càn Long trị vì, vào các dịp như Trung thu, ngày Tết Đoan Ngọ, ngày rằm tháng Giêng, hoàng đế tổ chức đi săn, duyệt binh, được ban chức tước… đều là cơ hội để họ dâng cống phẩm.

THU LỜI TỪ ĐẦU TƯ KINH DOANH

Nguồn thu nhập của Càn Long khá đa dạng, ít ai biết được rằng, ông còn là một nhà kinh doanh có "số má" trên thị trường lúc bấy giờ. Tất nhiên, việc kinh doanh của Càn Long sẽ do một đơn vị chuyên trách đảm nhận và đó là Nội vụ phủ.

Các quan lại của Nội vụ phủ sẽ quản lý gần 1 triệu mẫu đất trong các điền trang của hoàng đế. Một mặt cung cấp thực phẩm như rau, thịt, trái cây… cho triều đình, mặt khác đem cho các địa chủ thuê lại những diện tích thừa để trồng trọt.

Để tăng thêm thu nhập cho mình, Càn Long còn lệnh cho Nội vụ phủ tham gia vào các hoạt động giao thương qua biên giới. Đơn cử như cho người đến biên giới của Trung Hoa và nước Nga để mua đồ da do người dân nước này sản xuất về bán lại ở kinh thành.

Không được động tới ngân khố quốc gia, Càn Long lấy tiền đâu tổ chức lễ mừng thọ "khủng"? - Ảnh 3.

Càn Long có rất nhiều cách để thu lời từ việc đầu tư kinh doanh. (Ảnh: Sohu)

Ngoài ra, người của Nội vụ phủ còn nhận lệnh tham gia đầu tư vào các thương vụ kinh doanh đồng, muối và sắt từ các lái buôn dưới hình thức cho vay và thu lãi suất. Thậm chí, họ còn được độc quyền đối với một số mặt hàng có lợi nhuận cao như nhân sâm. Đồng thời, Càn Long còn trao quyền mua bán nhân sâm cho một số lái buôn ở khu vực phía Nam để mở rộng thị trường kinh doanh. Chỉ riêng việc bán nhân sâm, Nội vụ phủ đã mang về cho Càn Long tới gần 13 triệu lạng bạc tiền lời.

ÁP DỤNG CHÍNH SÁCH "NGHỊ TỘI NGÂN"

Theo quy định của triều đình phong kiến xưa, các quan chức khi phạm lỗi thường bị phạt bằng cách trừ lương bổng. Tới thời Càn Long, biện pháp trừng phạt này đã chuyển thành chính sách "Nghị tội ngân" (lấy bạc để chuộc tội). Cụ thể, Lại Bộ chịu trách nhiệm phán xét người sai phạm bị phạt bao nhiêu tiền và tiền đó sẽ được nộp vào kim khố của hoàng đế.

Bề ngoài thì "Nghị tội ngân" là phương pháp trừng phạt nhưng sâu bên trong nó thực sự chỉ là một hình thức để các quan lại lấy lòng hoàng đế mà thôi. Một số người dù còn cố tình mắc các lỗi nhỏ như xử lý vụ án chậm, sai lỗi chính tả nhưng lại nộp phạt bằng rất nhiều tiền.

Không được động tới ngân khố quốc gia, Càn Long lấy tiền đâu tổ chức lễ mừng thọ "khủng"? - Ảnh 4.

Nghị tội ngân ngoài cách để trừng phạt quan lại còn là phương pháp để họ lấy lòng hoàng đế. (Ảnh: Sohu)

Chẳng hạn như tuần phủ của Hà Nam (Trung Quốc) là Hà Dụ Thành đã từng mượn cớ tự luận tội mình với Càn Long rằng có lần ông ta đã vô tình đặt bát hương lên tấu chương dâng lên hoàng đế, ông cho rằng đó là "bất kính" với nhà vua xin tự dâng 30 vạn lượng bạc chịu phạt. Một trường hợp khác là tổng đốc của 2 tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây là Ba Diên Tam đã tình nguyện nộp 80.000 lượng bạc mong hoàng đế tha thứ với lý do tắc trách để người dân tự tử trong địa phận mình quản lý.

Qua những dẫn chứng trên có thể thấy nguồn thu nhập của hoàng đế Càn Long rất đa dạng, chúng không chỉ tới từ việc cống nạp, nộp phạt mà còn tới từ tài kinh doanh của ông.