Dân Việt

Cụ bà 91 tuổi bình phục sau 3 ngày phẫu thuật điều trị ung thư dạ dày

Diệu Linh 25/11/2021 06:06 GMT+7
Bệnh viện K Trung ương cho biết, bệnh viện vừa phẫu thuật thành công điều trị ung thư dạ dày cho một bệnh nhân đặc biệt đã 91 tuổi.

Đó là ca phẫu thuật điều trị ung thư dạ dày cho cụ bà Lại Thị T (91 tuổi, quê tại xã Liêm Chung, Phủ Lý, Hà Nam).

Đau tức bụng hóa ra bị ung thư dạ dày

Cụ T chia sẻ, hơn 1 tháng trước, cụ cảm thấy tức bụng, khó chịu vùng bụng mức độ ngày càng đau nên đi khám, với kết quả siêu âm khối u lớn ở dạ dày và nghi ung thư dạ dày. Gia đình đã đưa cụ lên Bệnh viện K Trung ương điều trị vào đầu tháng 11/2021. 

“Cụ T nhập viện chỉ với triệu chứng đau tức vùng thượng vị, không kèm nôn máu, đi ngoài phân đen, đây là dấu hiệu dễ gây lầm tưởng với các bệnh lý hay gặp khác ở đường tiêu hóa. Rất may, cụ T. được đi khám phát hiện bệnh chưa ở giai đoạn quá muộn. 

Cụ bà 91 tuổi bình phục sau 3 ngày phẫu thuật điều trị ung thư dạ dày - Ảnh 1.

Sau phẫu thuật điều trị ung thư dạ dày, cụ T đang được chăm sóc tại Bệnh viện K Trung ương. Ảnh BVCC

Kết quả nội soi cho thấy có tổn thương sùi loét ở vùng hang vị dạ dày, kích thước lớn khoảng 40mm, khối u vẫn còn khu trú, kết quả sinh thiết là ung thư dạ dày, chẩn đoán K dạ dày giai đoạn 2A cT3N0M0. 

Chúng tôi đã tiến hành hội chẩn để đưa ra phương án điều trị tối ưu nhất cho cụ T, làm sao để có thể điều trị tốt nhất đảm bảo về ung thư học, nhưng cũng phải an toàn nhất, trên nền bệnh nhân cao tuổi”, bác sĩ Hà Hải Nam, Phó Trưởng khoa Ngoại bụng I (Bệnh viện K Trung ương) chia sẻ.

Ca phẫu thuật điều trị ung thư dạ dày nhiều thách thức

TS Phạm Văn Bình, Trưởng khoa Ngoại bụng I, Phó Giám đốc Bệnh viện K Trung ương nhận định, đây là ca phẫu thuật rất đặc biệt, bởi có nhiều vấn đề đặt ra thách thức cho ekip phẫu thuật. 

Thứ nhất, bệnh nhân T. tuổi đã cao trên 90; Thứ hai, cụ T. có tiền sử tăng huyết áp lâu năm nhưng điều trị ngắt quãng; 

Thứ ba, chỉ số mỡ máu ở bệnh nhân cao gấp đôi so với ngưỡng thông thường do đó có thể làm tăng nguy cơ tắc mạch, nhồi máu, đặc biệt là tắc mạch vành,mạch phổi; 

Thứ tư, bệnh nhân còn có rối loạn dẫn truyền từ tâm nhĩ đến tâm thất và thứ năm là kết quả phim chụp CT có xẹp nhỏ thùy dưới phổi trái kèm theo cong vẹo cột sống ngực. 

"5 yếu tố này khiến ekip phẫu thuật và ekip gây mê cần có sự chuẩn bị, lên phương án kỹ càng, cẩn trọng bởi bệnh nhân không thể gây mê, phẫu thuật trong thời gian quá lâu, nhưng đã phẫu thuật là phải quyết tâm loại bỏ hoàn toàn tổn thương, đảm bảo hiệu quả điều trị và nâng cao chất lượng sống cho cụ T”, TS Bình chia sẻ. 

Cụ bà 91 tuổi bình phục sau 3 ngày phẫu thuật điều trị ung thư dạ dày - Ảnh 2.

Sau phẫu thuật điều trị ung thư dạ dày, chỉ sau 3 ngày cụ T đã bình phục. Ảnh BVCC

Ngày 16/11, cụ T được phẫu thuật cắt một phần dạ dày loại bỏ hoàn toàn tổn thương kèm nạo vét gần 20 hạch lớn nhỏ trong khoảng thời gian rất ngắn 1 tiếng 15 phút. Dù ca mổ diễn ra căng thẳng nhưng kết quả rất tốt đẹp. 

Sau ca phẫu thuật, cụ T.được theo dõi chặt chẽ và hồi phục rất nhanh, ăn uống tốt trở lại chỉ sau 3 ngày. Đến nay, sau 7 ngày phẫu thuật, cụ T sinh hoạt bình thường trở lại và chuẩn bị ra viện. 

"Mẹ bị ung thư dạ dày khi đã 91 nhưng chúng tôi không từ bỏ"

Đó là tâm sự của con gái cụ T. Chị chia sẻ, ngay khi nhận kết quả chẩn đoán ung thư dạ dày, chị và anh em trong gia đình đã bàn bạc. Dù mẹ đã cao tuổi, nhiều người cũng khuyên là mẹ không đủ sức khỏe để chịu đựng qua mổ xẻ. Nhưng sau khi tư vấn bác sĩ, gia đình chị vẫn muốn điều trị cho mẹ tới cùng. 

"Rất mừng là ca phẫu thuật thành công, sức khỏe mẹ tôi rất tốt, tinh thần phấn khởi. 3 ngày là cụ đã ăn uống đi lại rồi, gia đình tôi rất mừng. Trước đó có người mách tôi nên đi tìm ông lang để điều trị cho mẹ nhưng tôi đã không nghe mà quyết theo phác đồ điều trị của bệnh viện. Giờ nghĩ lại thật may",  con gái cụ T tâm sự. 

Cụ bà 91 tuổi bình phục sau 3 ngày phẫu thuật điều trị ung thư dạ dày - Ảnh 3.

Vẻ ngoài tươi tỉnh của cụ T sau 7 ngày phẫu thuật điều trị ung thư dạ dày. Ảnh BVCC

Theo TS Bình, thời gian qua, Bệnh viện K Trung ương đã phẫu thuật điều trị ung thư cho nhiều người cao tuổi. Các cuộc phẫu thuật đều diễn ra thuận lợi, bệnh nhân hồi phục nhanh sau khi mổ và có sức khỏe để theo theo các lộ trình điều trị ung thư tiếp theo. 

Tuy nhiên cũng có không ít người cao tuổi hoặc gia đình của người cao tuổi bị ung thư thì thường e ngại, sợ phẫu thuật, thậm chí có tâm lý cam chịu, buông xuôi, không điều trị. 

 “Tuổi chỉ là 1 vấn đề cân nhắc khi điều trị ung thư, không phải là rào cản không vượt qua được. Do đó bệnh nhân không nên vội từ bỏ. Với kỹ thuật điều trị ung thư hiện nay, nếu phát hiện bệnh sớm thì dù là người cao tuổi vẫn có thể điều trị tốt", TS Bình khuyến cáo.