Quan Vũ (? – 220), tự Vân Trường, là một vị tướng nổi tiếng thời Tam Quốc. Ông được coi là một vị tướng tài năng, dũng mãnh hơn người và được người đương thời đánh giá là "sức địch vạn người, hổ thần một thời".
Quan Vũ là người đóng góp công lớn vào việc thành lập nhà Thục Hán thời Tam Quốc. Mãnh tướng này vang danh thiên hạ khi từng chém Hoa Hùng, Nhan Lương, Văn Xú... và thậm chí còn từng được ba thế lực lớn nhất bấy giờ phải kiêng dè, trong đó có Tào Tháo.
Trong "Tam Quốc diễn nghĩa", Quan Vũ được miêu tả là dũng tướng trung nghĩa. Còn theo chính sử "Tam Quốc chí", Quan Vũ cũng không phải là một danh tướng tầm thường. Cụ thể, tại trận Bạch Mã, giữa đại quân địch hùng mạnh, Quan Vũ dùng một đao chém chết tướng địch là Nhan Lương.
Có thể nói, trong cuộc đời binh nghiệp, theo Lưu Bị đánh Nam dẹp Bắc, Quan Vũ quả thực là một danh tướng vô cùng ưu tú. Điều này đã được minh chứng trong "Tam Quốc diễn nghĩa" và ngay cả trong chính sử "Tam Quốc chí".
Sau trận Xích Bích, Lưu Bị giành được Kinh Châu. Trong "Tam Quốc diễn nghĩa", Quan Vũ được giao nhiệm vụ trấn thủ Kinh Châu. Đặc biệt, dưới trướng của ông còn có 3 tiểu tướng đắc lực. Một người có thể địch lại Triệu Vân, một người có thể bằng Bàng Đức. Vậy, 3 người được coi như "tâm phúc" của Quan Vũ là những ai?
Chu Thương là một nhân vật hư cấu trong "Tam Quốc diễn nghĩa". Ông được mô tả là từng tham gia vào khởi nghĩa Khăn Vàng, sau này gặp và đi theo Quan Vũ. Võ tướng này rất khỏe mạnh, luôn theo sát và trở thành trợ thủ đắc lực cho Quan Vũ.
Chu Thương cũng từng có một lần giao đấu với Triệu Vân (một trong những danh tướng hàng đầu của Thục Hán). Dù trúng phải thương của Triệu Vân nhưng Chu Thương vẫn có thể chạy thoát thân. Điều này chứng tỏ Chu Thương cũng có bản lĩnh không phải dạng tầm thường.
Sau này, khi Quan Vũ khinh suất đánh mất Kinh Châu và phải chạy đến Mạch Thành để lánh nạn, chính Chu Thương cùng Vương Phủ đã trấn thủ, kháng cự quân Đông Ngô để giúp chủ soái của mình có thể chạy thoát. Đáng tiếc, Quan Vũ sau đó vẫn bị quân Đông Ngô bắt sống và xử trảm. Sau khi biết tin, Chu Thương cũng quyết định tự vẫn theo chủ ở Mạch Thành.
Trong "Tam Quốc diễn nghĩa", Quan Bình (? – 220) được mô tả là người con nuôi mà Quan Vũ đã thu nhận khi ở Hà Bắc. Do được Quan Vũ hết lòng bồi dưỡng nên tài năng của Quan Bình cũng không hề tầm thường. Ông từng giao chiến với Bàng Đức. Kết quả, hai bên hòa nhau sau 30 hồi.
Bàng Đức từng là phó tướng của Mã Siêu. Ông từng đánh thắng các mãnh tướng như Hứa Chử, Hạ Hầu Uyên, Từ Hoảng và thậm chí còn từng giao chiến tới 200 hồi với "Võ thánh" Quan Vũ. Dù chưa chắc đã mạnh hơn Mã Siêu hay Quan Vũ, nhưng chí ít Bàng Đức cũng có thể đơn phương giao chiến với họ.
Do đó, với việc hòa Bàng Đức sau 30 hồi thì không thể xem nhẹ võ nghệ của Quan Bình lúc bấy giờ.
Còn trong chính sử, Quan Bình chính là con trai trưởng của Quan Vũ. Vào năm 219, ông theo Quan Vũ tấn công Phàn Thành của Tào Ngụy. Ban đầu, hai cha con tiêu diệt quân cứu viện của Tào Ngụy do Vu Cấm và Bàng Đức chỉ huy. Sau đó, quân Ngô đánh úp Kinh Châu, Từ Hoảng dẫn quân đến giải vây ở Phàn Thành đã đánh bại hai cha con Quan Vũ.
Hai cha con quyết định mang quân rút về Kinh Châu. Nhưng do Kinh Châu đã mất nên đến lánh nạn ở Mạch Thành. Đáng tiếc, sau đó, cả Quan Vũ và Quan Bình đều bị quân Ngô bắt sống và chém ở Lâm Thư.
Liêu Hóa (? – 264) là một vị tướng dưới trướng của Quan Vũ. Theo "Tam Quốc diễn nghĩa", Liêu Hóa xuất hiện gần như xuyên suốt trong thời Tam Quốc. Cụ thể, ông xuất hiện từ khi cứu vợ của Lưu Bị, tới Kinh Châu đột phá vòng vây thành công và sau cùng là theo Lưu Thiện đầu hàng.
Trong khi đó, theo ghi chép trong lịch sử, sau khi Quan Vũ thất bại ở Phàn Thành, Liêu Hóa may mắn sống sót nhưng bị quân Đông Ngô bắt được. Để có thể tìm cơ hội trở về với Lưu Bị, ông phải dàn dựng và khiến mọi người tin rằng mình đã qua đời.
Khi cơ hội đến, Liêu Hóa đã đưa mẹ của mình chạy thẳng về phía Tây, gặp được Lưu Bị khi ông đang dẫn quân đánh Đông Ngô. Cả hai cùng đại quân đã xông pha trận mạc để báo thù cho Quan Vũ.
Sau khi Lưu Bị qua đời, Liêu Hóa theo thừa tướng Gia Cát Lượng và đã tham gia nhiều trận đánh quan trọng trong chiến dịch Bắc phạt của Thục Hán, lập được không ít lần tiên phong lập chiến công.
Cõ lẽ cũng vì vậy mà dân gian luôn truyền tai câu nói: "Thục trung vô đại tướng, Liêu Hóa tác tiên phong" (có nghĩa là Thục Hán không có đại tướng, Liêu Hóa làm tiên phong).
Sau này, khi Lưu Thiện đầu hàng nhà Ngụy. Liêu Hóa bị áp giải về Lạc Dương nhưng đã qua đời ngay trên đường vì tuổi cao sức yếu.