Dân Việt

PGS.TS Vũ Thị Phương Hậu: Niềm tin từ lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt"

Thúy Phương - Thanh Tùng 26/11/2021 13:43 GMT+7
PGS.TS Vũ Thị Phương Hậu - Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ với Dân Việt về những kỳ vọng và niềm tin sau khi Hội nghị Văn hóa toàn quốc khép lại.

Đồng tình trước 10 giải pháp phát triển văn hóa và con người Việt Nam

Chia sẻ về cảm nhận của bản thân sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa diễn ra ngày 24/11, PGS.TS Vũ Thị Phương Hậu - Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: "Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã thành công tốt đẹp, những thông điệp văn hóa mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị đang lan tỏa trong xã hội. 

Là một trong các đại biểu trực tiếp dự Hội nghị tại Hội trường Diên Hồng (Hà Nội) cho đến giờ, tôi vẫn cảm thấy vinh dự, tự hào và tin tưởng rằng, khi mà "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt" như lời đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu thì văn hóa nước nhà sẽ có sự chuyển động xứng với vị trí, tầm vóc của mình".

PGS.TS. Vũ Thị Phương Hậu: Thúc đẩy hay kìm hãm sự phát triển văn hóa phụ thuộc vào tư duy quản lý văn hóa - Ảnh 1.

PGS.TS Vũ Thị Phương Hậu đặt niềm tin vào định hướng chấn hưng văn hóa của Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021. Ảnh: NVCC

Theo PGS.TS Vũ Thị Phương Hậu, Hội nghị Văn hóa toàn quốc là một sự kiện trọng đại, có ý nghĩa lớn lao không chỉ đối với những người làm công tác văn hóa. Đây còn là sự mong chờ của tất cả những ai yêu mến văn hóa dân tộc, của tất cả những ai có ý thức trách nhiệm đối với sự phát triển quốc gia.

Hội nghị lần này thể hiện tinh thần đoàn kết, đồng tâm, nhất trí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong đó có đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ về sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa. Hội nghị đã mở ra thế và lực mới cho công cuộc xây dựng, phát triển văn hóa dân tộc.

Đồng tình với 10 giải pháp phát triển văn hóa và con người Việt Nam được Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề cập tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, PGS.TS Vũ Thị Phương Hậu cho biết: "Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã trình bày báo cáo "Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; Xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; Các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng".

Báo cáo đã đề cập đến 10 giải pháp trọng tâm để xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đây là một hệ thống giải pháp toàn diện, bao chứa được toàn bộ các lĩnh vực trọng yếu, các yếu tố cốt lõi của nền văn hóa dân tộc.

PGS.TS. Vũ Thị Phương Hậu: Thúc đẩy hay kìm hãm sự phát triển văn hóa phụ thuộc vào tư duy quản lý văn hóa - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội nghị trình bày 10 giải pháp phát triển văn hóa và con người Việt Nam tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Ảnh: Phạm Hưng

Cần phải thực hiện đồng bộ hệ thống 10 giải pháp

Để chấn hưng văn hóa dân tộc, PGS.TS Vũ Thị Phương Hậu cho rằng cần phải thực hiện đồng bộ hệ thống giải pháp này. Trong đó, bà đặc biệt quan tâm đến giải pháp thứ ba là "Hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy quản lý văn hóa, cải cách bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa". Theo Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhận định, điều này xuất phát từ tầm quan trọng của hoạt động quản lý, thúc đẩy hay kìm hãm sự phát triển văn hóa phụ thuộc rất lớn vào tư duy quản lý, vào hoạt động quản lý văn hóa".

PGS.TS Vũ Thị Phương Hậu chia sẻ với Dân Việt: "Tôi có niềm tin rằng, tinh thần của Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này sẽ làm cho nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa trong phát triển đất nước có sự thay đổi mạnh mẽ, toàn diện hơn. Từ thay đổi về nhận thức sẽ dẫn đến sự thay đổi về hành động. 

Khi mà cả xã hội quan tâm đến xây dựng và phát triển văn hóa, con người, khi đó, những chân giá trị sẽ thấm sâu vào các hoạt động sống của mỗi người, tạo nên một nền tảng tinh thần vững chắc, phát huy được sức mạnh nội sinh dân tộc, biến khát vọng phát triển đất nước thành hiện thực. Với tất cả tin yêu và kỳ vọng, tôi cũng như những người Việt Nam khác mong chờ nền văn hóa dân tộc được chấn hưng trong tương lai không xa".

10 giải pháp phát triển văn hóa, sức mạnh người Việt đã được ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trình bày tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc:

1. Tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững.

Cần xác định phát triển văn hóa và xây dựng con người là một nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị. Công tác kiểm tra, giám sát, các nhiệm vụ này cần được coi trọng.

2. Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát huy hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới; từng bước khắc phục các hạn chế của người Việt.

Phát triển đi đôi với giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; khắc phục tình trạng lạm dụng tiếng nước ngoài, các hành vi ngôn ngữ lệch chuẩn, loạn chuẩn; tiến tới xây dựng bộ luật về Tiếng Việt; đẩy lùi bệnh quan liêu, bè phái, mất đoàn kết, chủ nghĩa cơ hội và thực dụng.

3. Hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy quản lý văn hóa, cải cách bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa. Trong đó, phạm vi can thiệp của nhà nước trong lĩnh vực văn hóa cần được quy định, tạo dư địa phù hợp cho sáng tạo và hưởng thụ văn hóa chính đáng của người dân. Hệ thống quản lý văn hóa được chuyển đổi chủ yếu từ mệnh lệnh hành chính sang cơ chế quản lý bằng luật pháp và các công cụ điều tiết vĩ mô khác.

4. Phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa, văn nghệ, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý; cho các lĩnh vực then chốt, đặc thù.

5. Xây dựng văn hóa trong chính trị, kinh tế, đặc biệt là văn hóa trong Đảng trở thành tấm gương đạo đức cho xã hội; văn hóa doanh nghiệp trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế, xã hội.

Việc chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể sẽ được chú trọng; tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên cần được ngăn chặn, đẩy lùi.

6. Phát triển thị trường văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, hưởng thụ của người tiêu dùng và thị trường ngoài nước. Việc tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc tế tại Việt Nam sẽ trở thành các sự kiện thường niên, có uy tín khu vực và thế giới, thu hút sự tham gia của các nghệ sĩ và các tổ chức văn hóa nghệ thuật có uy tín, được đông đảo công chúng quan tâm.

7. Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.

8. Phát triển văn học, nghệ thuật đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xây dựng con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị.

9. Tập trung nguồn lực từ Nhà nước và các thành phần kinh tế khác đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng con người. Trong đó, xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách ưu đãi về đất, tín dụng, thuế và phí đối với các cơ sở đào tạo và thiết chế văn hóa do khu vực tư nhân đầu tư, đặc biệt là ở vùng còn khó khăn; khuyến khích hình thành các quỹ đào tạo, khuyến học, phát triển nhân tài, quảng bá văn học nghệ thuật, phát triển điện ảnh, hỗ trợ xuất bản.

Các địa phương, các cơ quan, công sở, trường học, khu công nghiệp, doanh nghiệp, khu dân cư... có thiết chế văn hóa phù hợp (thư viện, nhà văn hóa, công trình thể thao...) tạo điều kiện cho người dân tham gia hoạt động và hưởng thụ văn hóa.

10. Xây dựng Việt Nam thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế; chủ động mở rộng hợp tác, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực; tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới.

Phát huy tài năng, tâm huyết của trí thức, văn nghệ sĩ người Việt Nam ở nước ngoài trong việc tham gia phát triển văn hóa của đất nước, trở thành cầu nối quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam; chú trọng truyền bá văn hóa Việt Nam, dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam.