Nhắc đến tham quan trong xã hội phong kiến Trung Hoa, chắc hẳn bạn đọc sẽ nghĩ ngay đến Hòa Thân.
Trong lịch sử Thanh triều, số tài sản mà nhân vật này tham ô nhiều vô số kể, cũng chính vì sở hữu quá nhiều tiền tham ô mà Hòa Thân được mệnh danh là kẻ giàu có nhất nhì đất nước khi đó.
Khi Càn Long còn trị vì, hành vi tham ô của Hòa Thân dù truyền khắp thiên hạ nhưng ông ta khi ấy vẫn không bị trừng trị. Phải đến khi Gia Khánh lên ngôi, cuộc đời huy hoàng của Hòa Thân mới đến hồi kết thúc.
Thời gian từ khi tham quan này bị bắt giam đến khi bị xử tử chỉ vỏn vẹn 5 ngày. Trước khi chết, Hòa Thân đã có cuộc trò chuyện bí mật với Gia Khánh và trong câu chuyện đó, ông ta đã nói cho Gia Khánh biết ai mới là người tham ô nhất Thanh triều.
Tìm hiểu về bối cảnh gia đình của Hòa Thân, chúng ta có thể biết được rằng, Hòa Thân tuy sinh ra trong gia đình nhà quan, nhưng đến đời cha ông, thế lực gia đình đã sa sút. Khi Hòa Thân còn chưa tròn 10 tuổi, cha mẹ ông đều đã không còn. Việc này đã khiến Hòa Thân phải chịu quãng thời gian thơ ấu không hạnh phúc.
Sự khó khăn vất vả thời thơ ấu đã khiến anh em Hòa Thân, Hòa Lâm đặt quyết tâm phải xây dựng cơ nghiệp lớn trong tương lai, chấn hưng lại gia tộc.
Trải qua nhiều năm nỗ lực cố gắng, cuối cùng, Hòa Thân cũng bước chân được vào con đường làm quan, may mắn hơn là trong một lần tình cờ, tài năng của Hòa Thân đã được hoàng đế Càn Long tán thưởng. Kể từ đó, con đường làm quan của Hòa Thân cũng rộng mở theo, tiền đồ tương lai sáng lạn, cuối cùng trở thành một trong những trọng thần làm mưa làm gió trong triều đình nhà Thanh.
Vì luôn ở cạnh Càn Long nên Hòa Thân có thể thấu hiểu Càn Long hơn bất cứ ai. Cũng chính vì điều này, dù Hòa Thân từng nhiều lần vì tội tham ô mà bị xử phạt nhưng sau cùng cũng vẫn có thể quay lại bên cạnh hoàng đế.
Thực tế là những năm đầu làm quan, Hòa Thân cũng ước mơ bản thân có thể trở thành một vị quan tốt, nhưng khi đối mặt với quyền lực và tiền tài trước mắt, ông ta đã không thể kiềm chế được lòng tham của chính mình. Dần dần, số lần Hòa Thân tham ô ngày một nhiều, theo thời gian, ông ta đã trở thanh tham quan số một trong triều đình.
Càn Long không phải không biết chuyện Hòa Thân tham ô nhưng nếu không có Hoà Thân tham ô thì sẽ chẳng có ai ủng hộ chi phí cho những chuyến du ngoạn Giang Nam đầy tốn kém.
Sau khi Càn Long nhường ngôi cho Gia Khánh và trở thành Thái Thượng Hoàng, Hòa Thân vẫn tiếp tục hầu hạ bên cạnh Càn Long, giúp ông xử lý chuyện chính sự. Khi ấy, Hòa Thân còn có biệt hiệu là "Hoàng đế thứ hai". Điều này khiến Gia Khánh rất bất mãn. Cũng trong quãng thời gian này, những hành vi lạm quyền của Hòa Thân đã khiến Gia Khánh ngày càng không vừa mắt với Hòa Thân hơn.
Sau này, khi Càn Long qua đời, Gia Khánh chính thức lên nắm giữ quyền lực, ông đã lập tức quyết định phải trừng trị Hòa Thân một cách thích đáng. Trong quá trình soát nhà Hòa Thân, tài sản và châu báu tìm được trong phủ Hòa Thân đã đủ để lấp đầy quốc khố.
Đặc biệt là sau khi Hòa Thân bị bắt giam vào ngục, Gia Khánh đã từng đến tìm Hòa Thân nói chuyện.
Gia Khánh cho rằng nếu như không có hành vi tham ô của Hòa Thân thì vương triều Đại Thanh sẽ phát triển rực rỡ hơn. Nhưng khi nghe những lời chỉ trích của Gia Khánh, Hòa Thân lại cho rằng, bản thân ông ta không phải là kẻ tham ô nhất Đại Thanh. Hơn nữa, trong thời gian làm quan của Hòa Thân, hành vi tham ô của ông ta không phải vì ai khác mà chính là vì hoàng đế Càn Long.
Theo đó, dưới thời hoàng đế Càn Long trị vì, hoàng đế không chỉ xây dựng lâm viên, hoa viên rộng lớn mà còn nhiều lần đi du ngoạn Giang Nam. Không chỉ vậy, dưới thời Càn Long cũng nhiều lần phát động chiến tranh, mà mỗi lần có chiến tranh đều sẽ là gánh nặng cho đất nước.
Nếu như không có Hòa Thân tham ô, Càn Long lấy đâu ra nhiều tiền để tiêu pha hoang phí? Hành động tham ô của Hòa Thân chính là để giữ thể diện cho Càn Long, giúp Càn Long có cuộc sống xa hoa, sung sướng hơn. Là Hoàng đế, bản thân Càn Long cũng hiểu rõ điều này, điều đó cũng lý giải tại sao Hòa Thân tham ô như thế nhưng lại không bị Càn Long trừng phạt.
Nghe Hòa Thân nói những lời đó, Gia Khánh đã im lặng không nói gì. Nhưng cho dù vậy đi nữa, tội của Hòa Thân cũng đã được định đoạt.
Gia Khánh về sau đã quyết định cho Hòa Thân được chết toàn thây, ban cho ông ta một dải lụa trắng để tự vẫn. Đây cũng là lý do mà chỉ trong vòng 5 ngày trong ngục, Hòa Thân đã lặng lẽ ra đi và dần biến mất khỏi dòng chảy của lịch sử.