Chiều nay 26-11, Ban Kinh tế Trung ương và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã đồng chủ trì tổ chức Hội thảo "Cơ chế chính sách huy động nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn" nhằm tổng kết Nghị quyết số 26/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là Nghị quyết 26).
Phát biểu tại hội thảo, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương tổng kết thực hiện Nghị quyết 26 (Ban chỉ đạo), cho biết Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đặt ra nhiệm vụ "xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh".
Ông Nguyễn Duy Hưng gợi mở hội thảo cần đặt ra những mục tiêu cụ thể trong tiến hành tổng kết Nghị quyết 26 để rà lại xem đã đạt được những kết quả gì, những việc gì còn nợ người dân? Cần có chiến lược, chính sách lớn cụ thể gì của Đảng, Nhà nước để tiếp tục xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và hình thành được tầng lớp nông dân văn minh.
Tại hội thảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết hiện số hộ cá thể tham gia các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp ở Việt Nam là quá thấp, khoảng 30%, trong khi các nước là hầu hết 100% nông dân tham gia HTX. Nếu các hộ cá thể tham gia vào HTX sẽ huy động được nguồn lực, ứng dụng KHCN và tạo ra thị trường.
"Hộ nông dân tập hợp vào HTX sẽ tạo ra chuỗi giá trị, hạn chế rủi ro sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, hạn chế thủ tục cho vay của các tổ chức tín dụng" – ông Bảo nói.
Theo ông Bảo, hiện nay có vấn đề bà con đi mua phân bón chịu rất nhiều thiệt thòi và người nông dân rơi vào tình cảnh bị chủ vựa phân bón "kê" thêm bệnh cho cây trồng và lãi suất mua chịu phân bón không dưới 15%.
Ông Bảo dẫn ví dụ cho bà con ở Hà Nam tiếp cận được vốn Agribank đã giảm được chi phí sản xuất tới 30%. Từ đó, ông Bảo kiến nghị cần có thay đổi về chính sách tín dụng và hình thành các gói bảo hiểm tín dụng.
Ông Bảo cũng cũng kiến nghị, cần sớm sửa đổi Luật Đất đai và ban hành chính sách khuyến khích phát triển thị trường giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để tạo điều kiện tích tụ và tập trung ruộng đất phát triển vùng chuyên canh nông sản lớn.
Ông Nguyễn Thanh Dương – Vụ trưởng Vụ Kinh tế nông nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết trong giai đoạn vừa qua để tạo nên 1 đồng tăng trưởng GDP thì trung bình toàn nền kinh tế phải đầu tư 7,2 đồng vốn, trong khi đó để tạo nên 1 đồng tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp chỉ cần đầu tư 5,5 đồng vốn.
Tuy nhiên, cơ chế chính sách đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vẫn còn chồng chéo, môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự thuận lợi. Cơ chế, chính sách đầu từ còn thiếu đồng bộ, chưa đủ mạnh và bố trí nguồn vốn còn bất hợp lý như nặng về thủy lợi (khoảng 60%), ưu tiên cho cây lúa, một số ngành khả năng đem lại lợi nhuận cao lại ít được đầu tư…
Ông Dương kiến nghị cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh cần được tiếp tụ cắt giảm một cách thực chất. Giảm gánh nặng thuế, phí, chế độ kế hoạch cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, xác định doanh nghiệp đóng vai trò "bà đỡ" để đưa công nghệ, quản lý, vốn và thị trường vào sản xuất nông nghiệp.
Còn TS. Nguyễn Như Quỳnh, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính cho biết chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp chưa khuyến khích người nông dân sử dụng đất hiệu quả.
Ông Quỳnh cho hay định hướng, giải pháp về cơ chế, chính sách tài chính phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 nêu rõ hoàn thiện các chính sách thuế hướng đến mục tiêu khuyến khích, hỗ trợ sự phát triển nông nghiệp bền vững.
Cụ thể, sẽ giảm 50% thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của nhân lực công nghệ cao làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản…
Đặc biệt là kéo dài thời gian cho thuê đất đối với khu vực kinh tế tư nhân; ưu đãi trong chuyển nhượng, thế chấp quyền sử dụng đất; giá thuê đất ở mức thấp nhất và miễn tiền thuê đất cho các cơ sở ngành nghề nông thôn, nhất là cơ sở sản xuất nông nghiệp sạch.
Cần tăng cường hơn nữa nguồn vốn tín dụng
TS. Nguyễn Thị Hòa, Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước nêu rõ trong giai đoạn tới, sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khắc phục những hạn chế về tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn.
Theo đó, sẽ tăng tỷ trọng tín dụng cho vay phục vụ chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị, chất lượng nông sản; đẩy mạnh cho vay chuyển đổi cơ cấu nông sản, tập trung vào các danh mục sản phẩm chủ lực, thế mạnh.
Từng bước tăng dần tính hấp dẫn của tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn để thu hút thêm các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực này. Có cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh hay các nguyên nhân khách quan bất khả kháng khác…
Ông Đỗ Minh Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) cho biết công ty đã xây dựng hệ thống phân phối bán lẻ đến thôn, xóm, bản làng.
ABIC là đơn vị tiên phong triển kinh doanh các sản phẩm bảo hiểm bán lẻ vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân dưới hình thức gói sản phẩm tín dụng nông nghiệp + bảo hiểm nông nghiệp.
Bảo hiểm góp phần khắc phục các rủi ro, tổn thất do thiên tai, dịch bệnh… giúp người nông dân phục hồi sản xuất. Đáng chú ý, thời gian qua, ngân hàng đã giảm lãi suất vay tạo điều kiện cho hộ nông dân có tiền mua bảo hiểm.
Ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Agribank cho hay, ngân hàng có hơn 20 sản phẩm tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, với giá trị hơn 2,2 triệu tỉ đồng. Tuy nhiên, ông Vượng cho rằng vẫn còn những bất cập về cơ chế, chính sách đối với tín dụng dành cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ông Vượng kiến nghị cần tách biệt chính sách tín dụng đối tượng chính sách với tín dụng đối tượng thương mại.
Kết luận hội thảo, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng cho biết đại diện các Bộ ngành đã nêu lên 5 vấn đề lớn cũng là chuyên đề 5 trong tổng thể 25 chuyên đề của Ban Chỉ đạo đặt ra. Đó là về liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp, chính sách huy động nguồn lực, chính sách tài chính, chính sách tín dụng và chính sách khoa học công nghệ.
Trong thời gian qua, đã thực hiện tốt 5 chính sách này và nhờ vậy đã tạo động lực cho sự phát triển ở nông nghiệp, nông thôn. Qua tổng kết thực hiện Nghị quyết 26 lần này sẽ là đợt tổng rà soát cơ chế, chính sách để xem cần thay đổi theo hướng nào, cụ thể ra sao để đáp ứng yêu cầu mới của thực tiễn. Qua đó đánh giá lại những thành tựu, kết quả đã đạt được và làm rõ hạn chế, nguyên nhân từ đó xác định rõ bối cảnh mới, tình hình mới để đưa ra chủ trương, chính sách phù hợp tạo động lực phát triển trong lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Duy Hưng nêu lại nhiều ý kiến kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai, Luật Hợp tác xã... và nhiều chính sách cụ thể cho phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, đề xuất nguồn lực đầu tư từ nhà nước đầu tư cho lĩnh vực này cần tăng lên, là nguồn lực dẫn dắt; huy động nhiều hơn nữa nguồn lực từ xã hội. Cùng với đó là tăng nguồn lực tín dụng, chính sách về thuế để tạo động lực, nguồn lực phát triển nông nghiệp, nông thôn như thuế thu nhập cá nhân của xã viên HTX.
"Thực tế cho thấy nợ xấu cho vay trong khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn lại thấp nhất trong các ngành kinh tế. Thời gian tới cần tăng cường hơn nữa nguồn vốn tín dụng cho khu vực này"- ông Nguyễn Duy Hưng nói.
Về đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng còn chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
"Để hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội XIII với mục tiêu xây dựng đội ngũ "nông dân văn minh" thì các Bộ ngành, địa phương... phải đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, xây dựng cơ sở dữ liệu số lớn của ngành nông nghiệp từ đất đai, thổ nhưỡng, cây trồng, vật nuôi… đến thị trường"- ông Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Duy Hưng cũng cho rằng phải quan tâm hình thành thêm các gói bảo hiểm mùa màng, vật nuôi cho người nông dân bên cạnh bảo hiểm khoản vay vốn tín dụng.
Trụ đỡ của nền kinh tế trong thời điểm khó khăn
Ông Nguyễn Duy Hưng cho biết thêm sau 13 năm thực hiện Nghị quyết 26, nông nghiệp có bước phát triển vượt bậc, trở thành trụ đỡ của nền kinh tế trong những thời điểm kinh tế gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn chịu nhiều tác động của dịch bệnh Covid-19.
Thu nhập bình ở nông thôn tăng nhanh hơn đô thị, từ 12,8 triệu đồng/người/năm 2010 lên trên 42 triệu đồng/người năm 2020, vượt mục tiêu đề ra; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm nhanh, bình quân giảm khoảng 1,5%/năm và đến hết năm 2020 còn 4,2%. Môi trường cảnh quan ngày càng cải thiện, xuất hiện ngày càng nhiều các làng, xã xanh - sạch - đẹp.
Giai đoạn 2008 - 2020, nông nghiệp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao 2,94%/năm và phát triển khá toàn diện, chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện hơn. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng trưởng 8,17%/năm; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, giảm nghèo bền vững. Năm 2020 sản lượng lúa gạo bình quân đầu người đạt 438,2 kg, cao hơn Thái Lan và gấp 3,5 lần Ấn Độ.