Chuyển động nhà nông 29/11: Phân vô cơ tăng giá, phân bón hữu cơ lên ngôi.
Năm 2021, giá vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón vô cơ các loại tăng mạnh, nhiều loại tăng tới 70%, nông dân bán 2kg lúa chưa mua được 1kg phân bón. Đứng trước thực trạng đó, nông dân Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đang hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sử dụng phân bón hữu cơ có nguồn gốc từ phụ phẩm nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, làm giàu đất, tiết kiệm chi phí cho nông dân. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nước ta có nhiều tiềm năng để phát triển phân bón hữu cơ. Mỗi năm có khoảng 200 triệu tấn chất thải hữu cơ từ sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, rác thải sinh hoạt, công nghiệp chế biến... Đây chính là những nguồn nguyên liệu tiềm năng rất lớn để sản xuất phân hữu cơ. Tuy nhiên, đã có thời điểm, nhiều địa phương để bỏ phí nguồn phế phẩm này, gây ô nhiễm môi trường. Với diễn biến giá phân bón vô cơ tăng cao, nông dân, hợp tác xã đã có sự chuyển dịch lớn sang sử dụng phân bón hữu cơ. Việc các đơn vị, địa phương đẩy mạnh ứng dụng các kỹ thuật vào xử lý phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón có hàm lượng dinh dưỡng cao cho thấy, đây là thời điểm để phân bón hữu cơ lên ngôi sau nhiều năm bị coi nhẹ.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2021, nhu cầu cao su của Ấn Độ tăng mạnh khiến nước này phải nhập khẩu nhiều hơn vì sản lượng trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, Ấn Độ nhập khẩu 867,41 nghìn tấn cao su, trị giá 1,72 tỷ USD, tăng 41,2% về lượng và tăng 74% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.Việt Nam là thị trường lớn thứ 4 cung cấp cao su cho Ấn Độ với 69,14 nghìn tấn, trị giá 132 triệu USD, tăng 46,5% về lượng và tăng 92,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp cao su tự nhiên cho Ấn Độ với 67,87 nghìn tấn, trị giá 129,24 triệu USD, tăng 44,8% về lượng và tăng 89,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Cao su tự nhiên Việt Nam chiếm thị phần 19% trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ trong 9 tháng đầu năm 2021, tăng so với mức 17,3% của cùng kỳ năm 2020.
Những ngày qua giá tiêu liên tục được ghi nhận tăng. Sáng 28/11, giá tiêu trong nước tăng 500 đồng/kg tại các tỉnh, riêng Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 1.000 đồng/kg so với cùng thời điểm ngày hôm trước.,
Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 82.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg. Cao nhất là tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giá tiêu hôm nay ở mức 85.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg. Như vậy, sau quãng thời gian gần 4 tuần chỉ có giữ ổn định và giảm, giá tiêu trong nước đã bắt đầu có tín hiệu khởi sắc, đây là điều được giới quan sát nhận định sẽ xảy ra vào thời điểm cuối tháng 11/2021. Với việc giá tiêu bắt đầu tăng như hiện nay, người dân sẽ có tâm lý xả nốt hàng dự trữ còn lại để chi dùng cuối năm, đón vụ tiêu mới. Nhưng theo các chuyên gia, bà con nên thận trọng, chờ đợi tiếp diễn biến thị trường, không nôn nóng bán theo tin đồn để tránh bị thiệt.
Bưởi đỏ hay còn gọi là bưởi Luận Văn, được trồng tại làng Luận Văn, xã Thọ Xương, Thanh Hóa. Hiện nay đã được phát triển nhiều tại các xã Xuân Bái, Xuân Lam, Xuân Trường… huyện Thọ Xuân. Từng là loại bưởi được dùng để tiến vua, sau một thời gian bị mai một giờ đây giống bưởi quý này đang được hồi sinh bởi nhu cầu cao của thị trường. Theo các chủ vườn, bưởi đỏ chưa vẽ hoạ tiết thư pháp năm nay quả tròn và đẹp hơn mọi năm nhưng giá không tăng. Hiện giá bán tại các vườn dao động 100.000-150.000 đồng mỗi quả tùy loại. Riêng loại 1 có giá bán lên đến 200.000-300.000 đồng mỗi quả. Do dịch bệnh phức tạp, vận chuyển và bảo quản khó khăn, Tết nguyên đán năm nay, mỗi quả bưởi sau khi được viết thư pháp sẽ có giá khoảng 1,2 triệu đồng/quả.