UBND TP.HCM vừa có văn bản chấp thuận giao Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (HoSE: CII) nghiên cứu lập "Đề xuất dự án đường trên cao Bắc - Nam theo hình thức đối tác công tư - PPP (Hợp đồng BOT)". Nguồn kinh phí được lấy từ chính doanh nghiệp này trong thời hạn không quá 6 tháng kể từ ngày được giao.
Theo tìm hiểu của Dân Việt, quyết định Số: 101/QĐ-TTg và quyết định số 568/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 thì, chậm nhất đến năm 2020, TP.HCM xây dựng xong tổng cộng 5 tuyến đường bộ trên cao với tổng chiều dài 70,7 km.
Tuy nhiên từ khi lên kế hoạch vào năm 2005 đến nay đã 16 năm, TP.HCM vẫn chưa có tuyến nào được đầu tư xây dựng, do nguồn vốn huy động quá lớn.
Song mới đây, CII đã đề xuất xây dựng trục đường trên cao Bắc – Nam. Tuyến đường trên cao dài 14,1km, rộng 30 mét gồm 4 làn xe, điểm đầu từ nút giao thông Cộng Hòa - Trường Chinh (quận Tân Bình - khu vực sân bay Tân Sơn Nhất), chạy dọc các tuyến Cộng Hòa - Bùi Thị Xuân - hẻm 656 (đường Cách Mạng Tháng Tám) - Bắc Hải - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - dọc kênh Ông Lớn và kết thúc tại đại lộ Nguyễn Văn Linh (quận 7).
Trên thực tế, theo quy hoạch hệ thống tuyến đường trên cao của TP.HCM, không có tuyến trên cao Bắc – Nam. Tuy nhiên, theo đề xuất của CII thì đây là sự kết hợp từng đoạn của 3 tuyến trên cao số 1, 2, 3 để ưu tiên xây dựng trước. Khi TP.HCM có đủ nguồn lực để xây dựng hoàn thiện các phân đoạn còn lại thì cùng với các tuyến số 4, số 5 sẽ tạo thành hệ thống giao thông trên cao hoàn chỉnh, đồng bộ.
Dự án đầu tư này có khái toán nguồn vốn khoảng 30.000 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 15.500 tỷ đồng, chi phí xây dựng khoảng 14.500 tỷ đồng, chưa tính chi phí lãi vay.
"Tôi ủng hộ các dự án làm giảm tải giao thông, làm mới bộ mặt đô thị nhưng cũng phản đối các dự án mang tính hình thức, chạy theo phong trào mà lại thiếu đi tính đồng bộ, thiếu tầm nhìn làm ảnh hưởng đến nền kinh tế , hoạt động của người dân và quan trọng nhất là ảnh hưởng đến ngân sách Nhà Nước…", ThS. KTS. Nguyễn Văn Châu, nói.
Ngoài tuyến đường này, TP cũng kêu gọi đầu tư thêm 2 tuyến trên cao khác gồm: Đường trên cao số 1 (qua các quận: 1, 3, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận). Cụ thể, đường trên cao số 1 dài 9,5km, từ nút giao Cộng Hòa theo đường Cộng Hòa - Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện - Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long - Phan Xích Long (nối dài) - giao với đường Điện Biên Phủ và đường Ngô Tất Tố.
Đường có 4 làn xe, tổng mức đầu tư ước tính 17.500 tỷ đồng. Dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT với thời gian thực hiện từ 2021-2025.
Một dự án khác là đường trên cao số 5 (qua TP Thủ Đức, quận 12, Bình Tân và huyện Hóc Môn). Đường dài 21,5km đi trùng với đường vành đai 2 (quốc lộ 1) từ nút giao trạm 2 đến nút giao An Sương.
Đường có quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư 15.405 tỷ đồng, kêu gọi đầu tư bằng hình thức BOT từ nay đến năm 2025.
Đánh giá về câu chuyện đầu tư đường trên cao của TP.HCM, ThS. Kiến trúc sư. Nguyễn Văn Châu, cho hay, mấy năm gần đây các dự án đường trên cao liên tục xuất hiện trên báo chí trong nước. Đáng tiếc là toàn tin không vui, tin tiêu cực. Điều này làm cho người dân ngán và mất hẳn niềm tin vào các dự án dài hơi.
Và đến nay chưa có 1 dự án nào thật sự hiệu quả khi đưa vào sử dụng - cần có thời gian dài để kiểm chứng.
Theo ông Châu, hiện nay dân số đông, giao thông hỗn loạn, đô thị chật chội… nên chuyện tìm 1 giải pháp về giao thông trên cao là chuyện sớm muộn và là cách khả thi nhất ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên để đạt được hiệu quả như mong đợi thì không đơn giản.
Bởi, những khó khăn có thể kể đến như: Vốn đầu tư quá lớn; thời gian hoàn thành dự án quá lâu; đòi hỏi một hệ thống phục vụ cồng kềnh từ nhân sự, chuyên môn lẫn chuỗi trạm, nhà ga và hạ tầng đấu nối với các khu dân cư dọc tuyến.;… Đặc biệt, sự phối hợp đồng bộ giữa các loại hình giao thông công cộng chưa có, và thói quen sinh hoạt của người dân,…
"Quy hoạch, phát triển là điều phải làm nhưng quá trình thực hiện và cách thực hiện với tình hình hiện nay thì khó vô cùng. Đây không phải chỉ là bài toán về kinh tế về mức đầu tư mà còn là chuyện thay đổi thói quen sinh hoạt, điều chỉnh lại hệ thống xã hội theo hướng mới hơn, công nghiệp hơn…", ông Châu đúc kết.