Dân Việt

Xây dựng sản phẩm du lịch an toàn, hấp dẫn trong giai đoạn bình thường mới

Thanh Tùng 01/12/2021 06:00 GMT+7
Đó là mong muốn của ông Phùng Quang Thắng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc công ty du lịch HaNoitourist tại diễn đàn du lịch toàn quốc năm 2021. Với chủ đề “Giải pháp phục hồi bền vững du lịch Việt Nam”,diễn đàn đã thu hút sự quan tâm theo hình thức trực tuyến với 26 điểm cầu trong cả nước.
Xây dựng sản phẩm du lịch an toàn, hấp dẫn trong giai đoạn bình thường mới - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Trùng Kháng – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: Thanh Tùng.

Xây dựng sản phẩm du lịch an toàn, hấp dẫn là ưu tiên hàng đầu của ngành du lịch

Trình bày tham luận của mình tại diễn đàn du lịch toàn quốc năm 2021, ông Phùng Quang Thắng đánh giá: "Sản phẩm du lịch an toàn là sản phẩm được kết hợp và xây dựng từ nhiều khâu khác nhau. Trong đó, yếu tố du khách quan toàn là ưu tiên quan trọng nhất. 

Bên cạnh đó, sự an toàn từ các doanh nghiệp và điểm đến tham quan là những yếu tố cốt lõi tạo nên một sản phẩm du lịch an toàn hiện nay. Trong tình hình hiện nay, việc áp dụng nhiều biện pháp phòng dịch đã làm giảm đi sự thoải mái trong mọi hoạt động trải nghiệm của du khách. Từ đó đặt ra vấn đề cần xây dựng những sản phẩm du lịch hấp dẫn hơn để phục vụ du khách".

Xây dựng sản phẩm du lịch an toàn, hấp dẫn trong giai đoạn bình thường mới - Ảnh 2.

Ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch Thường trực hiệp hội Lữ hành Việt Nam. Ảnh: TL

Để tạo ra những sản phẩm du lịch mang tính thu hút, ông Phùng Quang Thắng cho rằng cần xây dựng 5 yếu tố trong phát triển du lịch an toàn. Cụ thể, yếu tố đầu tiên là phải đáp ứng được các nhu cầu của khách du lịch. 

Yếu tố thứ hai là các sản phẩm phải tạo ra sự trải nghiệm cho du khách. Tiếp đó là sự sáng tạo, đa dạng của những người trực tiếp xây dựng sản phẩm du lịch. Thứ tư là xây dựng tính sáng tạo trong các sản phẩm du lịch. Cuối cùng là sự độc đáo và hấp dẫn trong từng sản phẩm du lịch chính là yếu tố thu hút du khách sau mùa dịch.

Du lịch văn hóa là chìa khóa trong phát triển các sản phẩm du lịch mới hậu Covid-19

Từ góc độ thị trường, ông Phùng Quang Thắng cũng chỉ ra 10 yếu tố trong xu hướng và nhu cầu của du khách. Trong đó yếu tố quan trọng hàng đầu là vấn đề an toàn cho du khách. Cùng với đó, khách du lịch sẽ quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề như sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch gần nhà, đi du lịch theo nhóm, trải nghiệm theo nhu cầu, du lịch không chạm, đặt dịch vụ trực tuyến... Từ những nhu cầu này, chúng ta đặt ra câu hỏi ngành du lịch Việt Nam cần tập chung phát triển những sản phẩm du lịch nào sau đại dịch.

Để trả lời cho câu hỏi trên, ông Phùng Quang Thắng cho rằng: "Ngành du lịch cần xây dựng chiến lược phát triển du lịch văn hóa. Bởi lẽ, tài nguyên du lịch văn hóa của người Việt rất đa dạng, phong phú và còn nhiều tiềm năng. Không giống như các loại hình du lịch đặc thù, du lịch văn hóa có thể khai thác ở mỗi vùng miền, tỉnh thành trên cả nước để xóa đói giảm nghèo cho nhiều khu vực. 

Du lịch văn hóa cũng tạo cho du khách những trải nghiệm thực tế về văn hóa, ẩm thực, lối sống... Do đó, du lịch văn hóa cần được đầu tư và phát triển trong hiện tại và tương lai. Đây sẽ là động lực chính, tạo nên lực đẩy và sức cạnh tranh của du lịch VIệt Nam với thế giới".

Xây dựng sản phẩm du lịch an toàn, hấp dẫn trong giai đoạn bình thường mới - Ảnh 3.

Du lịch văn hóa – chiến lược số một trong phát triển sản phẩm du lịch mới. Ảnh: Thanh Tùng.

Cũng theo ông Phùng Quang Thắng, trong 10 năm trở lại đây, chúng ta đã phát triển mạnh mẽ hình thức du lịch nghỉ dưỡng. Nếu như có sự kết hợp giữa du lịch văn hóa và du lịch nghỉ dưỡng có địa phương sẽ góp phần nâng cao hình ảnh và chất lượng cho hoạt động nghỉ dưỡng. Tương tự với các loại hình như: du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn hay du lịch mạo hiểm... kết hợp với du lịch văn hóa sẽ tạo nên những chương trình du lịch mang tính khác biệt, mới lạ và thu hút du khách.

Do ảnh hưởng của hoạt động chuyển đối số sản phẩm du lịch, nhiều ứng dụng công nghệ như: Tour online, Trải nghiệm thực tế ảo kết hợp với truyền thống hay trải nghiệm trước chuyến...đã ra đời. Những xu hướng mới này hiện được nhiều địa phương áp dụng nhằm năng cao cảm giác và trải nghiệm trước chuyến đi cho du khách. Qua đó, kích thích sự tò mò khiến du khách muốn đến tận nơi để trực tiếp cảm nhận và trải nghiệm thực tiễn.

Qua những trình bày trong tham luận của mình, ông Phùng Quang Thắng mong muốn ngành du lịch trong tương lai sẽ xây dựng được nhiều hơn nữa những sản phẩm du lịch an toàn, áp dụng khoa học công nghệ và chuyển đối số để giúp ngành du lịch vượt qua khó khăn và sớm phục hồi trong trạng thái bình thường mới.