Tập đoàn Alibaba là một tập đoàn công nghệ của Trung Quốc với các dự án kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, truyền thông kỹ thuật số và giải trí. Mặc dù công ty này từ lâu đã được một số người coi là tương lai của thương mại kỹ thuật số ở châu Á, nhưng giờ đây tập đoàn này lại rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan.
Không chỉ dừng tại đó, Alibaba cũng đã và đang là nạn nhân cuộc đàn áp của Trung Quốc đối với ngành công nghệ trong nước của họ, nơi đã chứng kiến một loạt quy định mới được đưa ra từ chống độc quyền đến bảo vệ dữ liệu. Vì thế, số phận mà Alibaba đang gánh chịu cũng là một điều dễ hiểu.
Tính đến cuối tháng 10/2020, giá trị vốn hóa thị trường của Alibaba đạt 6.600 tỷ Đôla Hồng Kông (tương đương khoảng 846 tỷ USD theo tỷ giá hiện tại). Tuy nhiên, hiện giá trị vốn hóa thị trường của gã khổng lồ thương mại điện tử này chỉ còn 2.800 tỷ Đôla Hồng Kông (khoảng 358 tỷ USD).
Theo ước tính của Nikkei Asia, định giá của Ant Group – đế chế công nghệ tài chính khổng lồ đứng sau ứng dụng thanh toán phổ biến tại Trung Quốc Alipay – cũng giảm xuống dưới 200 tỷ USD, từ mức hơn 300 tỷ USD trước đợt IPO "hụt" vào năm ngoái.
Trong một cuộc họp báo thu nhập gần đây, Giám đốc điều hành (CEO) Daniel Zhang và các giám đốc điều hành khác của Alibaba đã phải đối mặt với nhiều câu hỏi hóc búa từ các nhà phân tích về kết quả mờ nhạt của quý trước. Khi được hỏi khi nào các hoạt động mới sẽ tạo ra lợi nhuận, và liệu các nhóm hoạt động lợi nhuận kém có phải do các yếu tố vĩ mô không, lãnh đạo Alibaba không đưa ra được câu trả lời rõ ràng.
Alibaba cho biết tổng giá trị hàng hóa tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước cũng giảm xuống một con số do thị trường suy thoái và nhiều người chơi thương mại điện tử dè dặt hơn. "Tôi nghĩ rằng hiệu suất kinh doanh chững lại của chúng tôi ở một mức độ nào đó sẽ phản ánh điều kiện chung của thị trường", CEO Daniel Zhang của Alibaba cho biết.
Còn Giám đốc tài chính Maggie Wu có lẽ là người đưa ra những thông tin gây bất ngờ nhất khi cho biết tăng trưởng doanh thu của Alibaba được dự báo sẽ giảm xuống còn 11-16% trong nửa cuối năm nay, giảm từ mức 41% của cả năm trước. Việc mất đi động lực tăng trưởng có thể kiến tăng trưởng doanh thu cả năm nay của tập đoàn này sụt xuống mức thấp kỷ lục 20-23%.
Maggie Wu còn chỉ ra rằng, sự gia tăng cạnh tranh và tiêu thụ chậm lại ở Trung Quốc là những nguyên nhân chính dẫn đến sự tăng trưởng yếu hơn này. Ông cũng lưu ý rằng, người mua sắm Trung Quốc đã trở nên thận trọng hơn trong việc chi tiêu, với những đợt bùng phát virus corona mới, tình trạng thiếu điện và lo ngại về thị trường bất động sản đè nặng lên tâm lý.
Vào khoảng thời gian này năm ngoái, kỳ vọng của thị trường với Alibaba cao hơn bao giờ hết với dự báo về một IPO "khủng" của Ant Group, cũng như nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng cao. Nhưng chỉ một năm sau, "ngôi sao hy vọng" của đế chế này đã nhanh chóng lụi tàn.
Cũng trong quý 3, lợi nhuận hoạt động mảng thương mại điện tử của Alibaba giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy sự suy yếu trong mảng kinh doanh cốt lõi của tập đoàn này. Thực tế, Alibaba hiếm khi đưa ra dự báo doanh thu thường xuyên, thế nên việc tiết lộ bất thường dường như cho thấy công ty này đang bị nhiều bế tắc, còn các nhà phân tích nhận định rằng, đây là một trong những thời khắc thách thức nhất từ trước đến nay đối với gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc.
Theo giới phân tích, vị trí dẫn đầu ngành khiến Alibaba vào tầm ngắm của các nhà quản lý và điều này mở ra cơ hội cho các đối thủ. Trong quý trước, lợi nhuận hoạt động mảng bán lẻ của JD.com – hãng thương mại điện tử lớn thứ hai Trung Quốc, sau Alibaba – tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020.
Hồi tháng 4, Alibaba lĩnh án phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD với cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền khi gây áp lực buộc các nhà bán hàng trên nền tảng của mình không được làm ăn với các đối thủ. Chính điều này tạo cơ hội để JD.com thu hút thêm nhiều nhà bán hàng.
Không chỉ trong mảng thương mại điện tử, Alibaba cũng đang gặp rắc rối ở các mảng khác. Pinduoduo, hiện là nhà bán lẻ trực tuyến lớn thứ ba Trung Quốc, và Bytedance – công ty mẹ ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok đều đang nhảy vào lĩnh vực dịch vụ thanh toán di động, đe dọa vị thế thống trị của cả Alibaba (với Alipay) lẫn Tencent (với WeChat Pay), đe đọa một trong những nguồn lợi nhuận chính của Alibaba.
Kết quả này phản ánh ngành thương mại điện tử ngày càng cạnh tranh khốc liệt ở Trung Quốc khi Alibaba buộc phải bảo vệ sân cỏ của mình trước những ngôi sao đang lên như Pinduoduo. Các nền tảng video ngắn như Kuaishou và Douyin, phiên bản TikTok của Trung Quốc cũng thuộc sở hữu của ByteDance cũng đang chiếm thị phần lớn hơn, trong bối cảnh ngành thương mại điện tử phát trực tiếp cũng đang bùng nổ.
Các nhà phân tích của hãng nghiên cứu thị trường Daiwa Capital Markets cho biết trong một báo cáo nghiên cứu rằng: "Chúng tôi nhận thấy sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, ăn sâu vào thị phần của Alibaba và làm gia tăng sự khác biệt trong tăng trưởng doanh thu của Alibaba so với các công ty cùng ngành".