Chuyển động nhà nông 1/12
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố mức thuế chống bán phá giá sơ bộ đối với mặt hàng mật ong Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Theo đó, mức thuế chung dành cho tất cả doanh nghiệp xuất khẩu mật ong của Việt Nam là 412,49%. Mức thuế này cao hơn gấp đôi so với mức thuế mà Hiệp hội các nhà sản xuất mật ong Mỹ đề xuất ban đầu là 207%.
Cùng với Việt Nam, 4 nước khác gồm: Brazil, Ấn Độ, Ukraine, Argentina cũng nằm trong danh sách các nước bị áp thuế xuất khẩu mật ong lần này. Trong đó, mật ong Việt Nam bị áp thuế cao nhất.
Tuy đây mới là phán quyết sơ bộ nhưng quyết định trên của Bộ Thương mại Mỹ đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các doanh nghiệp Mỹ xuất khẩu mật ong vào thị trường Mỹ cũng như những lao động đang hoạt động trong lĩnh vực nuôi ong tại Việt Nam.
Trong tháng 11/2021, ngành chăn nuôi tiếp tục gặp khó khăn do nhu cầu tiêu thụ chưa cao, giá bán sản phẩm giảm và dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương. Trong khi đó, hoạt động thu hoạch và chế biến thủy sản, lâm sản đang trên đà hồi phục do nhiều địa phương đã trở về trạng thái "bình thường mới".
Theo Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng, sản lượng thủy sản cả nước ước tính đạt 7.908.200 tấn, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: thủy sản nuôi trồng đạt 4.252.700 tấn, tăng 0,2%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 3.655.500 tấn, tăng 0,8%, gồm sản lượng thủy sản khai thác biển đạt 3.480.000, tăng 0,9%.
Trong đó, sản lượng thu hoạch thủy sản tháng 11.2021 ước đạt 761.800 tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu hoạch cá đạt 541.000 tấn, tôm đạt 109.200 tấn, các loại thủy sản khác đạt 111.700 tấn.
Sau thời gian dài bị hạn chế do giãn cách, hoạt động thu hoạch, khai thác, vận chuyển, tiêu thụ, chế biến thủy sản đã bắt đầu trên đà phục hồi.
Sau khi các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và phía Nam nói chung nới lỏng việc đi lại và hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể so với trước đó.
Cụ thể, theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 11, xuất khẩu gạo đạt 281.400 tấn, trị giá gần 148,7 triệu USD, tăng 52,3% về lượng và 50,6% về giá trị.
Các doanh nghiệp đang đẩy mạnh việc trả đơn hàng đã ký kết trước, điều này giúp xuất khẩu gạo Việt Nam tăng mạnh trở lại. Tuy nhiên số liệu của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy lũy kế đến giữa tháng 11, xuất khẩu gạo Việt Nam mới đạt gần 5,5 triệu tấn, như vậy, còn 1,5 tháng nữa là kết thúc năm, để hoàn thành mục tiêu 6,5 triệu tấn, ngành hàng sẽ phải xuất khẩu thêm hơn 1 triệu tấn.
Trong vụ cà rốt năm nay, Sở NN-PTNT Hải Dương đã hỗ trợ xây dựng vùng sản xuất cà rốt đạt tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 120 ha trên địa bàn huyện Cẩm Giàng, nhằm phục vụ cho xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc.
Rút kinh nghiệm về sản xuất, lưu thông, tiêu thụ cà rốt niên vụ 2020 - 2021, niên vụ năm nay, từ rất sớm UBND huyện Cẩm Giàng đã chỉ đạo các phòng, ban, địa phương… lên phương án tổ chức sản xuất, kết nối tiêu thụ, xuất khẩu cây vụ đông nói chung, cà rốt nói riêng. Dưới sự chỉ đạo hướng dẫn của UBND tỉnh và Sở NN-PTNT, các vùng trồng cà rốt trên địa bàn huyện sẽ tập trung đảm bảo chất lượng để xuất khẩu đi thị trường Hàn Quốc, Tây Á, EU…
Theo đó, năm nay diện tích trồng cà rốt tăng nhưng không đột biến, với diện tích hơn 500 ha, sản lượng cà rốt dự kiến hơn 20.000 tấn. Tuy nhiên, để xuất khẩu thuận lợi, cần tập trung nâng cao chất lượng, kiểm soát tốt dư lượng thuốc BVTV trên củ cà rốt trước khi thu hoạch, đảm bảo chất lượng cà rốt tốt nhất cho doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu.