Dân Việt

Từ vụ bắt Phó trưởng Công an và Phó Viện Kiểm sát huyện ở Thái Bình, quy trình xử lý thế nào?

Quang Minh 03/12/2021 09:08 GMT+7
Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã khởi tố, bắt Phó trưởng Công an và Phó Viện Kiểm sát nhân dân huyện Vũ Thư (Thái Bình). Ở góc độ pháp lý, những người vi phạm có thể phải đối mặt với những tội danh nào?

Bắt Phó trưởng Công an và Phó Viện Kiểm sát huyện Vũ Thư

Nêu quan điểm về vụ việc bắt Phó trưởng Công an và Phó Viện Kiểm sát huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình), Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho hay, những hành vi cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án như tiêu hủy chứng cứ, bỏ ra ngoài hồ sơ những chứng cứ buộc tội, bớt các chứng cứ gỡ tội, bổ sung vào các hồ sơ các tài liệu chứng cứ giả mạo, sửa chữa lời khai, làm thay đổi bản chất của vụ án…đều là hành vi vi phạm pháp luật.

Đối với những hành vi này, có thể bị truy truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 375 Bộ luật hình sự năm 2015.

"Như vậy, trong trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc dẫn đến bỏ lọt tội phạm thì các cán bộ điều tra, kiểm sát viên trong vụ việc có thể phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.

Đây là mức hình phạt rất nghiêm khắc đối với người thực hành việc tố tụng nhưng vi phạm đạo đức nghề nghiệp, xâm phạm đến hoạt động tư pháp, làm ảnh hưởng đến tính đúng đắn của pháp luật, gây mất niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật, tiếp tay dung túng cho tội phạm", luật sư Cường nói với PV Dân Việt.

Từ vụ bắt Phó trưởng Công an và Phó Viện Kiểm sát huyện ở Thái Bình, xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Phó Trưởng Công an huyện Vũ Thư và một lãnh đạo khác của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Vũ Thư bị bắt vì không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội. Ảnh: Hà Nhân

Ngoài ra, theo luật sư Cường, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định hành vi truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội và hành vi không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội đều là hành vi nguy hiểm cho xã hội. 

Người có chức vụ quyền hạn trong trường hợp này sẽ bị xử lý hình sự về các tội danh xâm phạm hoạt động tư pháp.

Theo đó, đối với người có thẩm quyền ký quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và có thẩm quyền ký phê chuẩn các quyết định này thuộc cơ quan điều tra, viện kiểm sát mà không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội thì đây được xác định là hành vi bỏ lọt tội phạm.

Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong trường hợp này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 369 Bộ luật hình sự năm 2015 với mức chế tài phạt tù có thể lên đến 12 năm tù.

Như vậy, trong trường hợp cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao có căn cứ cho thấy hành vi không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội đối với nhóm đàn em "Đường Nhuệ" là bỏ lọt những tội phạm rất nghiêm trọng hoặc hành vi dẫn đến việc người không bị truy cứu trách nhiệm hình sự trả thù người tố giác hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội thì người phạm tội trong trường hợp này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Từ vụ bắt Phó trưởng Công an và Phó Viện Kiểm sát huyện ở Thái Bình, xử lý thế nào? - Ảnh 2.

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội).

Luật sư Cường cho biết thêm, vụ việc khởi tố trên có thể gây chấn động đối với cơ quan tiến hành tố tụng ở Thái Bình, tuy nhiên đây cũng là một động thái cho thấy quyết tâm đấu tranh phòng chống tội phạm, quyết tâm làm trong sạch đội ngũ cán bộ.

Những vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp đang được điểu tra xảy ra tại quận Đồ Sơn, TP.Hải Phòng, quận Tây Hồ, Hà Nội... và nay là ở huyện Vũ Thư, Thái Bình cho thấy quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, suy thoái về tư tưởng đạo đức lối sống, thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ đảng viên, người có chức vụ quyền hạn trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay.

Người vi phạm có thể bị xem xét kỷ luật về mặt Đảng, cán bộ công chức

Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết thêm, hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án là việc làm cho nội dung của vụ án không phản ánh đúng sự thật khách quan hoặc khác đi so với những tài liệu và chứng cứ đã được thu thập trước đó, dẫn tới những đánh giá chứng cứ không chính xác và người có thẩm quyền trong tiến hành tố tụng có thể ra quyết định, phán quyết không chính xác.

Điều 375 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về "Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc" cụ thể như sau: Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm, thư ký tòa án, những người khác có nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự nào mà thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, huỷ hoặc làm hư hỏng các tài liệu, vật chứng của vụ án hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung vụ án, vụ việc, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Phạm tội mà có tổ chức dẫn đến việc giải quyết vụ án, vụ việc bị sai lệch; gây thiệt hại từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng thì bị phạt tù từ 5 - 10 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.

Còn đối với người vi phạm là cán bộ công chức, viên chức, theo quy định tại Nghị định 122/NĐ-CP về về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức thì các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức gồm: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm.

Từ vụ bắt Phó trưởng Công an và Phó Viện Kiểm sát huyện ở Thái Bình, xử lý thế nào? - Ảnh 3.

Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP.Hà Nội).

Theo đó, hành vi của Phó Trưởng Công an huyện Vũ Thư và Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Vũ Thư vi phạm quy định của pháp luật về: phòng, chống tội phạm; phòng, chống tệ nạn xã hội; trật tự, an toàn xã hội.

Theo các quy định về hình thức kỷ luật các bộ công chức được quy định Nghị định 122/NĐ-CP về về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức thì hai cán bộ này có thể sẽ bị áp dụng hình phạt cảnh cáo nếu vi vi phạm lần đầu và gây hậu quả ít nghiêm trọng.

Áp dụng hình thức kỷ luật giáng chức đối nếu như đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo mà tái phạm hoặc đây là hành vi vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả nghiêm trọng.

Đối với Đảng viên, công chức mà vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự như vậy thì cơ quan tổ chức cũng sẽ tiến hành xử lý kỷ luật đối với những người này ở hình thức cao nhất là khai trừ ra khỏi Đảng và tước danh hiệu công an nhân dân, cho ra khỏi ngành đối với kiểm sát viên.

Ngày 2/12, nguồn tin của Dân Việt xác nhận, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã khởi tố, bắt giữ ông Nguyễn Đức Tuấn – Phó Trưởng Công an huyện Vũ Thư; bà Phạm Thị Hiền – Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Vũ Thư và 1 kiểm sát viên khác của huyện này.

3 người trên bị khởi tố, bắt giữ để phục vụ điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội "Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội", quy định Khoản 2, Điều 369, Bộ luật Hình sự.

Đây là diễn biến tiếp theo của vụ án "Làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc", xảy ra tại Công an huyện Vũ Thư mà Cơ quan điều tra Viện Kiếm sát nhân dân Tối cao khởi tố vào ngày 29/10/2020.