Trong quá trình đi Tây Thiên lấy kinh, việc giả mạo thường xảy ra, Tôn Ngộ Không giả mạo yêu quái, yêu quái giả mạo Quan Âm, Như Lai, Đường Tăng, Bát Giới… Rất nhiều sự kiện giả mạo có thể phát sinh, chủ yếu là do lúc đó đối phương vô ý hoặc cẩu thả.
Nhưng lần giả mạo này có thể đạt đến trình độ thật giả lẫn lộn, đồng thời ồn ào tới mức mọi người ở Thiên cung đều biết, kinh động Ngọc Hoàng, Quan Âm, Như Lai, không thua kém gì việc đại náo thiên cung của Tôn Ngộ Không. Đó là vì người giả mạo Lục Nhĩ Hầu thực sự có bản lĩnh, nếu nói Tôn Ngộ Không là con khỉ thứ nhất thiên hạ, thì con khỉ Lục Nhĩ kia là kẻ giả mạo đệ nhất thiên hạ.
Trên đường đi lấy kinh, qua Dương Gia trang, Đường Tăng cưỡi ngựa Bạch Long đi trước, đột nhiên có một toán cướp chặn đường cướp bóc, Đường Tăng sợ bị đánh chết liền khai của cải đều ở trên mình các đồ đệ, thế là bọn cướp treo Đường Tăng lên cây.
Khi Ngộ Không đến nhìn thấy tình hình đó liền nổi giận đánh bọn cướp, kẻ bị thương, người bị chết. Đường Tăng tức giận đuổi Ngộ Không đi, Ngộ Không đành kể khổ với Quan Âm Bồ Tát.
Mỹ Hầu Vương thật giả, kiếp nạn lần này là do Lục Nhĩ Hầu giả mạo Ngộ Không. Người đọc phân tích tỉ mỉ sẽ thấy, Lục Nhĩ Hầu không phải vừa xuất hiện mà tìm cơ hội xuất hiện.
Sớm không đến, muộn không đến, nhằm đúng lúc Đường Tăng đuổi Ngộ Không đi mới xuất hiện, đồng thời đây cũng là địa bàn hoặc hang ổ của Lục Nhĩ Hầu. Hắn đánh bị thương Đường Tăng, cướp hành lý, là chọn lúc nội bộ thầy trò Đường Tăng phát sinh mâu thuẫn để hành động, xúc xiểm chia rẽ người khác, thường cũng không vô nguyên cớ, mà sẽ mượn mâu thuẫn nội bộ để đánh vào.
Đội ngũ lấy kinh xuất hiện “nội loạn” đã dẫn đến “ngoại xâm”, Ngộ Không sau khi đánh chết đứa con ác độc của Dương lão hán, mâu thuẫn càng lúc càng được kịch tính hóa, Đường Tăng trách Ngộ Không hành hung bất nhân, Ngộ Không trách Đường Tăng đã quên hết công lao diệt trừ yêu quái của mình trong suốt chặng đường đã qua.
Khi Lục Nhĩ Hầu xuất hiện, càng khiến cho cái nhìn của mọi người chuyển hướng, đem hết tội hành hung giáng họa cho Ngộ Không. Ngộ Không thật, tức Mỹ Hầu Vương rất trọng nghĩa khí, sự tôi luyện không ngừng được trải qua trên con đường đi lấy kinh càng khiến hắn trưởng thành.
[…]
Lục Nhĩ Hầu là đối thủ vô cùng mạnh mà Tôn Ngộ Không đã gặp phải, nhưng điều thú vị chính là con yêu tinh này có thể thành công đánh cướp Đường Tăng nhưng lại không ăn thịt Đường Tăng, cũng không muốn thành thân với Đường Tăng, chỉ cướp hết hành lý và thông quan điệp văn mà thôi.
Thì ra nó nghĩ như thế này: “Một mình ta đi Tây Thiên bái Phật cầu kinh, đêm về Đông thổ Đại đường, tự mình thành công, để cho đám người ở Nam Thiệm Bộ Châu lập ta làm Tổ, lưu danh vạn đại".
Động cơ này xem ra cao thượng hơn gấp trăm nghìn lần so với đám yêu tinh chỉ muốn ăn thịt Đường Tăng để trường sinh bất lão, thực ra điều này chẳng qua chỉ là bản thân đang tự lừa đối mình mà thôi.
[…]
Trong số nhiều người bị mạo danh, chắc chắn Tôn Ngộ Không phải là người khó mạo danh nhất, không những do bản thân Tôn Ngộ Không bản lãnh cực cao, nói chung rất khó mô phỏng, hơn nữa còn cần phải chấp nhận việc nguy hiểm đó là sẽ bị Ngộ Không phát hiện, truy đuổi.
Nhưng Lục Nhĩ Hầu lại mạo danh thành công Tôn Ngộ Không, ngoài bản thân nó có bản lãnh cao cường ra, cũng còn một đặc điểm nữa là Tôn Ngộ Không không thể dùng tuệ nhãn để phát hiện ra nó giống như phát hiện các loại yêu quái khác.
Đệ tử đầu tiên của Đường Tăng chính là Tôn Ngộ Không, sớm tối bên nhau hơn chục năm nên đối với cử động dù là nhỏ nhất của Ngộ Không Đường Tăng cũng nắm rõ như lòng bàn tay, nhưng ông lại không thể nhận ra kẻ đánh mình hôn mê lại là Ngộ Không giả.
Nguyên do là khi đó sự oán hận của Đường Tăng đối với Ngộ Không đã ảnh hưởng đến sự nhận biết của ông. […]
Sau cùng, Mỹ Hầu Vương thật giả đánh đến tận Thiên cung, Ngọc Đế muốn thông qua Kính chiếu yêu trên tay của Thác Tháp Lý Thiên Vương để phân biệt thật giả xem ra thì thông minh nhưng lại phạm phải một sai lầm, Kính chiếu yêu chỉ có thể phân biệt người với yêu mà thôi, Lục Nhĩ Hầu với Tôn Ngộ Không cùng là loài khỉ.
Do đó không thể phân biệt được Mỹ Hầu Vương thật giả được, trên thế giới không có cái gì là vạn năng cả, chỉ cần vượt quá phạm vi tác dụng thì có thể sẽ xuất hiện sai lầm.
Địa Tạng vương tuy có thể nghe ra được thật giả, nhưng lại không nói ra ngay tại hiện trường, mà là đưa hai người đó đến chỗ của Như Lai. […]
Sau khi Quan Âm Bồ Tát trông thấy hai Ngộ Không, cũng định ra tay giúp đỡ Ngộ Không mà mình khổ công bồi dưỡng, nhưng lại sợ nhận nhầm Ngộ Không thật.
Chính điều này đã ảnh hưởng đến sức phán đoán chính xác của bà. Như Lai có thể phân biệt rõ ràng, không hề hồ đồ, Phật Tổ không yêu không ghét, không tồn tại vấn đề tình cảm thân thuộc ở đây.
Con người chưa chắc có thể làm được điều này, loài người thường thì ăn uống ở thế giới loài người, sẽ có thất tình lục dục, nhận thức khó tránh khỏi việc nhầm lẫn.
[…]
Nếu cần một người có sức phán đoán chính xác, thì cần phải loại bỏ nhân tố tình thân gây nhiễu này đi, thì dù khó đến mấy cũng có thể làm được.
Do đó mới có câu chuyện năm xưa “Gia Cát Lượng gạt lệ chém Mã Tắc”, chém là chém luôn, việc mà Gia Cát Lượng làm không tiêu sái như Như Lai, nhưng mắt lệ nhạt nhòa tiễn Mã Tắc lên đường, vì ông không phải là Phật, nhưng ông cũng chẳng giống với phú hộ nọ vì tình thân mà đánh mất khả năng phán đoán, hơn nữa còn là người chấp pháp công bằng.
Là con người, sự thân sơ về tình cảm là điều khó tránh, có nhiều lúc, sự yêu hận đối với một người thường ảnh hưởng đến khả năng phán đoán của chúng ta.
Mạo danh tiên giới, cần dựa vào phán đoán của Phật tổ; nhưng mạo danh của thời hiện thực thì lại cần dựa vào bản thân chúng ta để phân biệt. Do đó lúc bình thường chúng ta cũng cần nên tập cho mình một đôi mắt trí tuệ (tuệ nhãn) để phân biệt được thật giả.