Trong những ngày gần đây, do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 biến thể mới, các nhà đầu tư hoang mang lo ngại tình trạng dư cung có thể tăng trở lại ngay trong quý đầu tiên của năm mới. Đây chính là nguyên nhân chính khiến cho giá dầu trên thế giới giảm mạnh.
Chỉ trong 1 phiên đầu tiên sau chu kỳ điều hành giá lần trước, giá dầu trên thế giới đã giảm đến 10 USD/thùng, mức giảm chưa từng có kể từ tháng 4/2020.
Cùng với đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nguồn cung dầu thế giới sẽ tăng thêm 1,5 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 11 và tháng 12, trong đó Mỹ tiếp tục chiếm đa số mức tăng sản lượng, cao hơn so với bất kỳ một quốc gia nào khác. Nguồn cung dầu thô thế giới gia tăng khiến cho giá xăng không thể tăng thêm được.
Dự báo về giá xăng trong kỳ điều chỉnh sắp tới (10/12), một lãnh đạo kinh doanh xăng dầu cho hay, tại kỳ điều hành này, giá xăng trong nước có khả năng sẽ giảm rất mạnh.
Ước tính mức giảm nếu không trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu sẽ vào khoảng 1.700 đồng với giá xăng và 1.200 - 1.600 đồng với giá dầu. Tuy nhiên, nếu cơ quan quản lý trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì mức giảm này có khả năng sẽ không cao như vậy.
Trước đó, tại kỳ điều hành giá ngày 25/11, mỗi lít xăng E5 RON 92 được giảm 752 đồng, xăng RON 95 giảm 1.094 đồng/lít, dầu diesel giảm 334 đồng mỗi lít, dầu hỏa giảm 440 đồng/lít còn dầu mazut giảm 344 đồng/kg.
Cùng với đó, Liên bộ quyết định trích lập Quỹ Bình ổn dầu đối với xăng RON 95 là 300 đồng/lít, dầu diesel là 150 đồng/lít, dầu hỏa 300 đồng/lít, dầu mazut là 500 đồng/kg. Đồng thời, mức chi Quỹ Bình ổn với xăng E5 RON 92 là 300 đồng/lít, các mặt hàng còn lại không chi.
Sau điều chỉnh, xăng E5 RON 92 có mức giá bán tối đa là 22.917 đồng/lít; RON 95 là 23.902 đồng/lít; dầu diesel 18.382 đồng/lít, dầu hỏa 17.197 đồng/lít; dầu mazut 16.477 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, sáng nay, dầu WTI giảm 0,24 USD/thùng tương ứng 0,36% xuống mức 66,26 USD/thùng; Dầu Brent tăng 0,21 USD/thùng tương ứng 0,30% xuống mức 69,88 USD/thùng.
Các công ty khoan dầu của Mỹ giữ nguyên số lượng giàn khoan dầu trong tuần này, sau khi trước đó đã bổ sung số lượng giàn khoan trong 5 tuần liên tiếp lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2020.
Ngày 3/12, Bộ Tài chính Mỹ công bố "Báo cáo về chính sách hối đoái và kinh tế vĩ mô của các đối tác thương mại chủ chốt của Mỹ," trong đó đánh giá Việt Nam tiếp tục đáp ứng các tiêu chí để xác định không thao túng tiền tệ.
Báo cáo được công bố trên trang chủ của Bộ Tài chính Mỹ, đánh giá các chính sách của các đối tác thương mại lớn, chiếm hơn 80% kim ngạch hàng hóa thương mại và dịch vụ của Mỹ, trong 4 quý tính đến tháng 6.
Theo đó, căn cứ Đạo luật Cạnh tranh và Thương mại Omnibus năm 1988, báo cáo kết luận rằng không có đối tác thương mại lớn nào của Mỹ thao túng tỷ giá hối đoái giữa đồng nội tệ với đồng USD của Mỹ nhằm mục đích ngăn cản việc điều chỉnh cán cân thanh toán hoặc nhằm giành lợi thế cạnh tranh không công bằng trong hoạt động thương mại quốc tế.
Trong đó, Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) đáp ứng cả 3 tiêu chí về thặng dư thương mại, thặng dư tài khoản vãng lai và can thiệp tỷ giá hối đoái căn cứ Đạo luật Xúc tiến và Tăng cường Thương mại năm 2015.
Tuy nhiên, Mỹ sẽ tiếp tục phối hợp với Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) để giải quyết các quan ngại của Washington.
Bộ Tài chính Mỹ bày tỏ “hài lòng với tiến bộ mà Việt Nam đạt được tính đến thời điểm này”, trong khi tiếp tục quá trình can dự được khởi động hồi tháng 5 với Đài Loan (Trung Quốc).
Trước đó, trong báo cáo tương tự công bố tháng 4 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ, theo đó xác định trong giai đoạn đánh giá năm 2020, không có đủ bằng chứng, dấu hiệu cho thấy Việt Nam thao túng tiền tệ theo quy định của Đạo luật Cạnh tranh và Thương mại Omnibus năm 1988.
Một quỹ đầu tư Mỹ Goehring & Rozencwajg Associates có trụ sở tại New York vừa đưa ra dự báo giá vàng vẫn có đà tăng do lạm phát sẽ bùng phát trong nhiều năm sắp đến. Trong thời gian sớm nhất, vào năm 2022, lạm phát sẽ tạo ra các cú sốc dầu, cú sốc khí đốt tự nhiên hoặc cú sốc nông nghiệp.
Đây có thể được xem là một hiện tượng "thiên nga đen", ám chỉ hiện tượng kinh tế cực kì hiếm khi xảy ra và không thể dự đoán trước, gây ra những hậu quả tàn khốc cho nền kinh tế.
Ông Leigh Goehring, Giám đốc quản lý Quỹ Goehring & Rozencwajg Associates cho biết, vào thập niên 1970, lạm phát ở Mỹ là 5-6%, tương đương thời điểm hiện nay. Vào năm 1973 xảy ra cuộc khủng hoảng dầu mỏ, và có thời điểm chỉ trong một đêm dầu tăng từ 4 USD/thùng lên 15 USD/thùng. Điều này đã kích hoạt lạm phát khủng khiếp.
Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đáp trả bằng tăng lãi suất. Vàng khi đó rớt xuống đáy. Nhưng sau đó FED buộc phải từ bỏ tăng lãi suất vì tạo ra nỗi đau cho nền kinh tế quá lớn, nhờ vậy vàng bắt đầu bước vào giai đoạn tăng giá cực nhanh.
"Tình hình hiện nay cũng tương tự. Khi bước vào giai đoạn tăng giá thì khả năng đến năm 2028, vàng sẽ leo lên con số 10.000 USD/ounce, tương đương 278 triệu đồng/lượng", ông Leigh Goehring dự báo.
Phiên giao dịch sáng nay (4/12), giá vàng thế giới có thời điểm rớt xuống vùng giá sâu 1.767 USD/ounce, tương đương 49,1 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nước sáng nay cũng chạm mốc 61,05 triệu đồng/lượng ở chiều bán.